Nam Bộ sẽ lạnh hơn mọi năm

15/12/2010 23:35 GMT+7

Nam Bộ vừa kết thúc mùa mưa, muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Bước vào những tháng đầu mùa khô năm nay, Nam Bộ sẽ lạnh hơn, sương mù và mưa trái mùa nhiều hơn.

Những ngày mùa đông

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: “Chúng tôi dự báo Nam Bộ sẽ lạnh hơn là vì năm nay hoạt động của không khí lạnh (KKL) mạnh hơn, dẫn đến nhiệt độ xuống thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), nhưng thấp như thế nào thì tùy vào từng đợt KKL tràn xuống mà sẽ có những dự báo cụ thể. Cao điểm của mùa lạnh ở Nam Bộ là từ nay đến cuối tháng 12 và cả tháng 1.2011. Tuy nhiên, do Nam Bộ ở xa nên ảnh hưởng của KKL không kéo dài, những đợt lạnh và ấm xen kẽ nhau, mỗi đợt lạnh chỉ khoảng 1-2 ngày nhưng cũng có thể 4-5 ngày khi có những đợt KKL liên tiếp tràn xuống".

Nam Bộ từng có những năm rất lạnh
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết, trong lịch sử tại Nam Bộ có những năm rất lạnh, như năm 1985 tại Phước Long (tỉnh Bình Phước) nhiệt độ xuống 13,4 độ C. Cũng tại nơi này vào năm 1991 là 13,8 độ C; năm 1993 là 13 độ C; năm 1999 là 14 độ C. Còn tại TP.HCM, khoảng Noel năm 1975, nhiệt độ xuống 14,1 độ C; năm 1999 tại trạm Tân Sơn Hòa (Q.Phú Nhuận) là 16,4 độ C, trong khi tại trạm Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) là 14,6 độ C.

Ông Giám cho biết trong lịch sử ở Nam Bộ đã từng có những năm nhiệt độ xuống 12-13 độ C. Còn bình thường, nhiệt độ xuống dưới 20 độ C là người dân ở Nam Bộ đã thấy lạnh lắm rồi và có thể xem như là những ngày của mùa đông. Do yếu tố địa hình nằm ở phía bắc của Nam Bộ, nên khu vực miền Đông bao gồm TP.HCM sẽ đón không khí lạnh nhiều hơn khu vực miền Tây, do đó sẽ lạnh hơn, nhất là ở phía bắc của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước.

Mưa trái mùa, sương mù nhiều hơn

Không chỉ lạnh hơn, dự báo trong những tháng đầu mùa khô năm nay, mưa trái mùa sẽ nhiều hơn năm ngoái. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của những nhiễu động từ biển di chuyển vào đất liền gây nên. Bên cạnh đó, dải hội tụ nhiệt đới vẫn còn hoạt động ở phía Bắc bán cầu mà lẽ ra mùa này nó phải dịch chuyển xuống phía Nam bán cầu. Chính sự tồn tại của dải hội tụ nhiệt đới mà mùa mưa ở Nam Bộ vừa qua kết thúc muộn hơn TBNN. Mưa trái mùa sẽ ảnh hưởng không tốt đối với những loại cây trồng phục vụ Tết như hoa kiểng, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu đến những vùng làm muối và nuôi thủy sản nước mặn ven biển. Đặc biệt, sương mù ở Nam Bộ cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn và dày đặc hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đối với cây lúa vụ đông xuân, vì đó là điều kiện cho sâu bệnh, dịch hại phát triển.

Về triều cường, ông Giám cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán đỉnh triều có xu thế giảm dần. Tuy nhiên, khi triều cường trùng vào thời kỳ gió mùa đông bắc thổi mạnh, thì đỉnh triều sẽ vọt lên rất cao, có thể lên trên mức báo động 3 (1,50m) tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn (TP.HCM). Còn bình thường,  nếu không có gió mùa đông bắc, đỉnh triều tại đây vào những tháng đầu mùa khô chỉ ở mức báo động 1 - 2 (1,30m – 1,40m). Đối với TP.HCM, đỉnh triều lên báo động 1 là đã có nơi bị ngập.

Theo nhận định của ông Giám, tình hình thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô năm nay có khả năng sẽ nhiều hơn năm ngoái. Đặc biệt là mực nước tại các hồ chứa ở miền Đông đang ở mức thấp, nên khả năng sẽ không đủ nước ngọt trong những tháng cuối mùa khô ở các tỉnh miền Đông và TP.HCM. Các nhà máy thủy điện cũng sẽ không đủ nước để phát điện, cho nên cũng cần tìm các nguồn phát điện khác để bù vào sự thiếu hụt nguồn điện.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.