Cách dạy trẻ tiếp thu dễ dàng

06/12/2009 22:33 GMT+7

Muốn truyền thụ kiến thức một cách hiệu quả nhất tới trẻ em thì không có cách nào khác là phải thật sự hiểu được tâm lý của trẻ. Đó là khẳng định của các chuyên gia tâm lý - giáo dục.

Không khó, nếu...

Khẳng định "nếu không thật sự hiểu trẻ em mà cứ dạy trẻ em thì sẽ là làm hại trẻ", nhà nghiên cứu Phạm Toàn cho rằng: muốn cải cách nền giáo dục phổ thông, điều cần yếu nhất không phải là tiền bạc hoặc những "dự án" này khác, mà điều đảm bảo thành công hoặc dẫn đến thất bại nằm trong sự hiểu biết về đứa trẻ.

Ông Phạm Toàn nói: "Người ta đã bàn nhiều về nguyên nhân của nền giáo dục bất cập. Rất nhiều người, trong đó có không ít nhà sư phạm đã không chú ý đầy đủ đến chỉ một nguyên nhân yếu kém này của một nền giáo dục phổ thông: các nhà giáo dục thuộc cả 3 "lực lượng": nhà giáo, phụ huynh và các lực lượng xã hội khác, luôn luôn phải làm việc với một đối tượng rất khó thăm dò - đó là tâm lý học sinh (HS)".

"Theo quan sát của tôi, ở VN trong mấy chục năm qua, ngoài hệ thống công nghệ giáo dục, thì ngành giáo dục chưa thực sự nghiên cứu cách học của HS mà chỉ nghiên cứu cách dạy của giáo viên. Cách dạy đó thường lại thoát ly khỏi cách học của HS. Lúng túng kéo dài từ đó", ông Toàn nói tiếp.

GS Hồ Ngọc Đại - tác giả của công nghệ giáo dục ở VN - cho rằng: "Muốn HS hứng thú và tự giác học tập thì cùng một lúc phải giải quyết cả hai ý và nghĩa của tri thức. Trong thực tiễn giáo dục, điều đó thể hiện ở nội dung chương trình và mối quan hệ nội dung đó với cuộc sống của trẻ và sự phát triển tâm lý của trẻ sẽ được quy định bởi sự phát triển của cả hai mặt đó".

 

Trẻ sẽ tự giác tìm tòi kiến thức nếu cảm thấy hứng thú - Ảnh: Tiểu Kiên

Điều đầu tiên người lớn cần hiểu biết về trẻ em, ấy là nhìn thấy ở các em không phải là những người lớn thu nhỏ mà là nhìn thấy ở từng em một thực thể phát triển. "Nếu trẻ không hào hứng, không có nhu cầu được học thì việc học sẽ trở thành nhồi nhét", nhà nghiên cứu Phạm Toàn khẳng định.

Cũng đề cao tới tâm lý của trẻ trong quá trình dạy và học, bà Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Chương trình học của các bé là chương trình phổ cập nên không khó, các bé đều có thể tiếp thu dễ dàng. Điều căn bản khó ở chỗ là làm sao để cho các bé có hứng thú lâu dài với việc học tập, hiểu rõ được trách nhiệm của mình, sẵn sàng tiếp nhận kiến thức và chịu trách nhiệm với việc học tập của mình.

Học không cần thi

Hành động kiểm tra và đánh giá trong công nghệ giáo dục, theo GS Hồ Ngọc Đại là phải được tiến hành thường xuyên sau mỗi giờ học, từng thời kỳ cụ thể ở trong điều kiện thong thả, bình tĩnh và có dịp trao đổi, hỏi, trả lời cặn kẽ.

Đặc điểm của hành động kiểm tra đánh giá này là tạo nên một không khí thoải mái với HS, đặt câu hỏi đúng lúc, rõ ràng, có thể gợi ý nhưng không "lái" suy nghĩ của các em. Có một đặc điểm riêng biệt nữa là sau khi kiểm tra không cho điểm mà xếp loại kết quả: tự mình giải đúng; làm đúng nhưng cần giúp đỡ; không làm được.

Trẻ em học mà không cần được cho điểm đánh giá bởi người khác, trẻ em không cần ganh đua hơn kém nhau một phần tư điểm mà chỉ cần từng em thi đua với chính bản thân mình, từng em vượt lên những khả năng của chính bản thân mình. Và muốn có được cuộc "thi đua" thực sự lành mạnh đó, người lớn (nhà sư phạm) phải hiểu biết trẻ em.

Ông Phạm Toàn khẳng định: giải pháp học mà không cần thi hoàn toàn thực hiện được ở bậc tiểu học. Để làm được điều này, nhà sư phạm phải thiết kế được việc học của trẻ em theo một chuỗi công nghệ tiếp nối nhau. HS làm được việc 1 thì tự động sang việc 2 và tiếp tục đến việc kết thúc. Theo công nghệ đó, nếu giáo viên dạy bỏ tiết, bỏ bài thì sẽ phát hiện ra ngay, HS không học tiếp được, hệt như trong nhà máy mà bỏ đi một công đoạn sản xuất vậy. Cũng theo công nghệ đó, HS có nhiều khả năng và cơ hội tự học. Đó là việc được đánh giá ngay trong bản thân chuỗi công việc học.

Vai trò của cha mẹ

Nói về vai trò của cha mẹ, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, khi trẻ đến trường, cha mẹ HS phải tham gia thực thi theo công nghệ giáo dục, nghĩa là dạy con làm việc chứ không làm sẵn, làm hộ con. Vấn đề mấu chốt là giáo dục trẻ bằng việc làm, trẻ phải tự làm lấy; mỗi việc làm đòi hỏi trẻ dùng hết sức mà không quá sức. Và vai trò người mẹ là sự đảm bảo vững chắc nhất và đáng tin cậy nhất.

"Không được công khai kiểm tra bài vở con khi con chưa đồng ý. Nếu cần thì có thể kiểm tra khi con đã ngủ say".

Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Theo các chuyên gia, để con trẻ học tập tốt hơn và không bị ảnh hưởng đến tâm lý, bố mẹ cần hợp tác với con trong việc dạy con học ở nhà, tìm hiểu tâm lý, khả năng của con tạo ra một môi trường học tập vui vẻ, đạt hiệu quả, lựa chọn những biện pháp phù hợp với lứa tuổi của trẻ...

Một trong những phương pháp dạy con học mà bà Vũ Thu Hương đưa ra là các bậc cha mẹ luôn hỏi con về những khó khăn con gặp phải. Khi con gặp một bài toán khó, đừng vội vàng giảng ngay cho con mà sẽ nói: "Nào, hai chúng ta cùng nghĩ xem nào. Theo mẹ thì có một cách là... còn theo con thì sao? Hoặc là, cách này con thấy thế nào?...". Nếu con ngại chia sẻ thì cần phải điều chỉnh ngay bằng cách đặt ra một loạt các bài tập gần giống các bài con sẽ phải học ở lớp, cả về môn toán lẫn các môn học khác, rồi đố con. Nếu con không làm được thì không nên cuống lên, cần bình tĩnh giúp con giải giống như cách ở trên. Sau đó con sẽ hiểu bài học hơn. Không được công khai kiểm tra bài vở của con khi con chưa đồng ý. Nếu cần thì có thể kiểm tra khi con đã ngủ say.

Cũng theo bà Hương, khi trẻ bị điểm xấu, các bậc cha mẹ không nên làm ầm ĩ lên hoặc đánh mắng con. Cần giúp con tìm hiểu tại sao con lại không được điểm tốt.

"Nếu phụ huynh ôn tập cùng con ở nhà, có thể dựa vào các bài học đã được học ở trường để dạy con. Cũng có trường hợp phụ huynh dạy con đánh vần ngược, ở trường cô giáo lại dạy đánh vần xuôi nên sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung của các em. Khi phát hiện các em được dạy đánh vần ngược, giáo viên sẽ không thay đổi cách đánh vần mà chỉ yêu cầu các em đánh vần thầm rồi đọc âm luôn. Nếu do dự trong phương pháp dạy, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của giáo viên, hoặc tham khảo sách hướng dẫn dành cho giáo viên được bán ở các nhà sách để biết phương pháp dạy ở trường". (Cô VÕ NGỌC HẢO - Giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Phú Thọ, Q.11, TP.HCM)

"Vấn đề bất đồng quan điểm trong phương pháp dạy học ở trường và ở nhà đôi khi cũng là trở ngại lớn của HS trong việc tiếp thu kiến thức. Do vậy, rất cần thiết phải có sự hợp tác của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm để tìm ra sự bất đồng đó. Ở bậc tiểu học, sự "lạc quẻ" thường gặp nhất là môn Toán. Cụ thể là phụ huynh hay áp dụng kiến thức đại số ở các bậc học lớn hơn để giải quyết một bài toán cho HS tiểu học. Tuy đáp số đúng nhưng phương pháp giải là những kiến thức các em chưa học đến". (Thầy NGUYỄN NGHĨA DŨNG - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Q.Tân Bình, TP.HCM).

Phi Loan (ghi)

Tuyết Mai

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.