Tăng lương tối thiểu lên 540.000 đồng/tháng

23/10/2007 01:06 GMT+7

Hôm qua, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố tại Quốc hội rằng, lương tối thiểu chung sẽ được điều chỉnh tăng từ 450.000 đồng hiện nay lên 540.000 đồng/tháng kể từ ngày 1.1.2008 thì tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Huỳnh Thị Nhân cũng chủ trì một cuộc họp báo công bố dự kiến mức lương tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp trong nước sẽ được điều chỉnh tăng từ 450.000 đồng/tháng lên cao nhất là 620.000 đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 710.000 đồng lên cao nhất là 1 triệu đồng/tháng.

Cũng giống như từng áp dụng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), điều chỉnh lương tối thiểu lần này, Chính phủ dự kiến quy định lương tối thiểu theo 3 vùng đối với cả doanh nghiệp trong nước. Vùng I gồm các quận thuộc thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh. Vùng II gồm các huyện thuộc thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh; các quận thuộc thành phố Hải Phòng, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); thành phố Biên Hòa (Đồng Nai); thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Vùng III gồm các địa bàn còn lại.

Vụ trưởng Vụ Tiền công-Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Phạm Minh Huân cho biết, chênh lệch mức lương tối thiểu giữa 3 vùng trên là khoảng 10%. Mức điều chỉnh cụ thể, đối với doanh nghiệp trong nước, dự kiến lao động làm việc tại vùng I sẽ là 620.000 đồng/tháng (tăng 38% so với hiện nay); vùng II là 580.000 đồng; vùng III là 540.000 đồng (tăng 20%).

Đối với doanh nghiệp FDI, dự kiến tăng 13-15% so với mức lương tối thiểu hiện nay, tương ứng 3 vùng là: 1.000.000; 900.000 và 800.000 đồng/tháng. Sở dĩ khối doanh nghiệp FDI có tỷ lệ điều chỉnh lương tối thiểu thấp hơn doanh nghiệp trong nước, theo ông Phạm Minh Huân để nhằm tiến tới hợp nhất 2 mức lương này muộn nhất vào năm 2012 theo đúng cam kết WTO (không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp).

Tăng lương tối thiểu không đồng nghĩa với việc tăng thu nhập

Trên thực tế, việc tăng lương tối thiểu không đồng nghĩa với thu nhập của người lao động tăng. Ông Phạm Minh Huân giải thích: lương tối thiểu là mức thu nhập thấp nhất mà một người lao động giản đơn được hưởng, trong khi hiện nay, do tính chất cạnh tranh lao động gay gắt, hầu hết các doanh nghiệp đều đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định; với nhiều lao động có kỹ thuật cao thậm chí đã được trả tới 4-5 triệu đồng/tháng. "Trong trường hợp đó người sử dụng lao động sẽ không nhất thiết phải tăng lương khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng", ông Huân nói. Như vậy, đứng về phía doanh nghiệp việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu chỉ làm tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tăng khoảng 0,25-0,5% tổng chi phí đầu vào của doanh nghiệp). Điều này, theo ông Phạm Minh Huân, để chứng tỏ rằng, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu kể từ 1.1.2008 không gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tất nhiên ông Phạm Minh Huân cũng như Vụ trưởng Vụ Quan hệ lao động, ông Nguyễn Mạnh Cường đều đồng ý rằng để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về tiền lương, cũng như các chính sách về phúc lợi, an sinh xã hội cho người lao động, tránh những cuộc đình công có thể xảy ra cần phải tăng cường năng lực đàm phán của tổ chức công đoàn. Các thỏa ước lao động tập thể với những thỏa thuận cụ thể về tiền công, tiền lương mới là kết quả cuối cùng về thu nhập của người lao động.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.