Để thư viện là giảng đường chính của sinh viên

25/10/2006 21:59 GMT+7

Thư viện (TV) các trường ĐH ở VN dù đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với thư viện ĐH nước ngoài.

Trong khi sinh viên (SV) quốc tế coi TV như giảng đường chính, thì phần lớn SVVN hầu như không quan tâm đến những kiến thức thu thập được từ TV.

Với diện tích rộng 200 ha và khoảng 15.000 SV đang theo học, Trường ĐH Công nghệ NanYang - NTU (Singapore) có một hệ thống 5 TV thành viên: TV Khoa học xã hội và Nhân văn, TV Truyền thông đa phương tiện, Trung tâm trao đổi thông tin khu vực châu Á... Với mạng lưới máy tính dày đặc gần 600 máy kết nối ADSL, việc tra cứu tài liệu rất nhanh chóng và thuận tiện. Nói đến đây, chợt nhớ đến TV Khoa học tổng hợp (TP.HCM), do giới hạn về số máy tính dùng cho việc tra cứu nên bạn đọc chỉ được sử dụng máy tối đa 1 giờ và nhiều người đã chọn cách tra cứu bằng tay từ mục lục dạng phiếu.

Có rất nhiều điều khiến SV ở NTU xem TV như thiên đường của tri thức. Trong đó, một điều mà TV ở VN chưa thể làm được là tạo điều kiện cho SV trường mình có thể mượn sách của TV các trường khác. Việc trao đổi tài liệu giữa các trường là cách tận dụng rất tốt một phần nguồn tài liệu. Nguồn tri thức phong phú, nhưng "đã" nhất vẫn là được sử dụng miễn phí hoàn toàn. Trong khi ở VN, SV Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp II (TP.HCM) mỗi đầu năm học phải đóng 100.000 đồng cho tiền TV (cả giấy thi), hay mỗi ngày bạn đọc phải trả 500đ phí cho một cuốn sách mượn về nhà từ TV Khoa học tổng hợp (TP.HCM), đó là chưa kể đến số tiền không nhỏ được gọi là thế chân tùy theo giá trị của sách khi mượn...

Trong khi TV Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ (TP.HCM) chỉ hoạt động từ 7 giờ 30 - 16 giờ 30 (tính luôn 2 giờ đóng cửa để nghỉ trưa) từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy dành riêng cho việc sắp xếp TV, chủ nhật và ngày lễ thì nghỉ; thì giờ hoạt động của TV ĐH ở nước ngoài từ 8 giờ 30 tới 23 giờ, chỉ nghỉ 15 phút cho mỗi giờ cơm trưa và cơm tối. Vào giai đoạn 1 tháng trước và trong mỗi kỳ thi, TV cũng gần như "trắng đêm" cùng các bạn SV cho tới 3 giờ sáng hôm sau.

Tại TV Khoa học tổng hợp (TP.HCM) nhiều người phải công nhận một điều là khâu đăng ký mượn sách rất rắc rối: tra thông tin của tài liệu cần mượn, mua phiếu từ bàn tiếp tân, điền thông tin vào phiếu, gửi phiếu cho thủ thư và chờ (thời gian chờ này tùy theo vị trí của kho sách gần hay xa so với phòng đọc). Nhưng có lẽ gây phản cảm nhất vẫn là công đoạn thủ thư đứng ngay tại bàn làm việc để cất tiếng gọi tên người mượn sách... Điều này không chỉ gây lãng phí ngân quỹ thời gian mà còn "góp phần" giảm bớt sự tập trung nghiên cứu của bạn đọc trong căn phòng vốn đã khá "náo nhiệt" này.

Rõ ràng, để tạo ra được mô hình TV lý tưởng với SV không chỉ chú trọng trang thiết bị mà rất cần ở đó sự tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ việc học tập nghiên cứu của SV.

Thư viện kiểu mới ở Anh

Lần  đầu tiếp xúc với môi trường giáo dục Anh-Mỹ, phần lớn mọi người đều sẽ ấn tượng về hệ thống thư viện của các trường đại học ở đây. Tất cả mọi cải tiến đều nhằm đến sự tiện lợi cho độc giả. Khi sự ngạc nhiên, thích thú của tôi về thư viện  trường đại học Anh bước vào giai đoạn trung hòa, nghĩa là mọi thứ, theo cách nhìn của tôi, đã trở nên bình thường thì năm nay tôi lại có dịp tiếp cận với một hình thức mới của thư viện. Đó là Ebrary (http://www.ebrary.com/corp/). Hình thức thư viện này xuất hiện từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước tại Mỹ, đến nay phát triển rộng rãi ở nhiều trường đại học của các nước tiên tiến.

Trước nay, đọc và ghi chú tài liệu nghiên cứu thường chỉ có một cách duy nhất: đến thư viện mượn sách, tạp chí..., nếu thư viện điện tử thì có thể ngồi tại máy tính tải về. Thấy chương hoặc phần nào cần thì phải photo, lúc bấy giờ mới có quyền ghi chú, đánh dấu... để ghi nhớ hay sau này trích dẫn vào đề tài nghiên cứu. Đọc tài liệu thì phải ghi chú; có người đánh dấu đủ màu, gạch dưới, ghi những dấu hiệu chỉ có mình mới biết để nhớ. Thời gian trôi qua, nguồn tài liệu càng lớn và với các du học sinh, vấn đề nan giải là làm sao mang được tất cả những tài liệu đó về nước.

Bây giờ, với Ebrary, việc đọc và ghi chú tài liệu đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần một máy tính kết nối, bạn bước vào thư viện điện tử với hàng trăm ngàn đầu sách, chọn lĩnh vực mình quan tâm, tác giả hay tên sách. Và thế là bạn đã có một tài liệu của riêng mình.  Vì lúc bấy giờ, ngay trên máy tính, bạn có thể ghi chú trên từng trang sách bằng cách đánh dấu màu (nhiều màu để lựa chọn), copy trang sách, ghi chú những điều lưu ý, tra những từ mới (có từ điển với rất nhiều thứ tiếng trên thế giới), tìm hiểu về tiểu sử và các công trình liên quan của tác giả đang đọc... Cuối cùng, bạn chỉ cần lưu vào dữ liệu của mình và an tâm rằng có một tài liệu mới vừa đọc và ghi chú được mà không phải in ra, không phải lo lắng về chuyện lưu trữ hay vận chuyển. Vấn đề quan trọng hơn là nếu sau này cần trích dẫn nguồn tài liệu đó cho bài viết, đề tài nghiên cứu, chỉ cần gõ lên, tự động những phần mà bạn đã ghi chú sẽ xuất hiện. Điều này sẽ tiết kiệm bao nhiêu thời gian cho sinh viên hay nghiên cứu sinh !

Thùy Ngân
(Từ Anh Quốc

Hà Ánh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.