Ăn gì bổ nấy?

13/11/2007 13:41 GMT+7

Vào quán ăn, thực khách được mời các món độc chiêu "ăn gì bổ nấy". Liệu có đúng như thế?

Ăn gì bổ nấy, xin mời!

Hiện nay, thực khách tới nhiều quán ăn bình dân hay nhà hàng sang trọng ở  Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... mở thực đơn thế nào cũng có món ăn được chế biến từ những bộ phận quý nhất của gia cầm,vật nuôi  như: tim, gan, óc heo, ngọc kê, pín bò... Những món như bầu dục heo nướng, bầu dục heo trần, ngọc kê xào hành, pín bò hấp cùng những lời chào mời hấp dẫn: "Ăn gì bổ nấy! Xin mời!". Người ta kháo nhau muốn thể hiện "bản lĩnh đàn ông" không thể quên dùng vài đĩa pín xào, muốn tỉnh táo giải quyết công việc đừng quên dùng món óc heo hấp, muốn đỡ đau lưng, mỏi gối chớ quên làm bát bầu dục trần, hay xơi nguyên quả bầu dục nướng. Có nơi còn chào mời thực khách dùng mật gấu pha rượu uống cho khỏe... như gấu! Nhiều người băn khoăn bán tín bán nghi.

Ăn gì bổ nấy, đúng không?

Gan lợn + hạt sen chữa thị lực kém

Hạt sen (100g) làm sạch, tán thành bột mịn. Gan lợn (200g) thái vừa miếng, ướp mắm muối vừa đủ, xào chín. Bột hạt sen cùng với 300 ml nước quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo được, cho gan lợn vào đảo đều. Ăn ngày 2 lần vào lúc đói, ăn liền trong 15 ngày.

Óc lợn + rau hẹ chữa bệnh đau đầu

Rau hẹ (200g) rửa sạch, cắt thành đoạn 3 cm, óc lợn (1 bộ), gia vị vừa đủ, quấy đều. Lấy 300 ml nước đun cho sôi rồi bỏ rau hẹ vào. Khi rau hẹ chín, cho óc lợn vào đảo đều, canh sôi lại là được. Ngày ăn 1 lần vào lúc đói, ăn liền trong 7 ngày.

Chúng tôi gặp lương y Huyên Thảo, một chuyên gia về  món ăn bổ dưỡng và chữa bệnh trao đổi về vấn đề này. Ông cho biết: "Theo quan niệm của Đông y, thức ăn gồm tứ khí: ấm, nóng, mát, lạnh và ngũ vị: chua, cay, đắng, mặn, ngọt.  Cũng giống như thuốc, nó có tác dụng điều tiết chức năng tạng phủ khí huyết, nhưng khác thuốc là có chứa ít độc tính hơn. Chính vì vậy, thức ăn còn có chức năng chữa bệnh, trong Đông y, người ta gọi đó là ẩm thực liệu pháp (chữa bệnh bằng thức ăn). Chúng ta có thể ăn óc lợn với rau hẹ để chữa đau đầu; gan lợn nấu hạt sen chữa bệnh về mắt...".

Những kinh nghiệm được người xưa đúc kết và truyền lại đến bây giờ như "ăn tim  bổ tim, ăn óc bổ óc", vẫn còn nguyên giá trị. Đông y giải thích những hiện tượng "dĩ tạng bổ tạng" đó  hoạt động theo nguyên tắc đồng khí tương cầu. Có thể hiểu là các bộ phận trong cơ thể của con người có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ các bộ phận tương ứng của con vật nhanh hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hiện tượng đó không còn chính xác. Chẳng hạn, với người mắt kém, không thể ăn mắt lợn để bồi bổ mà phải thay vào đó là ăn gan lợn... 

Dược thực đồng nguyên

Ngoài ra, cơ thể mỗi người có những tạng thể chất bị hao tổn khác nhau. Có hai tạng chính là tạng âm hư và dương hư. Những người có tạng âm hư, bị thiếu dịch thể, do đó, cần ăn những thức ăn có tính mát (lươn, tôm, cua...). Người có tạng dương hư là những người hay buồn ngủ, kém hoạt động, sợ lạnh, đại tiện phân lỏng... cần ăn những thức ăn có tính nóng (thịt chó, thịt dê...) giúp bổ dương. Ngoài ra, còn có các loại tạng khác như khí uất, đảm thất... Tùy theo tạng thể chất của từng người, chúng ta cần sử dụng các loại thuốc Nam cũng như thức ăn bồi bổ tương ứng. Vì vậy, đối với con người, sử dụng cùng một loại thức ăn với người này có thể có lợi, nhưng người kia lại có thể có hại. Có thể lấy mật gấu làm ví dụ. Mật gấu là loại thực phẩm có tính mát, có tác dụng tả hỏa bệnh nhiệt cực, giải độc, điều hòa khí huyết cho những người có tạng âm hư. Nhưng khi người có tạng dương hư sử dụng thì loại thực phẩm xa xỉ này lại không mang lại những tác dụng tích cực. Cũng theo lương y Huyên Thảo, Đông y có khái niệm Dược thực đồng nguyên, có nghĩa là thức ăn cũng cần được sử dụng theo các nguyên tắc giống như dùng thuốc. Vì vậy, việc hiểu rõ nguyên tắc sử dụng thức ăn là điều cần thiết.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng quý hiếm, người sử dụng phải tốn không ít tiền để mua. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng nguyên lý, chúng sẽ không phát huy được hết tác dụng, thậm chí có thể gây hại cho người sử dụng. Như vậy, trước khi sử dụng một loại thực phẩm mới trong chữa bệnh, bạn nên hỏi ý kiến của thầy thuốc Đông y để những thực phẩm đó thực sự mang lại tác dụng tích cực cho mình hay không và sử dụng với liều lượng bao nhiêu là đủ.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.