Đề nghị giảm mức thu khi cấp "sổ đỏ"

06/11/2007 00:25 GMT+7

Hôm nay 6.11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) sau khi nghe báo cáo và kiến nghị của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày. Toàn bộ phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân

Báo cáo của Chính phủ, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị, trình bày sáng nay cho biết: để thực hiện việc cấp GCN theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Luật Nhà ở, Nghị quyết 775 và Nghị quyết 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành 16 văn bản có các quy định về cấp GCN. "Tuy nhiên do có khó khăn về điều kiện thực hiện (chủ yếu là thiếu kinh phí, lực lượng chuyên môn thiếu và yếu về năng lực) và còn nhiều vướng mắc trong các quy định về cấp GCN nên tiến độ cấp GCN còn chậm", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thừa nhận.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 30.9.2007, cả nước đã cấp GCN đạt 82,1% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; 76,5% diện tích đất ở nông thôn và 62,2% diện tích đất ở đô thị. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhận xét: "Nhiều địa phương vẫn chưa coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính khi giải quyết cấp GCN, vẫn còn tình trạng gây phiền hà cho người sử dụng đất khi làm thủ tục cấp GCN như yêu cầu người dân phải nộp thêm các loại giấy tờ ngoài quy định, hoặc phải tự mang hồ sơ đến từng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và không xem xét cấp GCN cho các trường hợp đất thuộc phạm vi quy hoạch, đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình mà không thuộc trường hợp phải thu hồi đất". Ông cho biết thêm: "Thậm chí có nơi vẫn yêu cầu người dân phải xin xác nhận của những người liền kề về ranh giới sử dụng đất; cá biệt có nơi còn đòi hỏi phải có hộ khẩu thường trú mới xem xét cấp GCN". Đặc biệt, "hiện tượng cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân khi làm các thủ tục cấp GCN vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời".

Giải thích cho tình trạng này, trong báo cáo, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng hệ thống pháp luật còn một số điểm bất cập. Cụ thể, lệ phí trước bạ và thuế suất chuyển quyền cao khiến nhiều người không làm thủ tục cấp GCN, không thực hiện thủ tục chuyển nhượng qua cơ quan Nhà nước mà chủ yếu thực hiện bằng hình thức trao tay. Ngoài ra, việc cấp GCN theo Luật Nhà ở (còn gọi là "sổ hồng") và việc chậm ban hành Luật Đăng ký bất động sản đã làm cho việc quản lý đối với đất bị phân tán, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính minh bạch thông tin về bất động sản.

Giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất

Trong phần giải pháp, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thay mặt Chính phủ chính thức đề nghị Quốc hội: "Thông qua Nghị quyết ngay trong kỳ họp này về việc thống nhất cấp 1 loại GCN bao gồm quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ("sổ hồng"); thống nhất quy trình thực hiện việc đăng ký đất đai, đăng ký tài sản hình thành từ sử dụng đất trên nguyên tắc thống nhất đầu mối quản lý đăng ký, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất".

Với lý do "phải coi việc cấp GCN là mục tiêu chính để Nhà nước quản lý đất đai, không nên thu nhiều tiền của người sử dụng đất khi làm thủ tục cấp GCN", Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội "sửa đổi, bổ sung các quy định về nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai theo hướng giảm mức thuế suất chuyển quyền sử dụng đất (4%), thay thế thuế chuyển quyền bằng thuế thu nhập cá nhân". Chính phủ đề nghị Quốc hội bỏ hoặc điều chỉnh các khoản phí, lệ phí liên quan đến cấp GCN cho phù hợp với thực tế; cụ thể hóa trình tự thủ tục hành chính trong cấp GCN tại các địa phương.

Cũng theo kế hoạch của Chính phủ thì đầu năm 2009 sẽ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo hướng khắc phục những bất cập, chồng chéo, không thống nhất giữa luật này với các luật liên quan để làm cơ sở thống nhất về quản lý đất đai. Luật Đăng ký bất động sản cũng sẽ được ban hành nhằm thống nhất hệ thống đăng ký bất động sản, giảm phiền hà cho người sử dụng đất.

Ngay trong phiên thảo luận tổ ngày hôm qua đã có rất nhiều ĐBQH quan tâm đến những kiến nghị này của Chính phủ, hứa hẹn phiên thảo luận ngày hôm nay sẽ quyết định những nội dung quan trọng.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.