Vượt sĩ số quy định là vi phạm quyền trẻ em

17/11/2010 01:05 GMT+7

Nhà giáo Nhân dân Đặng Huỳnh Mai - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh thực trạng quá tải tại các trường mầm non.

Thưa bà, với tư cách là Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, bà đánh giá thế nào về tình trạng vượt sĩ số quy định học sinh mầm non ở những thành phố lớn hiện nay?

Nếu sĩ số một lớp mẫu giáo, nhà trẻ gấp đôi so với quy định nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế trong khi chờ xây trường, mở rộng quy mô trường lớp thì có thể chấp nhận được. Còn nếu cứ kéo dài hết năm này qua năm khác mà không có câu trả lời bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng ấy thì tôi cho rằng không thể chấp nhận được.

Quy định về sĩ số học sinh theo lứa tuổi đã có từ mấy chục năm nay, tôi nhớ không nhầm là từ năm 1978 nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định này. Khi đưa ra quy định về sĩ số là đã tính tới những căn cứ khoa học: tâm sinh lý của đứa trẻ, điều kiện, khả năng chăm sóc dạy dỗ của giáo viên... Chúng ta phải thẳng thắn nói với nhau rằng, rõ ràng để sĩ số vượt quá quy định là hành vi vi phạm quyền lợi của trẻ em, lẽ ra chúng xứng đáng được hưởng một môi trường chăm sóc, học tập tốt hơn.


Ảnh: Bảo Anh

Hiện nay chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi nhưng vẫn còn nửa vời. Lẽ ra phải đi kèm với các giải pháp, bắt buộc phải xây dựng cơ sở vật chất, miễn phí đối với những đối tượng khó khăn

Bà Đặng Huỳnh Mai

Một lớp quá đông thì những nguy cơ nào có thể xảy ra, thưa bà?

Nhiều khi người lớn cứ bao biện, thậm chí là lừa dối nhau, nhưng thiệt thòi nhất vẫn là trẻ em. Những nguy cơ về tai nạn, thương tích luôn rình rập đứa trẻ. Bản thân giáo viên vì làm việc quá tải cũng dễ dẫn đến stress, cáu gắt, thậm chí bạo hành với trẻ ngoài mong muốn.

Theo quan sát của bà nhiều năm qua, việc ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục mầm non ở các địa phương đã được như mong muốn chưa?

Chưa, vì một thời gian dài chúng ta đặt mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông nên vẫn ưu tiên đầu tư cho giáo dục phổ thông nhiều hơn, giáo dục mầm non vì thế chưa được quan tâm như mong muốn.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi nhưng vẫn còn nửa vời. Lẽ ra phải đi kèm với các giải pháp, bắt buộc phải xây dựng cơ sở vật chất, miễn phí đối với những đối tượng khó khăn.

Trước đây, khi còn làm việc tôi đã từng kiến nghị với Bộ Xây dựng là khi xây dựng nhà chung cư, khu công nghiệp... là phải tính đến quy mô học sinh và phải dành quỹ đất để xây trường học chứ không đổ dồn vào những trường có sẵn. Thế nhưng, khi lập đề án, “ông” quy hoạch thỉnh thoảng vẫn quên giáo dục; còn ngành giáo dục nhiều khi cũng nghĩ quy hoạch không phải là việc của mình, cũng không góp ý, bàn bạc gì cả.

Vậy theo bà, ngoài giải pháp về ưu tiên dành quỹ đất để xây trường mầm non mà bản thân ngành GD-ĐT cũng “chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được”, thì liệu có cách nào để ưu tiên nhận trẻ từ 4 tuổi trở xuống để thay thế cho việc nhận trẻ 5 tuổi như hiện nay?

Thời trước, khi chưa có khái niệm xã hội hóa thì tất cả các công sở, xí nghiệp... đều có nhà trẻ. Mô hình này giải quyết vấn đề phúc lợi, có tính nhân văn rất cao. Các đơn vị có trách nhiệm đầu tư về cơ sở vật chất cho nhà trẻ, nếu có điều kiện thì thuê luôn cả giáo viên, bố mẹ đóng góp tiền ăn uống. Điều này giúp giảm tải rất nhiều cho trường mẫu giáo. Bởi nhà trẻ sẽ dành cho trẻ từ 4 tuổi trở xuống, còn đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên thì học ở trường mẫu giáo, nơi nào quá ít trẻ và khó khăn thì ghép vào trường tiểu học.

Tại sao các doanh nghiệp không thể lo cho đời sống cán bộ công nhân viên của mình bằng những hình thức như vậy. Nhà nước quy định phụ nữ chỉ nghỉ thai sản 4 tháng mà không có những cơ sở phúc lợi đi kèm, trong khi trường mẫu giáo chỉ nhận trẻ lớn thì làm sao họ yên tâm làm việc được.

Bà đã chính thức kiến nghị áp dụng mô hình này chưa?

Tôi đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này. Hiện, tôi đang tiếp tục kiến nghị để đưa vào chương trình hành động bảo vệ quyền lợi trẻ em sắp tới.

Còn thấp và thiếu hụt!

Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục mầm non còn thấp và thiếu hụt lớn, mới đạt 8,5% ngân sách dành cho giáo dục. Nhiều tỉnh chi ngân sách cho hoạt động chuyên môn mới đạt 1% đến 2% trong tổng số chi thường xuyên, mức đóng học phí của nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập còn quá cao so với thu nhập của nhiều gia đình dẫn đến tình trạng quá tải, tiêu cực khi tuyển sinh đầu năm học.

(Theo thống kê của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Phú Thọ; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của QH)

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.