Hành động ngay để cứu môi trường!

06/12/2009 01:31 GMT+7

Hôm qua (5.12) những thành viên người Việt Nam tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực cuối cùng đã trở về Việt Nam, sau chuyến đi nhiều ý nghĩa.

Chuyến thám hiểm này do Tổ chức 2041 (do ông Robert Swan thành lập) tổ chức cho 47 thành viên của 18 quốc gia tham gia, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước quốc tế về Nam Cực. Việt Nam có 6 thành viên được chọn và Tổ chức 2041 tài trợ 50% chi phí chuyến đi (phần còn lại các thành viên tự lo). Địa bàn của cuộc thám hiểm lần này là bán đảo Peninsula tại Nam Cực. Các nhà thám hiểm đã vượt qua eo biển Drake khắc nghiệt nhất thế giới; thám hiểm các đảo Anvert, Trinity, Orne, Deception, Snow... thăm các trạm nghiên cứu khoa học tại căn cứ Bellingshausen; khảo sát vịnh Hope và tình trạng băng tan ở đây; thám hiểm vịnh Whalers để khảo sát hệ sinh thái và động vật hoang dã Nam Cực; thực hiện hành trình thám hiểm trên bộ và cắm trại ngoài trời tại mỏm Cuverville trên lục địa Nam Cực băng giá.

Ông Lê Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư mạo hiểm tại TP.HCM cho biết thực chất cuộc thám hiểm là một khóa huấn luyện cho những người bảo vệ môi trường tương lai về nghệ thuật lãnh đạo trong điều kiện khắc nghiệt và những bức thiết trong việc bảo vệ môi trường. “Tận mắt chứng kiến những tảng băng tan chảy, chứng kiến sự quan tâm của ông Robert Swan đến môi trường của các nước trong đó có Việt Nam, mới thấy chúng ta không còn đủ thời gian cho việc quảng bá bảo vệ môi trường nữa mà phải nhanh chóng hành động ngay. Việt Nam là một trong hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và trái đất ấm dần lên. Nếu chúng ta không hành động ngay thì theo tính toán đến năm 2050, 30% (trong đó có 85% đất lúa) diện tích đất của VN sẽ nằm dưới biển”, ông Tuấn nói.

Các thành viên đoàn thám hiểm trước khi xuất phát

Một đội thám hiểm

Chim cánh cụt ở Nam Cực Ảnh do đoàn thám hiểm cung cấp 

Phút thư giãn của đoàn thám hiểm

Nhà thờ  ở Nam Cực

Robert Swan là người đầu tiên trên thế giới đặt chân thám hiểm đến cả hai vùng Nam Cực và Bắc Cực khi tròn 33 tuổi mà không cần sự hỗ trợ y tế nào. Đặc biệt, ông từng đi bộ 1.300 km để đặt chân đến Nam Cực. Chính những chuyến đi này đã biến Swan trở thành một nhà tuyên truyền và hoạt động bảo vệ hệ sinh thái Nam Cực. Năm 1992, ông gây chú ý khi cam kết thu dọn 1.500 tấn rác ở Trạm nghiên cứu

Bellinghausen (Nam Cực) ở Hội nghị thượng đỉnh trái đất của Liên Hiệp Quốc ở Rio de Janeiro (Brazil). Sau đó, Swan cùng 35 nhà thám hiểm trẻ từ 25 quốc gia đã thực hiện thành công sứ mệnh xanh này vào năm 2000. Năm 2003, Swan thành lập Tổ chức 2041, chuyên đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ sinh thái ở hai vùng cực của trái đất.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.