“Sức khỏe” chứng khoán

28/11/2009 23:02 GMT+7

Nhà đầu tư hoảng loạn xả hàng, chứng khoán liên tục sụt giảm hết biên độ. Điều gì đang xảy ra trên thị trường là câu hỏi thường trực sau những phiên bảng điện tử đỏ rực màu của chứng khoán mất giá.

“Trụ đỡ” hết linh nghiệm

Đến lúc này có thể nói, giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của chứng khoán trong năm nay là quý 2 và quý 3. Nghĩa là thời “oanh liệt” đã qua và phía trước không có nhiều dấu hiệu lạc quan cho một giai đoạn “thịnh vượng” về cuối năm như giới phân tích vẫn tự tin nhận định trước đây. Nguyên nhân là do các nhóm cổ phiếu đầu tàu, có sức kéo thị trường đi lên đã đuối sức. Theo thống kê của Vietstock, 3 nhóm cổ phiếu trở thành “trụ đỡ” trong 2 quý trước là bất động sản, thủy sản và thực phẩm. Cụ thể, mức tăng trưởng của nhóm cổ phiếu bất động sản trong quý 2 và 3 lần lượt là 134% và 179%; thủy sản là 121% và 61%; thực phẩm tương ứng là 108% và 110%. Với tốc độ tăng như trên, 3 nhóm cổ phiếu này trở thành “trụ đỡ” để chứng khoán duy trì tốc độ tăng trưởng kéo dài cả nửa năm qua.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể nói, các “trụ đỡ” này đã hết linh nghiệm. Đầu tiên là bất động sản, sau khi tăng quá nóng, giá cổ phiếu bất động sản trên sàn đã “hạ nhiệt” bởi nhà đầu tư không còn kỳ vọng vào lợi nhuận đột biến của ngành này vào thời điểm cuối năm như trước đây. Thực tế, lợi nhuận đã được “chia” và công bố trong báo cáo tài chính các quý theo quy định mới của Bộ Tài chính về hạch toán doanh thu đối với các công ty bất động sản. Cụ thể, thay vì hạch toán “một cục” thời điểm giao nhà thì giờ các công ty này sẽ hạch toán ngay khi khách hàng đóng tiền.

Kế đến là nhóm cổ phiếu thủy sản. Sự tăng trưởng cao của ngành này có 2 lý do chính. Đó là tăng trưởng doanh số chứ không phải tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, hầu hết các cổ phiếu thủy sản có lợi nhuận đột biến đều xuất phát từ đầu tư tài chính. Điều này đang để ngỏ khả năng sụt giảm lợi nhuận trầm trọng, thậm chí dẫn đến thua lỗ nếu chứng khoán vẫn duy trì đà tụt dốc không phanh hiện nay.

Cuối cùng là thực phẩm, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm cổ phiếu này theo phân tích của Vietstock chủ yếu là từ sự cải thiện trong lợi nhuận gộp biên. Nếu như quý 1, lợi nhuận gộp biên của ngành này chỉ là 15,48% thì sang quý 3, con số này được đẩy lên 22,18%... Phân tích trên cho thấy, lợi nhuận của cả 3 trụ đỡ này đều có “phốt” và đã được thẩm thấu vào giá cổ phiếu trong 2 quý trước. Vì vậy, quý cuối cùng trong năm không còn là “đất dụng võ” cho các cổ phiếu này cũng là điều dễ hiểu.

“Cổ phiếu vua” khó kích hoạt   

Kỳ vọng thị trường giờ đặt lên vai nhóm cổ phiếu đã từng được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, cổ phiếu tài chính - ngân hàng. Nhóm cổ phiếu này đã “mất ngôi” nửa năm nay và giá thì luôn trong tình trạng đi “giật lùi” bất chấp các thông tin về lợi nhuận, các dự án tiềm năng, cổ tức hấp dẫn... Nhiều nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu khi các cổ phiếu từng làm mưa làm gió trên thị trường như cổ phiếu tài chính ngân hàng lại trở thành “lực cản” của chứng khoán (đa số cổ phiếu tài chính ngân hàng đều có vốn hóa lớn.

Vì vậy, việc tăng hay giảm của nhóm cổ phiếu này có tác động lớn đến việc tăng giảm chung của thị trường) trong một thời gian dài. Trên thực tế, trong suốt nửa năm qua, khi thị trường tăng thì các cổ phiếu này lình xình nhưng khi thị trường điều chỉnh giảm, nhóm cổ phiếu này lại giảm trước với mức giảm mạnh. Cũng bởi thế, giá cổ phiếu tài chính - ngân hàng đang ở trong khoảng được cho là hợp lý và hấp dẫn. Đó là lý do vì sao, kỳ vọng kích hoạt cổ phiếu tài chính - ngân hàng đang được “nhóm” lên trên thị trường.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, kỳ vọng này đang gặp nhiều khó khăn. Về chủ quan, lợi nhuận của nhiều ngân hàng cuối năm đã chính thức “giảm tốc”. Nguyên nhân là do các ngân hàng phụ thuộc quá lớn vào tín dụng trong khi chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động thấp nên lợi nhuận thu được không cao.

Một nguyên nhân quan trọng là các công ty đầu tư tài chính sẽ bị sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng nếu chứng khoán tiếp tục điều chỉnh giảm. Phải nói lại là lợi nhuận đột biến mà không ít công ty công bố trong các quý vừa qua phần lớn từ hoàn nhập dự phòng rủi ro tài chính. Vì vậy, nguy cơ giảm lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận “âm” là rất lớn nếu chứng khoán tiếp tục đà giảm mạnh này. Đây cũng là lý do, nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng đang tiếp tục mất giá dù đã lình xình hơn nửa năm qua. “Thị trường phải tìm động lực khác chứ không thể mong đợi ở nhóm cổ phiếu này” - chuyên gia này nói.

“Sức khỏe” thị trường đã được “khám”. Kết luận cuối cùng là chưa có dấu hiệu về việc cải thiện tình trạng hiện nay trong ngắn hạn nếu nhà đầu tư chỉ “nhìn” vào nhóm các cổ phiếu này. Câu trả lời là, thị trường vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn, nhất là khi giá không ít cổ phiếu đã rơi vào vùng hấp dẫn. Đây là thời điểm nhà đầu tư phải quay lại với phương pháp đầu tư truyền thống “giảm mua, tăng bán” mà khối ngoại vẫn đang thực hiện một cách bài bản thay vì hoảng loạn, bán tháo như hiện nay. 

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.