Quả bom WikiLeaks

04/12/2010 23:59 GMT+7

Những tiết lộ mới nhất của WikiLeaks đã làm rúng động toàn thế giới, với những ảnh hưởng khôn lường trong giới ngoại giao toàn cầu.

Khi binh nhì Bradley Manning tải hàng chục ngàn thư tín ngoại giao lưu vào CD tại một tiền đồn ở Iraq hồi tháng 11.2009 đến tháng 4.2010, anh này đã phạm trọng tội theo điều luật 18 U.S. Code Section 1030 (a)(1), theo đó bất cứ hành động tải dữ liệu như vậy từ máy tính mà không được phép đều là phạm pháp. Nghiêm trọng hơn, khi chuyển những thông tin trên cho nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, Manning đã tạo ra một cơn địa chấn rung chuyển mọi ngóc ngách trên toàn cầu. Có lẽ trong suốt tuần qua, không có thông tin nào gây xôn xao và được chú ý hơn WikiLeaks và những bí mật "chết người" của nó.

Lợi hay hại?

Bắt đầu từ ngày 28.11, WikiLeaks tung ra các thư tín ngoại giao của Mỹ. Lường trước khả năng sẽ rơi vào vòng vây tấn công của nhiều thế lực, website này đã chia sẻ toàn bộ hơn 250.000 mật điện cho 5 cơ quan báo chí uy tín tại Mỹ và châu u. Do đó, dù WikiLeaks liên tục buộc phải chuyển máy chủ sau khi các đối tác từ chối chứa

website này, cũng như trang chủ bị tấn công "hội đồng", nội dung của các thư tín vẫn được công bố dần thông qua các báo Le Monde, The New York Times, The Guardian, Der Spiegel, El Pais. Trong đó, 11.000 tài liệu được đóng dấu "mật", và theo định nghĩa của chính quyền Mỹ, bất cứ sự rò rỉ nào cũng gây nên "tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia". Vụ rò rỉ này đã buộc Mỹ ngưng việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan, đồng thời đưa ra các biện pháp mới để kiểm soát các dữ liệu mật được trữ trên máy tính. Hôm qua, Washington cũng đưa ra một cảnh báo các binh sĩ tại Iraq và Afghanistan không được truy cập các thông tin của WikiLeaks, nhằm tránh dao động lòng quân, theo AFP.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Mỹ từ Ngoại trưởng Hillary Clinton đến nhân viên cấp thấp nhất phải hộc tốc lao vào hạn chế tác động khôn lường của nó đối với đồng nhiệm ngoại giao các nước. Hôm qua, AFP dẫn lời bà Clinton tuyên bố bà sẽ tiếp tục điện cho lãnh đạo các nước "trong nhiều tuần nữa" để trấn an thế giới.

Nhiều tài liệu mật được mã hóa đã được gửi cho hơn 100.000 người. Nếu tôi hoặc các nhân viên WikiLeaks gặp chuyện, chúng sẽ được tung ra lập tức

Julian Assange

Trong rừng thông tin khó phân biệt thật giả từ WikiLeaks, nhiều chi tiết khiến người ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lần đầu tiên mới nghe chuyện Trung Quốc, đồng minh lâu năm và là chỗ dựa đáng tin cậy của CHDCND Triều Tiên, có thể xoay lưng và sẵn sàng xem xét khả năng thống nhất liên Triều dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc. Tại Iran, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad ngã ngửa khi phát giác các láng giềng Ả Rập ngoài mặt thì giao hảo thân thiết, bên trong lại ngấm ngầm thúc giục Mỹ tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Tehran. Hôm qua, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki vội vã trấn an dư luận với tuyên bố nước này sẽ không bao giờ dùng vũ lực tấn công các láng giềng Hồi giáo.

Trong khi Nga còn chưa hết phẫn nộ sau khi bị giới chức Mỹ đánh giá là "nhà nước mafia" và Tổng thống Dmitry Medvedev vẫn chỉ là phụ tá của Thủ tướng Vladimir Putin thì những thư tín vừa được tiết lộ hôm qua tiếp tục khiến các quan chức Moscow chau mày. Trong các trao đổi vào năm 2004, Cao ủy Ngoại vụ của EU khi đó là Chris Patten thuật lại cho quan chức Sứ quán Mỹ ở Brussels (Bỉ) về cuộc hội đàm giữa ông và ông Putin, lúc đó còn là Tổng thống Nga. Ông Patten mô tả: "Ông Putin rất bình thường khi nói về những vấn đề khác nhưng khi vừa đề cập vấn đề Chechnya, đôi mắt của ông ấy phát ra ánh nhìn sắt máu của một tên sát nhân". Thời điểm đó, cuộc chiến lần 2 giữa Moscow và các nhóm khủng bố Hồi giáo ở Chechnya đang sắp kết thúc. Cuộc chiến này vốn gây tranh cãi khi nhiều nhóm cáo buộc quân đội Nga vi phạm nhân quyền ở Chechnya.

Hầu hết mọi người đều cho rằng hành động của WikiLeaks là thảm họa ngoại giao đối với Mỹ. Tuy nhiên, nhà báo kỳ cựu Fareed Zakaria, từng là Tổng thư ký tòa soạn tờ Foreign Affairs, Tổng biên tập Newsweek International và hiện nay là biên tập cao cấp của tờ Time, lại có ý kiến khác. Ông Zakaria đánh giá nội dung các thư tín mới rò rỉ cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ không hoạt động bằng các mánh khóe lừa bịp hoặc dối trá, nếu so với tài liệu rò rỉ về Lầu Năm Góc tại 2 chiến trường Afghanistan và Iraq. Trong 2 đợt tung ra trước đây, dữ liệu của Lầu Năm Góc vẽ nên một hình ảnh nước Mỹ áp dụng một chiến dịch có hệ thống nhằm lừa dối tất cả thế giới cũng như dân Mỹ, và thường hành động trái ngược với các chính sách Bộ Quốc phòng công bố trước dư luận.

Ngược lại, các tài liệu lần này cho thấy Washington theo đuổi hầu như chính xác những chính sách được đề cập rộng rãi. Và những chính sách này thường không chỉ giới hạn trong mối quan tâm của Washington mà còn giải quyết những vấn đề mấu chốt trên thế giới. Theo ông Zakaria, các thư tín cũng cho thấy giới ngoại giao Mỹ rất giỏi phân tích tình hình và tìm kiếm thông tin. Học giả Anh Timothy Garton Ash vừa công nhận trên tờ The Guardian, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng điểm trong mắt ông sau các tiết lộ của WikiLeaks.

Chuyện tiền bạc của WikiLeaks

Chi tiết về báo cáo tài chính của trang WikiLeaks cũng sắp được công bố, Wired.com dẫn lời Kristinn Hrafnsson, người phát ngôn của WikiLeaks.

Ông Hrafnsson cho hay Wau Holland Foundation sẽ công bố từng khoản chi tiêu nhận được từ các tổ chức, cá nhân đóng góp cho WikiLeaks, với số tiền tổng cộng hơn 1 triệu USD hồi năm ngoái. Wau Holland Foundation là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Berlin vốn quản lý hầu hết nguồn quỹ của WikiLeaks. Dự kiến, báo cáo sắp tới cũng sẽ cung cấp chi tiết về khoản tiền thuê luật sư bào chữa cho binh nhì Manning, hiện bị giam giữ tại căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Quantico, bang Virginia.

Vào tháng 4 năm nay, ông Assange từng cho biết WikiLeaks đã nhận được hơn 1 triệu USD tiền đóng góp từ các nhà hảo tâm. Hầu hết khoản tiền này được huy động thông qua PayPal hoặc các kênh ngân hàng sau khi WikiLeaks buộc phải đóng cửa vào tháng 12 năm ngoái do cạn kiệt tài chính. Đến tháng 7, WikiLeaks chỉ sử dụng 30.000 euro (khoảng 38.000 USD) từ nguồn quỹ này, chủ yếu là để trang trải tiền di chuyển của Assange cũng như các chi phí phát sinh từ phần cứng máy tính và thuê đường truyền dữ liệu.

Hiện WikiLeaks kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp tiền bạc để thuê luật sư cho ông Assange, người đang đối mặt với điều tra xâm hại tình dục tại Thụy Điển.

Ẩn náu trong boong-ke hạt nhân

Julian Assange đang bị so sánh với một nhân vật phản diện trong các phim về điệp viên 007 vì gây hỗn loạn cho thế giới. Nhiều người cũng sẽ đồng ý với so sánh này khi chiêm ngưỡng nơi đặt máy chủ mới của WikiLeaks.

Sau khi bị tấn công cấp tập đến mất luôn tên miền WikiLeaks.org, webiste này vẫn đứng vững với tên miền mới của Thụy Sĩ WikiLeaks.ch. Theo AFP, hiện WikiLeaks đang sử dụng hệ thống máy chủ của Công ty OVH (Pháp). Và để bảo đảm có chỗ trú thân an toàn, website này cũng cộng tác với nhà cung cấp Banhof của Thụy Điển, nơi có hầm đặt máy chủ được mô tả là "một trong những địa điểm kiên cố nhất thế giới".  Theo CNN, Trung tâm dữ liệu của Bahnhof đặt trong một ngọn núi gần Stockholm. Các máy chủ được đặt dưới độ sâu 30 mét, trong một căn hầm ngầm chống bom hạt nhân được xây dựng từ thời Chiến tranh lạnh. Chỉ có một lối duy nhất dẫn vào khu chứa máy chủ và cánh cửa được làm bằng kim loại dày tới nửa mét. Có gì đó trớ trêu khi WikiLeaks lại "trốn" trong hầm chống bom trong khi đang liên tục làm rúng động toàn cầu bằng những "quả bom" thông tin của mình.

Bản thân ông Assange cũng đã có hậu chước trong trường hợp bản thân gặp nguy hiểm. Ông đang bị Thụy Điển truy nã gắt gao trên toàn châu u đồng thời liên tục bị dọa giết. Theo nhiều nguồn tin, ông đang ẩn náu tại một địa điểm bí mật ở Anh. Trong buổi trò chuyện trực tuyến với tờ The Guardians hôm 3.12, Assange nói đã gửi thêm nhiều tài liệu mật được mã hóa cho hơn 100.000 người và nếu ông hoặc các nhân viên WikiLeaks gặp chuyện, chúng sẽ được tung ra lập tức. Hiện ngoài nội dung các thư tín, điều người ta quan tâm nhất là liệu WikiLeaks có thể tiếp tục hoạt động nếu ông Assange bị bắt.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.