50 năm ĐH nông lâm TP.HCM: Chiếc nôi của những nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam

17/11/2005 21:37 GMT+7

Đúng 50 năm kể từ ngày thành lập (19/11/1955 - 19/11/2005), Trường đại học nông lâm (ĐHNL) TP.HCM hôm nay sẽ đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3. Là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu nông lâm ngư nghiệp lớn nhất miền Nam, ĐHNL TP.HCM đã đào tạo nhiều cán bộ khoa học trọng điểm của ngành nông nghiệp phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Từ 2.000 sinh viên trong năm học 1985 - 1986, đến nay trường đã có 25.000 sinh viên. Tính từ năm 1985 đến nay, trường đã đào tạo gần 25.000 kỹ sư, cử nhân và bác sĩ thú y..., hơn 200 cán bộ giảng dạy đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Trường còn duy trì được nguồn ngân sách hỗ trợ từ các tổ chức, trường quốc tế xấp xỉ 15 tỉ đồng mỗi năm và thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức trên thế giới như FAO, SEARCA, SAREC, IRRI (Viện lúa quốc tế), IDRC, Quỹ IFS, ACIAR, AIT (Viện kỹ thuật Á châu)... và nhiều trường đại học nổi tiếng khác ở Tây u, Bắc u, Bắc Mỹ, Úc, Nhật và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

PGS.TS.NGƯT Bùi Cách Tuyến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các ngành nghề của trường đào tạo thích hợp với nhu cầu xã hội nên sinh viên ra trường có việc làm ổn định. Gần đây, kinh tế trang trại tại Việt Nam phát triển mạnh nên nhu cầu về đội ngũ cán bộ kỹ sư nông trại, kỹ sư thủy sản, bác sĩ thú y có trình độ tăng cao. Hơn nữa, nhiều sinh viên ra trường cũng có thể cùng gia đình hoặc bạn bè tự gầy dựng trang trại lập nghiệp. Trong 10 năm gần đây, nhà trường đã chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có những sản phẩm cơ khí như các hệ thống máy sấy, máy chế biến thức ăn gia súc, túi ủ khí sinh học... với giá thành thấp, tiện lợi cho bà con nông dân nghèo. Về giống, có một số giống lúa cao sản ngắn ngày, giống mía năng suất cao, giống bò sữa cải tiến... Trong hơn 10 năm qua, trường ĐH nông lâm đã triển khai 62 dự án quốc tế với số kinh phí do các cơ quan quốc tế tài trợ cho công tác nghiên cứu đào tạo lên tới 3 tỉ đồng mỗi năm.

Từ năm học 2005, trường mở thêm 7 ngành học, nâng tổng số ngành, chuyên ngành lên con số 36 với mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao những giải pháp công nghệ sau thu hoạch góp phần nâng cao giá trị kinh tế của hàng hóa nông sản, làm giàu cho nông dân và đưa nền kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển vững mạnh.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.