Tết sớm của kiều bào ở Bangkok

01/01/2012 00:06 GMT+7

Được tổ chức sớm, buổi đón tết Nhâm Thìn của bà con Việt kiều tràn đầy tình thân và không thiếu những lễ nghi truyền thống.

Được tổ chức sớm, buổi đón tết Nhâm Thìn của bà con Việt kiều tràn đầy tình thân và không thiếu những lễ nghi truyền thống.

Mọi năm, bà con Việt kiều ăn tết Nguyên đán chung với nhau trong buổi gặp thân mật cuối năm do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Năm nay, một số kiều bào ở đông bắc Thái Lan tụ tập về thủ đô Bangkok tự tổ chức đón tết sớm vào những ngày cuối năm 2011.

Ấm áp

Trong trang phục áo dài khăn đóng với nhiều màu sắc tươi tắn, đoàn người trên tay cầm những nhánh mai, câu đối... hướng về khán đài, nơi đặt bàn thờ tổ tiên và ảnh Bác Hồ. Phía trước họ là hai con lân đỏ và trắng đang vái lạy trước bàn thờ nghi ngút khói hương. Đó là một trong những nghi thức đón tết cổ truyền của bà con Việt kiều trong buổi lễ ở Bangkok.

Vái lạy hay cúng ông bà tổ tiên là nghi thức không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền của người Việt xa xứ. Nó thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với công đức sinh thành, giáo dưỡng của những người đi trước và giúp họ nhớ về quê cha đất tổ, dù nhiều người trong số họ chưa một lần đặt chân về nước. Sau nghi thức cúng bái tổ tiên là màn biểu diễn múa lân và lì xì chúc tết. Múa lân vốn là nét văn hóa truyền thống của người Việt trong ngày tết. Năm nay, tiết mục này càng có ý nghĩa hơn khi kiều bào muốn nhờ những chú lân mạnh mẽ “xua đuổi những tà ma, xui xẻo” mà cộng đồng người Việt cũng như người Thái đã trải qua trong năm 2011. Đó là trận lũ lịch sử, gây bao nhiêu tang thương mất mát cho cả đất nước Thái Lan. Với lân đỏ tượng trưng cho may mắn, lân trắng là sự an lành, kiều bào cầu mong năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ.

 
Giới thiệu các món ăn Việt ngày tết

 
Các em thiếu nhi trong tiết mục múa Việt Nam quê hương tôi - Ảnh: Minh Quang

Dù ngoài trời, không khí lạnh tràn ngập thủ đô Bangkok nhưng bên trong khán phòng nơi tổ chức buổi lễ của bà con Việt kiều vẫn ấm cúng bởi sắc đỏ của cờ, hoa đào, câu đối chúc tết hoặc vàng rực của hoa mai xen lẫn màu xanh của bánh chưng, bánh đòn… Buổi lễ không cầu kỳ như ở quê nhà nhưng vẫn mang nét truyền thống của người Việt với nghi thức đón năm mới và giới thiệu món Việt ngày tết. Bên cạnh bánh chưng, bánh đòn, còn có các loại mứt cổ truyền, dưa món, chả giò, chả lụa, xôi vò, thịt quay… được bà con làm riêng cho ngày tết.

Tôi mong ước một ngày nào đó được ăn tết ở Việt Nam để trải nghiệm không khí của ngày tết trên quê hương của bố mẹ và ông bà

Trần Công Thắng, Việt kiều Thái, 23 tuổi

Ngoài tết Dương lịch và tết của người Thái (tháng 4 dương lịch), người Việt vẫn giữ được tập tục ăn tết Nguyên đán cổ truyền. “Được ăn tết với cộng đồng, được thưởng thức những nét văn hóa trong ngày tết của Việt Nam chúng tôi thực sự cảm động và thấy gần gũi hơn với quê nhà”, ông Phạm Ngọc Trị, một kiều bào sinh trưởng ở Thái Lan, tâm sự với PV Thanh Niên. Ông Trị cho biết sau buổi lễ chung, hầu hết Việt kiều ở Bangkok đều trở về các tỉnh, tập trung nhiều tại vùng đông bắc Thái Lan nơi họ sinh ra và lớn lên, để đón tết cùng với gia đình và bạn bè. Ở đó, họ cũng nấu bánh chưng, làm mứt. Trong nhà cũng có mai và bàn thờ tổ tiên được cúng với mâm ngũ quả. Theo ông Trị, trước tết một tuần, mọi người đi chúc tết và tặng quà cho nhau và cho cả người Thái trong khu dân cư, nhằm thắt chặt mối thâm tình với nhau cũng như giữa cộng đồng người Việt và người Thái.

Cơ duyên cũng giúp chị Sanny Hiệp, một Việt kiều sinh sống ở Thụy Điển hơn 20 năm, được đón tết chung với đồng hương trên đất Thái. Chị và gia đình đi du lịch ở Bangkok đúng vào dịp bà con tổ chức đón tết sớm. Chị Hiệp không giấu được vẻ phấn khích vì trước nay chưa bao giờ có cơ hội đón tết cùng kiều bào như thế. Chị nói điều thú vị nhất chính là được mặc áo dài khăn đóng và xem múa lân, đặc biệt là các nghi thức cúng bái tổ tiên. “Đó chính là tết Việt Nam, điều mà tôi chưa bao giờ được trải nghiệm khi ở Thụy Điển. Ở đó chúng tôi gần như không ăn tết”, chị Hiệp bộc bạch. Chị ước ao mỗi năm đều được đón tết trong không khí đầm ấm như thế.

Tết cho con cháu

Do người Việt đã đến Thái Lan lập nghiệp từ hơn 100 năm trước nên những thế hệ sau này ít biết về tết cổ truyền. Trần Công Thắng, 23 tuổi, cho biết vào ngày tết ba mẹ thường đưa con cháu đi chúc tết ông bà và mọi người tập trung trong gia đình cùng ăn uống, chuyện trò. Vào đêm giao thừa, mọi người đốt pháo mừng năm mới. “Tết đến đối với chúng tôi đơn giản như thế. Những người trẻ như chúng tôi gần như không biết ở Việt Nam ăn tết như thế nào. Tôi mong ước một ngày nào đó được ăn tết ở Việt Nam để trải nghiệm không khí của ngày tết trên quê hương của bố mẹ và ông bà”, anh Thắng chia sẻ bằng tiếng Thái vì không nói được tiếng Việt. Thắng nói anh theo mẹ đến Bangkok ăn tết cùng kiều bào cũng là để hiểu biết hơn về tết cổ truyền Việt Nam.

Nhiều kiều bào lo lắng giới trẻ gốc Việt ngày nay không quan tâm nhiều đến các phong tục tập quán của ông bà tổ tiên vì văn hóa phương Tây tràn ngập ở Thái Lan, chưa nói đến văn hóa bản địa. Nhiều người còn không nói được tiếng Việt nói chi biết đến văn hóa Việt. Vì thế nỗi lo con cháu mất gốc hiện diện thường trực trong nhiều gia đình kiều bào. Ông Nguyễn Văn Hòa, 60 tuổi, chủ nhà hàng Huế ở Bangkok, cho biết những dịp đón tết cổ truyền là cơ hội tốt để không chỉ mọi người nghĩ về nhau, hướng về Tổ quốc cũng như nghĩ đến việc giúp đỡ quê hương mà còn là dịp để dạy dỗ con cháu biết thêm phong tục tập quán của người Việt và để văn hóa Việt gần gũi hơn với giới trẻ. “Tôi không muốn gì hơn là ngày càng nhiều người Việt trẻ hiểu biết về văn hóa Việt Nam, gìn giữ và phát huy văn hóa đó ngay trên đất Thái này”, ông Hòa chia sẻ ước nguyện vào dịp năm mới.

Minh Quang
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.