Hãy xem dịch cúm gia cầm như một thiên tai

15/11/2005 23:50 GMT+7

Dịch cúm gia cầm lần này ở ta, trong toàn cảnh khu vực - thậm chí rộng hơn khu vực - đang gây tổn thất khá nặng nề cho nền kinh tế đất nước và đời sống của người dân. Nước ta còn ở trong dạng sản xuất nhỏ, tỷ trọng nông nghiệp vẫn rất lớn, kể cả cán cân xuất khẩu, dù nền kinh tế đang chuyển về hướng công nghiệp. Chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, trồng trọt... nằm trong thế mạnh trước mắt ấy.

Về đời sống, chăn nuôi gia cầm ở các quy mô khác nhau chính là nguồn thu nhập đôi khi khá bền vững của từng hộ dân. Phổ biến từ Bắc vào Nam, miền ngược và miền xuôi, gần như hộ nào cũng nuôi một số gia cầm, nhất là gà, vịt, vừa cho thịt vừa cho trứng, đóng góp vào bữa ăn hằng ngày. Kinh doanh gia cầm thuộc ngành truyền thống, liên quan đến một số người không nhỏ. Trên hai bình diện - nền kinh tế chung và đời sống của nhiều hộ gia đình - dịch cúm gia cầm đương nhiên tác động sâu sắc đến xã hội, đó là chúng ta chưa nói từ vi-rút gia cầm bị cúm lan lây lan sang người như thế giới đang báo động.

Cho nên, phải liệt dịch cúm gia cầm vào loại thiên tai như bão lụt, động đất,... Chính sách của Nhà nước ta lấy bảo vệ cái lớn làm trọng, nên tiêu hủy gia cầm ở những nơi bị dịch cúm là sự chọn lựa không thể nào khác. Không ít hộ gạt nước mắt thực hiện tiêu hủy gia cầm, đành rằng sẽ có những thay đổi trong sản xuất để bù vào cái tổn thất, nhưng không phải đạt được trong ngày một ngày hai. Chăn nuôi gia cầm đến một quy mô nào đó thì cần chuồng trại, với chi phí xây dựng khá tốn kém. Vả lại, rồi đây, khi dịch cúm bị diệt và chăn nuôi gia cầm sẽ trở lại như một tất yếu, vốn liếng sẽ phải giải quyết như thế nào?

Kiên quyết diệt tận gốc dịch cúm gia cầm, điều hoàn toàn chín chắn, nhưng chính sách của Nhà nước phải tính đến đời sống của người dân. Chính phủ đã có chủ trương chung, nhưng dư luận vẫn bức xúc bởi sự đền bù còn giới hạn. Tại sao những nhà cao tầng cũ kỹ có thể bị sụp đổ khi động đất ở mức thấp, tình hình đó được báo động và các hộ dân sống ở các nhà cao tầng này được Nhà nước di dời - theo tinh thần làm nghĩa vụ. Bão lụt, lũ, đất lở... cũng vậy. Thiên tai thì ai cũng phải chịu một mức hy sinh nhất định, song chính sách cần công bằng trong khả năng của Nhà nước...

11.2005

Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.