Mô hình nào cho Showbiz?

05/12/2008 23:14 GMT+7

Công thức ca sĩ xếp hàng lên hát kèm theo múa minh họa, cộng thêm chút kỹ xảo ánh sáng, màn hình khiến khán giả (đặc biệt tại TP.HCM) ngày càng ít có nhu cầu đi xem ca nhạc.

Cũ và giống nhau

Hằng đêm, các kênh truyền hình cả nước có quá nhiều chương trình ca nhạc được phát sóng. Với kinh phí thấp, thời gian chuẩn bị rất ít nên đa phần các show ca nhạc này ngày càng bị lặp lại, đơn điệu. Ca sĩ không đầu tư tập luyện, chủ yếu hát trên nhạc nền thu sẵn trong đĩa MD nên hiệu ứng trình diễn giảm đáng kể.

Trong các live show hiếm hoi của một số ca sĩ ngôi sao, cũng chẳng có gì mới hơn. Cũng vẫn là mô hình ca sĩ tuần tự biểu diễn các ca khúc hit với minh họa của vũ công, khác chăng là thêm ánh sáng laser, màn hình led cực lớn hoặc có chút khói màu để tăng phần huyền ảo. Tất cả cứ đều đặn trung thành với công thức trên đã khiến khán giả, đặc biệt là giới trí thức không thiết tha với các loại show ca nhạc dạng như thế.

Ở các phòng trà, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Hàng loạt phòng trà đã và đang đóng cửa sau thời gian thoi thóp gồng mình chịu đựng sự lỗ lã. Những nơi nổi tiếng nhất: M&Tôi, Sóng Nhạc, 2B, Yesterday, Tình Ca… đều buộc phải đổi địa điểm hay tạm ngưng hoạt động để "sửa chữa", chờ qua mùa mưa bão. Điểm đáng nói là ngay bản thân các phòng trà cũng chưa tìm ra cách gì khác ngoài việc cho ca sĩ xếp hàng biểu diễn.

Trong khi đó, với phương tiện truyền thông hiện đại, khán giả có rất nhiều cách lựa chọn: thưởng thức âm nhạc qua ipod, điện thoại di động, internet, băng đĩa, truyền hình… nên hoạt động phòng trà nếu không có thay đổi, sẽ không còn thích hợp với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ . 

Mô hình mới ở đâu?

Để tạo một mô hình showbiz mới cho nhạc Việt, thực sự là điều rất khó khăn. Các đạo diễn cho biết, có quá ít chương trình ca nhạc đủ uy tín về chất lượng để có thể tập hợp được các ngôi sao. Và vì thế xảy ra sự manh mún, mạnh ai nấy làm live show riêng, dù với ca sĩ "sao" hoặc ca sĩ trẻ mới bắt đầu sự nghiệp.

Mặt khác, sự dễ dãi trong dàn dựng, lười biếng trong tập luyện hoặc vì "công sức bỏ ra không tương xứng với cát-sê" (theo quan niệm của một số ca sĩ) khiến nhiều người chuyên hát nhép (lip sync) hoặc playback (hát với nhạc nền ghi âm sẵn) để tiện lợi cho việc chạy show. Mặt khác, để có đầu tư tiền tỉ trong thời điểm hiện nay là vô cùng hiếm, ít tiền, thời gian chuẩn bị ngắn (không có kế hoạch hay chiến lược) nên cả người sản xuất lẫn đạo diễn, nghệ sĩ đều làm theo kiểu "ăn xổi ở thì".

Trong khi đó, các đêm ca nhạc cho từng nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Trần Tiến, Phú Quang… lại thu hút rất đông khán giả mà không hề phải phù phép bằng âm thanh, ánh sáng. Các nhạc sĩ đã thực sự chinh phục công chúng bằng chính giá trị nghệ thuật đã được khẳng định qua thời gian, với chương trình dàn dựng một cách tinh tế, và đây chính là điểm làm mới đáng nói.

Một ý kiến khác: tại sao không có sự kết hợp giữa ca nhạc đương đại với giao hưởng, với nhạc vũ kịch, thậm chí với cả kịch câm, kết hợp các điệu múa dân tộc với ca sĩ trong thể loại nhạc dân gian đương đại?

Để tồn tại, phát triển âm nhạc nói chung và công nghệ biểu diễn nói riêng dứt khoát phải có sự thay đổi trong tổ chức và thể hiện. Văn hóa của ta đang ở thời điểm hội nhập toàn cầu, trong khi làn sóng khán giả trẻ đến rạp phim ngày một đông thì sân khấu ca nhạc lại ngày một ảm đạm.

Đó là vấn đề lớn đặt ra với những người tổ chức, đạo diễn, và ca sĩ.

Đạo diễn Đinh Anh Dũng
 

"Để có thể thực hiện những chương trình với sự đổi mới về dàn dựng thì phải có đầu tư lớn và kế hoạch dài hạn. Duyên dáng Việt Nam là chương trình đủ uy tín để tập hợp được ca sĩ ngôi sao tham dự, và vì thế họ chấp nhận hy sinh, tức bỏ công sức để đầu tư tập luyện cho ca khúc. Còn với những chương trình nhỏ hay show truyền hình đang tràn lan hiện nay thì quá ít ca sĩ chịu luyện tập, cứ đến giờ đưa đĩa thu playback và ra sân khấu biểu diễn cũng được kể là một show".

 
Nhạc sĩ Phú Quang

"Nhầm lẫn lớn nhất hiện nay là có rất nhiều đạo diễn, nhà sản xuất chương trình ca nhạc không am hiểu gì về nhạc nên cứ thích đưa các hiệu ứng âm thanh- ánh sáng vào để lòe khán giả chứ không chú trọng làm cho phần nhạc hay hơn, khác biệt hơn. Một điều cơ bản nữa là có quá nhiều bài báo tung hô một chương trình nào đó, dễ khiến số đông ca sĩ, đặc biệt ca sĩ trẻ, ảo tưởng về giá trị của loại show ca nhạc làm theo trào lưu. Đây có thể xem là một sự gian dối trong nghệ thuật".

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.