Thư bạn đọc tuần qua (5-11/12)

11/12/2006 14:00 GMT+7

Cơn bão số 9 (bão Durian) đi qua, để lại hậu quả hết sức nặng nề cho người dân trên địa bàn 12 tỉnh, thành vùng ven biển từ Nam Trung Bộ đến Nam Bộ. Thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để xảy ra mức độ thiệt hại quá nặng nề, đặc biệt là ở Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) như vừa qua với nguyên nhân chính là chủ quan thì không thể không nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Về việc này, trong chuyến đi thị sát tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão tại BR-VT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh BR-VT phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Và dưới đây là tiếng nói từ một số người dân ở địa phương này:

Le Tuan Hai (Bà Triệu, P.1, Vũng Tàu): "Rất nhiều người dân TP Vũng Tàu từ 4h30 ngày 5/12 đến giờ (10h ngày 6/12) không xem được ti vi, không nghe được radio, không online được, điện thoại cũng không sử dụng được (do không thể sạc pin) vì không có điện, nên không biết đến: Điện thăm hỏi, động viên của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các thông tin về thiệt hại trong và sau bão; các chỉ đạo tiếp theo của chính quyền địa phương... Chúng tôi hiện đang sống như người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chính quyền địa phương TP Vũng Tàu sao không dùng phương tiện loa phát thanh thông báo, tuyên truyền tin tức đến đồng bào?".

Văn Phú (Huyền Trân Công Chúa, P.8, TP Vũng Tàu): "Chúng tôi là nhân dân TP Vũng Tàu, vừa qua cơn khủng hoảng về tinh thần và thể xác! Điều chúng tôi đau khổ và buồn nhất là tinh thần phòng chống bão lụt của địa phương trước và sau cơn bão rất kém! Không một dự báo, không một lời cảnh tỉnh, chỉ thông báo sơ bộ trên truyền hình là bão chỉ ảnh hưởng thôi. Chứng kiến những người già và trẻ em khu chúng tôi sinh sống họ mới hiểu được rằng con người đấu tranh giữa sự sống và cái chết như thế nào. Thế mà sau cơn bão chẳng có một cán bộ địa phương cũng như công an, bộ đội đến giúp đỡ cho nhân dân".

Nguyễn T.K (Lê Lợi, TP Vũng Tàu): "Tôi đang sống ở TP Vũng Tàu, trong khu tập thể của XNLD Vietsovpetro. Vừa mới trải qua cơn bão Durian, gia đình tôi hầu như không bị thiệt hại gì nhưng tôi thực sự bàng hoàng trước tác hại của cơn bão đối với thành phố và người dân nơi đây. Một điều hết sức kỳ lạ là nửa ngày (17h30 ngày 4/12) trước khi cơn bão Durian ập tới, cả nhà tôi chỉ có cậu con trai 3 tuổi là nhắc đến bão thực sự nghiêm túc: "Bố ơi, ngày mai cô giáo cho nghỉ học vì trời mưa bão". Tôi vẫn có ý nghi ngờ, vì thực sự đến tận lúc đó, theo bản tin trên VTV lúc 12h trưa, tôi vẫn nghĩ bão sẽ vào Nha Trang. Có chăng Vũng Tàu chỉ bị mưa và gió nhẹ thôi. Đến 21h30, không khí ngoài đường tuyệt nhiên bình thường. Đến 22h00, bật ti vi lên mới giật mình hoảng hốt khi nghe bão đã chuyển hướng về phía nam và có thể đi trực tiếp vào Vũng Tàu trong mấy giờ tới. Cũng từ sau 22h00, tôi cố liên tục đảo kênh để theo dõi các bản tin báo bão trên các đài VTV, HTV, BR-VT để xem Trung ương và tỉnh có sự chỉ đạo như thế nào... Thật ngạc nhiên, VTV và HTV thì liên tiếp cập nhật tin tức, liên tiếp có công điện khẩn, còn BR-VT thì vẫn tiếp tục chương trình phim truyện đến tận 23h00, sau đó có phát lại nội dung cập nhật đường đi của bão, nhưng chỉ là bản phát thanh, không đánh dấu trên bản đồ thì làm sao dân thường Vũng Tàu biết bão đang ở rất gần mình. Sau 23h30, quanh chỗ tôi ở, phố vẫn bình yên, đèn đường vẫn sáng. Cũng chẳng nghe thấy bất cứ âm thanh thông báo nào trên đường phố. Dường như sẽ chẳng có gì xảy ra cả. Gần 24h, tôi lại về để cố xem BR-VT có thông báo khẩn nào của tỉnh về việc phòng chống bão như: sơ tán người. huy động lực lượng túc trực... như các địa phương khác đã làm. Nhưng không. Quá thất vọng! ".

Hoang Quy (Mỹ Xuân, BR-VT): "Tôi thật sự ngỡ ngàng khi ngay lúc bão đang hoành hoành nhưng điện đến gặp cô giáo của Trường cấp III Phú Mỹ và Trường tiểu học Mỹ Xuân (BR-VT) nơi các con tôi học, đều được các cô giáo trả lời: "Trường không có chỉ đạo gì mới, các cháu cứ phải tới trường". 

Một số góp ý về công tác PCLB 
 
Trương Hữu Nghĩa <huunghiann@vnn.vn>: "Trong cơn bão số 9 vừa qua các Phó thủ tướng luôn túc trực theo dõi và kiểm tra, nhắc nhở việc đối phó với cơn bão. Vậy mà thật đau lòng khi nghe Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nói rằng: "trong lúc bão có đồng chí lãnh đạo còn ngủ". Biết rằng thiên tai là điều khó tránh khỏi, nhưng nếu lãnh đạo quan tâm đến dân, đề phòng trước những rủi ro bất trắc thì thiệt hại về người sẽ giảm đến mức thấp nhất.

Dự thảo quy định dạy thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo hiện vẫn đang được cơ quan này trưng cầu ý kiến trên diễn đàn của mình. Để tạo điều kiện cho bạn đọc được bày tỏ ý kiến của mình, Thanh Niên báo in và Thanh Niên Online có dành chỗ đăng bài viết của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.