Kích cầu và cải cách hành chính

24/12/2008 00:18 GMT+7

Kích cầu vào đâu và thực hiện như thế nào đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Đây là nội dung chính tại buổi tọa đàm về "Chính sách kích cầu" ngày 23.12 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) và Báo Sài Gòn Tiếp thị tổ chức.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định yếu tố tâm lý của gói kích cầu đang có tác động nhất định nên cần chú trọng đến vấn đề này. Đặc biệt phải lưu ý đến khu vực nông thôn vừa qua đã bị tác động rất mạnh.

Giá gạo xuất khẩu từ 1.100 USD/tấn đến nay giảm còn 530 - 540 USD/tấn; giá cao su và nhiều nguyên vật liệu khác cũng giảm mạnh khiến nông dân khó khăn. Do đó cần phải thúc đẩy nguồn chi cho an sinh xã hội, tạo nguồn vốn để người nông dân đắp đổi qua ngày, nhất là hai tháng tới.

Tiến sĩ Doanh cũng nhấn mạnh Nhà nước phải coi trọng các chính sách khác đi đôi với giải pháp kích cầu. Đó là vấn đề cải cách hành chính, cải cách thủ tục đầu tư. "Một doanh nghiệp xin được giấy phép đầu tư nhưng đến khi xin miếng đất, xin giấy chứng nhận môi trường thì lại rất khó khăn. Chống suy giảm kinh tế phải gắn liền với cải cách kinh tế để không quay lại cơ chế cũ với chuyện xin cho" - tiến sĩ Doanh nói.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Phan Chánh Dưỡng cũng cho rằng bản thân cải cách hành chính đóng góp rất lớn cho kinh tế đất nước. Hiện nay vẫn còn nhiều sản phẩm của Việt Nam khó cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài là do chi phí phi kinh tế nằm trong giá thành quá lớn. Đây là bài toán cần giải quyết trường kỳ. Nếu vẫn còn tiếp tục duy trì cơ chế cũ thì gói tiền để kích cầu sẽ khó được đổ vào đúng chỗ.

Đối với gói kích cầu hiện nay của Chính phủ, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc khu vực kinh tế nào tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh không nên đầu tư vào khu vực kinh tế nhà nước vì thực tế đã cho thấy hiệu quả đầu tư của khu vực này rất thấp.

Ngoài ra, phải có kế hoạch để xác định giữ thị trường trong nước hiện nay như thế nào. Chia sẻ ý kiến này, ông Lý Quí Trung - Tổng giám đốc Công ty Phở 24 cho rằng cần phải coi thị trường trong nước là quan trọng. Trong đó vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ trước đến nay là chủ yếu. Vì vậy, Chính phủ cần có các biện pháp kỹ thuật để củng cố cho đội ngũ doanh nghiệp này nhằm tăng sức cạnh tranh cho thị trường trong nước.

Mai Phương

>> Cải cách hành chính: Cải cách quản lý lĩnh vực
>> Cải cách hành chính... trên giấy! 
>>
Cải cách hành chính: Tư lệnh địa bàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.