Hé lộ tình tiết về nghi án Assange

08/12/2010 23:36 GMT+7

Trong lúc tòa London bác bỏ yêu cầu tại ngoại của nhà sáng lập WikiLeaks, những tình tiết mới về nghi án tình dục của ông này vừa được công bố.

Hôm qua, Julian Assange lần đầu tiên lộ diện kể từ khi webiste WikiLeaks tung ra các thư tín ngoại giao của Mỹ hơn 10 ngày trước. Xuất hiện tại tòa án ở London (Anh), Assange tỏ ra khá điềm tĩnh và tự tin. Nhà sáng lập WikiLeaks thậm chí còn giơ tay vẫy chào một số gương mặt quen thuộc. Trước tòa, ông Assange tuyên bố chống lại quyết định dẫn độ về Thụy Điển và cung cấp địa chỉ ở Úc khi được hỏi. Theo BBC, tòa bác bỏ khả năng ông này được bảo lãnh tại ngoại, bất chấp sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi tiếng của Anh. Theo kế hoạch, phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 14.12.

Gemma Lindfield, luật sư đại diện cho chính quyền Thụy Điển, đã thành công khi thuyết phục tòa không cho bảo lãnh Assange. Bà Lindfield đưa ra 5 lý do chính: lối sống không bao giờ ở lâu một chỗ của Assange; thông tin cho thấy ông này muốn tị nạn tại Thụy Sĩ; Assange tiếp cận được tiền quyên góp từ người ủng hộ; ông có quan hệ rộng rãi trên toàn thế giới và ông này mang quốc tịch Úc, theo báo Independent.

Tiết lộ chấn động về bóng đá

WikiLeaks cũng vừa tiết lộ những thông tin gây sốc về bóng đá. Năm 2009, Mỹ khuyến khích Myanmar mua lại CLB nổi tiếng Manchester United của Anh từ gia đình Glazer với giá 1 tỉ USD. Sau đó, Thống tướng Than Shwe đã từ bỏ kế hoạch này. Ngoài ra, các hồ sơ của Mỹ cũng xác nhận chuyện chính quyền Saddam Hussein đã tra tấn cầu thủ của đội tuyển quốc gia Iraq vì không giành được suất dự World Cup 1994. Theo đó, họ phải đá một quả bóng bằng bê tông, sau đó bị cắt nhiều vết lên cơ thể rồi thả vào hố nước bẩn để gây nhiễm trùng.

Nguyên Khoa

Cũng theo luật sư bên nguyên, nhà sáng lập WikiLeaks bị bắt vì có liên quan đến 4 cáo buộc về tình dục từ 2 phụ nữ. Người đầu tiên, gọi là cô A, cho hay mình bị ông Assange cưỡng bức vào đêm 14.8 tại Stockholm. Theo cáo buộc thứ hai, trong một lần khác, ông Assange đã “quấy rối tình dục” cô A khi không mang bao cao su trong lúc quan hệ. Cáo buộc thứ ba có nội dung ông Assange đã cố ý quấy nhiễu cô A vào ngày 18.8 với ý đồ cưỡng ép quan hệ. Trong cáo buộc thứ tư, ông Assange đã quan hệ tình dục mà không chịu dùng biện pháp bảo vệ với một phụ nữ thứ hai, gọi là cô W, vào ngày 17.8.

Tuy nhiên, theo Reuters, hai phụ nữ được đề cập ở trên ban đầu không muốn kiện Assange. Họ chỉ muốn tìm và thuyết phục ông này xét nghiệm để xác định liệu bạn tình có mắc bệnh lây qua đường tình dục hay không nhưng không được. Ông Assange bị bắt hôm 7.12 khi ra trình diện cảnh sát tại London. Theo AFP hôm qua, luật sư nổi tiếng Geoffrey Robertson, chuyên gia về các vụ án liên quan đến nhân quyền và tự do ngôn luận, sẽ đại diện cho người sáng lập WikiLeaks trong vụ này.

Mỹ muốn dẫn độ Assange

WikiLeaks hỗn loạn

WikiLeaks đang lâm vào tình trạng rắn mất đầu sau khi Assange bị bắt, theo AP. Trước đó, ông này đã ủy quyền cho phóng viên truyền hình Iceland Kristinn Hrafnsson lãnh đạo WikiLeaks. Tuy nhiên, các nhân viên của tổ chức này hầu như bị cắt liên lạc hoàn toàn với hàng trăm tình nguyện viên, do thông tin liên lạc nằm trong trong tài khoản trực tuyến của Assange. Trong một diễn biến liên quan, đến hôm qua, nhà cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng Visa đã tuyên bố ngưng nhận tiền đóng góp qua thẻ cho WikiLeaks cũng như ông Assange. Trong khi đó, một nhóm tin tặc ủng hộ WikiLeaks đã tấn công trang chủ của Mastercard và ngân hàng Thụy Sĩ PostFinance vì “dám” đóng tài khoản của website này cũng như của ông Assange.

Trong lúc các bên đang chuẩn bị cuộc chiến pháp lý dài hơi nhằm quyết định số phận của ông Assange, Washington tìm kiếm cơ hội để dẫn độ ông này về Mỹ. Tuy nhiên, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt hôm qua cho biết chính phủ 2 bên chưa có tiếp xúc chính thức nào về việc dẫn độ. Tờ Independent của Anh thì dẫn các nguồn tin ngoại giao khác nói sẽ không có yêu cầu dẫn độ nào được đưa ra cho đến khi Chính phủ Mỹ công bố các cáo buộc chống ông Assange. Đồng thời, nỗ lực đưa ông này đến Mỹ sẽ chỉ được tiến hành sau khi Thụy Điển hoàn tất vụ kiện của chính họ.

Hôm qua, người con trai 20 tuổi của Assange bất ngờ tuyên bố anh hy vọng cha mình sẽ được xét xử công bằng và tòa án không quyết định vì lý do chính trị. Theo AFP, Daniel Assange, hiện là kỹ sư phát triển phần mềm tại Melbourne, Úc ra đời khi người sáng lập WikiLeaks mới 18 tuổi. Hiện chưa rõ mẹ của anh là ai và anh cũng hầu như không liên lạc với người cha nổi tiếng.

Trong một diễn biến bất ngờ khác, Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd lên tiếng bảo vệ Assange. Theo BBC, ông cho rằng chính Mỹ chứ không phải là Assange phải chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ. Ông Rudd cũng lý luận chuyện vừa xảy ra đã đặt câu hỏi về các hệ thống an ninh của Mỹ cũng như khả năng truy cập kho dữ liệu nhạy cảm của các cá nhân nước này. Ông Rudd cho hay Úc sẽ trợ giúp ông Assange giống như mọi công dân khác của nước này.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.