HNX-Index xuống thấp nhất hơn 1 năm qua

03/11/2010 02:17 GMT+7

Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội chỉ còn 109,99 điểm. Đây là mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua (kể từ tháng 5.2009).

Đặc biệt thanh khoản của cả hai sàn cũng xuống mức thấp nhất trong thời gian này khi chỉ đạt dưới 1.000 tỉ đồng/phiên. Điều gì đang xảy ra?

Giá cổ phiếu giảm mạnh

Chỉ tính riêng trong tháng 10, HNX-Index giảm đến 11,34% trong khi VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,42%. Nếu nhìn theo chỉ số VN-Index thì sẽ thấy thị trường vẫn loanh quanh ở mức 450 điểm trong 3 tháng qua nhưng giá của nhiều cổ phiếu (CP) lại giảm mạnh. Nhiều CP thậm chí giảm đến 50 - 60% so với đầu năm nay. Nhất là nhóm CP trên sàn Hà Nội. Đây cũng là lý do khiến HNX-Index giảm mạnh hơn và đang ở rất gần mốc xuất phát 100 điểm.

Không kể những CP của các công ty chứng khoán đã xuống rất thấp, thậm chí xuống khá xa dưới mệnh giá do kết quả kinh doanh quý 3 bị lỗ, nhiều CP khác cũng đã tiệm cận về mệnh giá. Ví dụ nhóm CP ngành sách và thiết bị dụng cụ học sinh như DAE (Công ty CP sách giáo dục tại TP Đà Nẵng) đạt lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2010 là 3,66 tỉ đồng, tăng 7,65% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá CP hiện chỉ còn 11.400 đồng/CP (giảm 25% so với đầu năm 2010).

DAE không phải là trường hợp cá biệt, ước tính có khoảng 30% số CP đang niêm yết trên hai sàn chính thức hiện có P/E từ 5 lần trở xuống như Công ty CP đường Biên Hòa (BHS) có P/E 4,9; Công ty CP XNK thủy sản Cửu Long An Giang 3,6; Công ty CP nhiệt điện Bà Rịa (BTP) 5,8; Công ty CP đầu tư và xây dựng Cotec (CIC) 5,1…

Giá nhiều CP xuống thấp là cơ hội tốt cho các NĐT mua vào. Điều này ai cũng biết tuy nhiên giao dịch trên cả hai sàn chứng khoán suốt tháng 10 vẫn khá thấp. Ông Lê Văn Thanh Long - Trưởng phòng Khách hàng Công ty chứng khoán SME - cho rằng hầu hết nhà đầu tư (NTĐ) ngắn hạn đang đứng ngoài thị trường vì lo ngại rủi ro. Trong những tháng qua, đa số những NĐT lướt sóng kỳ cựu rất khó có được lợi nhuận trong khi thua lỗ lại không ít. Vì vậy số NĐT này vẫn đang chờ đợi tín hiệu khởi sắc của thị trường mới tham gia trở lại.

Ông Lê Văn Thanh Long phân tích: Dòng vốn ngoại mua ròng vừa qua chủ yếu tập trung vào CP blue-chips trên sàn TP.HCM  cũng là nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index không giảm mạnh. Thế nhưng dòng vốn đó chưa đủ mạnh để tạo nên một xu hướng tăng cho cả thị trường.

Cần liều thuốc dài hơi

Niềm tin cho NĐT

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng điều quan trọng là những chính sách phát triển dài hơi để mang lại niềm tin cho NĐT trong và ngoài nước. Chẳng hạn như siết chặt việc phát hành thêm CP; giao dịch lướt sóng của cổ đông nội bộ; thanh tra và xử phạt nghiêm việc công bố thông tin sai, chậm công bố thông tin cũng như các hành vi vi phạm trong giao dịch chứng khoán... TTCK đang cần có những liều thuốc dài hơi để củng cố và phát triển, hạn chế việc NĐT rời bỏ thị trường.

Trong tháng 10 vừa qua, khối NĐT nước ngoài đã mua ròng gần 40 triệu chứng khoán trên hai sàn, tương ứng với tổng trị giá hơn 1.635 tỉ đồng (tăng 37% so với tháng 9). Theo ước tính, chỉ số P/E trung bình của TTCK Việt Nam năm 2010 vào khoảng 9,5, thấp hơn một số thị trường cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á từ 30 - 40%. Một số NĐT trong nước có mục tiêu dài hạn vẫn túc tắc mua vào CP trong thời điểm hiện nay khi giá CP về mức chấp nhận. Tuy nhiên họ cũng không dám giải ngân mạnh nguồn vốn vì phải phòng ngừa rủi ro.

Một  số NĐT cho rằng  trong thời gian qua việc các công ty chứng khoán ưu ái cho các NĐT lớn bán trước CP  hoặc thậm chí mượn CP để bán đầu cơ giá xuống; việc các doanh nghiệp chậm công bố thông tin; đội lái làm giá CP,… nhưng lại không bị chế tài nặng khiến nhiều họ giảm bớt lòng tin vào tính minh bạch của thị trường.

Theo TS Lê Thẩm Dương -Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Ngân hàng TP.HCM -  việc cần làm là cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường chất lượng hàng hóa trên sàn. Từ đó sẽ thu hút nhiều NĐT trong và ngoài đồng thời tăng quy mô và thanh khoản của thị trường.

Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí nhận định thị trường cần có thêm nhiều NĐT tổ chức, các quỹ đầu tư lớn (cả quỹ đóng lẫn quỹ mở) để tạo nên tính chuyên nghiệp và bền vững. Việc có nhiều NĐT tổ chức khác nhau sẽ tạo nên tính thanh khoản cho thị trường. Bên cạnh đó, cần xem xét và định nghĩa lại những quy định về điều kiện niêm yết của các doanh nghiệp như tính đại chúng, một cổ đông sở hữu tối đa bao nhiêu phần trăm… Trong thời gian qua, một số công ty niêm yết nhưng do đa số cổ phiếu nằm trong tay 1-2 thành viên sáng lập hoặc cổ đông lớn nên khối lượng giao dịch trên sàn khá thấp. Vì vậy doanh nghiệp càng đại chúng thì tính thanh khoản trên sàn niêm yết càng cao cũng khó tạo cơ hội cho việc làm giá cổ phiếu.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.