Dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội): Bất khả thi !

03/11/2005 23:42 GMT+7

Dự án hệ thống xe buýt nhanh BRT đang được Ban quản lý dự án giao thông đô thị (Sở Giao thông Công chính Hà Nội) lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt với tổng vốn đầu tư 1.248,4 tỉ đồng (78,51 triệu USD) với 2 tuyến thí điểm tổng cộng 24,5 km. Nhưng ngay khi dự án BRT mới đang nghiên cứu đã có nhiều vấn đề bàn cãi xung quanh những điểm bất khả thi của dự án.

 

Theo lộ trình (nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp) thì 3 năm tới Hà Nội sẽ đưa hệ thống BRT đi vào hoạt động. Lúc đó, trên nhiều tuyến phố nội đô sẽ có tuyến dành riêng cho BRT hoạt động (rộng 7m cho 2 làn) với những xe buýt BRT dài 18 - 40m (có 2 - 3 toa nối nhau bằng khớp mềm) chạy tốc độ nhanh. Trên các tuyến phố có BRT, giữa lòng đường hoặc sát cạnh vỉa hè sẽ phải xây những dải phân cách cứng bằng bê tông cao 10 - 20 cm, rộng 10 cm để tạo luồng đường riêng "bất khả xâm phạm" cho BRT và cứ cách 500m lại có 1 bến đỗ. Khi đến các giao lộ, đèn tín hiệu "ưu tiên BRT" sẽ tự động bật lên để mọi phương tiện giao thông khác phải ngừng lại, dành đường cho xe buýt nhanh.

 

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có khoảng 526 km đường phố, đa số lòng đường chỉ rộng 6 -12m, có 1.130 ngã ba và ngã tư, mật độ giao thông 4.000 xe máy/km và 400 ô tô/km đường nội đô. Nếu dành 7m chiều rộng lòng đường cho BRT thì đường phố hiện tại chỉ còn 40% diện tích đường cho các loại phương tiện giao thông khác, mật độ giao thông sẽ tăng vọt và vấn đề ách tắc giao thông sẽ rất lớn, vì luồng đường dành riêng cho BRT có dải phân cách cứng cấm mọi loại xe khác. Vấn đề bất khả thi thứ hai, theo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, nếu duy trì thường xuyên 5 phút/chuyến BRT thì tất cả các phương tiện giao thông khác trên các tuyến đường cắt ngang với đường xe buýt BRT đi qua đều phải dừng lại vì không đủ thời gian đi qua; thêm nữa, việc cho buýt BRT chạy giữa đường hoặc bên trái (nếu đường 2 chiều) là vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

 

Vấn đề bất khả thi thứ ba là với 24,5 km đường dành cho 2 tuyến buýt BRT sẽ có khoảng 50 nhà chờ và bến trung chuyển được xây dựng trên vỉa hè, cộng với nhà chờ của hàng mấy chục tuyến xe buýt thông thường (đang hoạt động), cộng với bến đỗ của các tuyến xe điện nội đô tương lai và nhà ga cho dự án đường sắt trên cao... thì hệ thống vỉa hè dọc các tuyến phố này sẽ bị trưng dụng làm các bến đỗ, vậy lấy đâu chỗ cho người đi bộ. Bất khả thi thứ tư là luồng đường dành riêng cho buýt BRT (giới hạn bằng dải phân cách) kéo dài liên tục qua nhiều tuyến phố sẽ cản trở rất lớn và mất an toàn cho việc lưu thông của các loại xe máy, xe đạp, người đi bộ khi muốn vượt qua luồng đường ưu tiên này sang phía bên kia phố.

 

Một điều bất khả thi rất lớn nữa là cần phải xem lại bài toán kinh tế cho việc triển khai hệ thống BRT, khi phải đầu tư 1.248 tỉ đồng cho 24,5 km đường (số tiền quá lớn khi chỉ để vận chuyển khách trên một quãng đường như vậy); trong khi số tiền này có thể đầu tư mua xe buýt thông thường, để tăng thêm các tuyến buýt tới nhiều địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đô thị hôm nay.

 

Việt Chiến

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.