Jetstar Pacific thua lỗ, trách nhiệm của ai?

05/12/2008 23:44 GMT+7

Mỗi ngày Jetstar Pacific (JP) lỗ 1,3 tỉ đồng, 10 tháng JP lỗ tương đương 22 triệu USD. Nhiều khả năng JP sẽ không còn vốn điều lệ để hoạt động. Vậy trách nhiệm của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cổ đông nắm giữ 75,78% cổ phần của JP như thế nào?

Thua lỗ càng lúc càng nặng nề

Cách đây hơn 1 năm, vào tháng 8.2007, Hãng hàng không Pacific Airlines đã có lãi và đảm bảo được cân đối thu chi. Lúc đó SCIC tự hào đó là một thành công của mình trong việc tái cơ cấu lại hãng này, cứu Pacific Airlines đang đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm, nhất là từ sau khi đổi tên từ Pacific Airlines sang Jetstar Pacific (JP), tình hình tài chính của JP đã rơi vào hoàn cảnh bi đát.

Theo số liệu chính thức từ SCIC, số tiền bị lỗ của JP đang tăng ngày càng nhanh. 6 tháng đầu năm 2008, JP lỗ 10,7 triệu USD, đến tháng 10.2008 là 22 triệu USD, nâng tổng số lỗ lũy kế của JP lên tới 55 triệu USD. Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Tổng giám đốc SCIC thừa nhận: "Công ty đã và đang ở trong tình trạng càng bay càng thua lỗ. Tình hình tài chính của công ty đang hết sức khó khăn. Nếu không có giải pháp phù hợp về tài chính và những giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách của Chính phủ và các cơ quan chức năng, dự kiến đến hết năm 2008, công ty sẽ không còn vốn điều lệ để hoạt động và sẽ quay trở lại với tình hình như trước thời điểm thực hiện tái cơ cấu".

JP càng lỗ thì SCIC càng thiệt hại nặng do SCIC nắm giữ đến trên 75,78% vốn của JP. Cổ đông nước ngoài của JP là Hãng hàng không Jetstar Airways (công ty con của Tập đoàn Qantas) đang nắm giữ 18% vốn của JP thì dù lỗ nhưng vẫn còn có khoản thu từ hợp đồng nhượng quyền thương hiệu và phí cung cấp dịch vụ cho JP lên đến hàng triệu USD mỗi năm.

Để giảm lỗ, SCIC khẳng định, JP đã chủ động đề xuất và áp dụng các biện pháp quyết liệt để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên không hiểu cắt giảm quyết liệt đến mức nào, nhưng hiện tại, chi phí lương hằng tháng của JP lên đến 6 - 8 tỉ đồng mỗi tháng, trong đó lương của tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc cao ngất trời. Khi doanh nghiệp đang lỗ nặng nề, việc những người lãnh đạo lãnh lương cao ngất liệu có hợp lý?

SCIC loay hoay

SCIC được lập ra để nhằm mục tiêu kinh doanh và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước. Việc JP lỗ 22 triệu USD trong 10 tháng qua trách nhiệm trước hết thuộc về SCIC vì hiện SCIC có đến 4 người đại diện là thành viên Hội đồng quản trị JP. Hiện trong lúc JP "bi đát", SCIC lại có ý định thoái vốn.

Là "siêu tổng công ty" nên cách thoái vốn của SCIC cũng rất khác thường. Trong vòng hơn một tháng, SCIC có tới hai văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ với hai quan điểm khác nhau. Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 3.10.2008, SCIC viện dẫn lý do: Theo tính toán của công ty và các cổ đông, để đứng vững và tiếp tục phát triển trong những năm tới, JP cần được bổ sung một khoản vốn lớn, dự kiến khoảng 30 - 35 triệu USD trong năm 2009, SCIC đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Qantas được nâng tỷ lệ nắm giữ lên 49% như một trường hợp ngoại lệ để ghi nhận những đóng góp của đối tác chiến lược nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý, điều hành công ty.

Ngay sau đó, dư luận đặt vấn đề, liệu có xảy ra trường hợp cổ đông nước ngoài cố tình để doanh nghiệp thua lỗ để dần thôn tính đối tác trong nước, tiến tới sở hữu toàn bộ công ty như đã từng xảy ra ở một vài công ty liên doanh trước đây? Nếu Qantas được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 49% như đề nghị của SCIC thì thực tế, hãng hàng không nước ngoài đã được khai thác thương quyền bay nội địa, trong khi đó đây lại là lợi ích quốc gia, trên thế giới chưa có nước nào cho phép hãng hàng không nước ngoài khai thác các đường bay nội địa.

Chính vì thế, đến ngày 21.11.2008, SCIC đã phải gửi tiếp một văn bản khác cho Thủ tướng Chính phủ, thay đổi đề nghị trên, với lý do: "Xét thấy việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoài lên 49% vào thời điểm hiện nay chưa phù hợp", SCIC đề nghị: Cho phép tổng công ty này giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại JP và cho phép các nhà đầu tư trong nước khác có đủ năng lực tài chính và có khả năng hỗ trợ hoạt động của JP được tham gia đầu tư vào công ty...

Rõ ràng với trường hợp JP, SCIC đã không hoàn thành được nhiệm vụ và đã đến lúc phải xem xét trách nhiệm của những người đại diện SCIC tại JP.

 Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.