Microsoft sợ đối thủ nào nhất?

10/11/2005 10:41 GMT+7

Cách đây 12 năm, ngồi cạnh sáng lập viên Microsoft, tỉ phú Bill Gates trên một chuyến bay nội địa Mỹ, nhà báo Rich Karlgaard ở tuần báo kinh tế Forbes đã hỏi nhà tỉ phú rằng đối thủ nào khiến ông lo ngại nhiều nhất. Câu trả lời là Goldman Sachs. Nhà báo ngạc nhiên, tưởng rằng Microsoft chuẩn bị nhảy vào lĩnh vực tài chính ngân hàng chuyên ngành đầu tư. Nhưng không phải thế.

Theo Bill Gates, "Công nghệ thiết kế phần mềm là chuyện kinh doanh IQ (chỉ số thông minh) và Microsoft cần phải thắng lớn ở cuộc chiến IQ, bằng không sẽ chẳng thể tồn tại dài lâu trong tương lai. Tôi không lo ngại các đối thủ Lotus hay IBM vì tin rằng những tài năng lanh lợi thừa hiểu rằng để thành đạt thật nhanh, thật sớm thì họ phải tìm được chỗ làm trong Microsoft. Cho nên tôi chỉ lo ngại những ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Morgan Stanley sẽ giành mất IQ".

Trong năm ngày đeo bám Bill Gates chu du nhiều thành phố lớn ở Mỹ, nhà báo Karlgaard đã nghe tỉ phú này nói đến cuộc chiến IQ hàng trăm lần. Giành được nhân tài, những bộ não cực kỳ thông minh về làm việc cho Microsoft đã là nỗi ám ảnh triền miên của tỉ phú Mỹ trẻ tuổi này.

Và ông đã thành công nhờ thu hút được những bộ não kiệt xuất tốt nghiệp từ các trường danh tiếng nhất, chẳng hạn như Stanford, Massachusetts Institute of Technology (MIT), California Technology (CalTech)... Doanh thu của Microsoft nay gần 40 tỉ USD, thuê dụng khoảng 60.000 tài năng thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Có nghĩa là chia đều ra thì mỗi nhân viên Microsoft có doanh thu hơn 650.000 USD, tức hai lần cao hơn số tiền mà mỗi nhân viên của IBM giúp tập đoàn này thu được.

Nhưng rồi Microsoft đã có đối thủ nặng ký cần phải theo dõi sát. Đó là Google, một công cụ dò tìm trên internet. Doanh thu của Google là 6 tỉ USD nhưng tổng số nhân viên chỉ khoảng 4.000. Có nghĩa là mỗi nhân viên của Google tạo ra doanh thu 1,5 triệu USD, tức 2,3 lần nhiều hơn mỗi nhân viên của Microsoft. Và còn có nghĩa là Google đã thắng Microsoft ở cuộc chiến IQ.

Tại sao có chuyện này? Vì trong 5 năm trở lại đây, giá cổ phiếu của Microsoft không còn là "hàng chắc chắn phải mua bằng được" nữa. Thời mà một tài năng vào làm việc cho Microsoft mỗi tuần 80 tiếng để sau 5 năm thì đã trở thành một triệu phú đô la đã qua hẳn rồi. Thay chỗ Microsoft là Google.

Nhưng đây mới chỉ là nguyên nhân "tiền bạc". Còn có một nguyên nhân sâu xa khác. Nó giải thích vì sao Kai-Fu Lee, một tài năng cổ trắng cấp cao đã bỏ Microsoft sang Google làm việc hồi mùa hè 2005, cụ thể là nắm chức lãnh đạo trung tâm nghiên cứu và phát triển của Google tại Trung Quốc.

Nguyên nhân ấy là: tài năng A làm việc ở Microsoft chủ yếu để bảo vệ quyền lợi kinh tế phát sinh từ Windows và Office. Nhưng khi tài năng A ấy làm việc ở Google thì để góp phần thay đổi cách sống, làm việc, học tập, vui chơi, giải trí của hàng tỉ con người khắp địa cầu. Theo bạn, một người có IQ sẽ thích làm việc ở công ty nào?

Thành công của Microsoft cũng có khả năng trở thành nguyên nhân thất bại của tập đoàn này. Đó là vì cho đến nay số 12 tỉ USD lợi nhuận của Microsoft đều chỉ được tạo ra bởi hai sản phẩm chính yếu là Windows và Office. Chúng phải được bảo vệ bằng mọi cách, với mọi giá phải trả. Lắm khi rất tốn kém.

Chẳng hạn như để Windows Vista có thể tương tác thành công với phiên bản Office cũ thì Microsoft phải cần đến "đoàn quân" từ 7.000 đến 10.000 kỹ sư sản xuất ra hơn 50 triệu dòng mã. Mà chưa chắc nó đã hoạt động trơn tru. Hồi tháng 10 qua, Microsoft đã phải kinh qua sự tái bố trí dàn nhân sự cấp cao để trở thành công ty hoạt động hiệu quả hơn, nhanh hơn. Và cho đến nay tỉ phú Bill Gates, ở vai trò chủ tịch kiêm kiến trúc sư trưởng phát triển phần mềm, vẫn chưa hết bận tâm với IQ.

Ai sẽ là những bộ não khổng lồ mới giúp Microsoft có lực sống mới thật khỏe mạnh? Vì như đã trở thành một điều ắt phải có trong thế giới digital là để thành công mỹ mãn, mỗi doanh nghiệp cần phải có đến hai cái đầu lớn. Trước đây Microsoft đã có Bill Gates và Paul Allen. Trước đó nữa thì có David Packard và William Hewlett lập nên một HP khổng lồ ngày nay. Giữa hai đại gia này còn nhiều ví dụ điển hình khác.

Chẳng hạn như Bob Noyce và Gordon Moore làm nên Intel từ năm 1968. Trong thập niên 70 thì có Steve Jobs và Steve Wozniak tạo ra Apple Computer; Larry Ellison và Bob Miner - công ty Oracle; Roger Marino và Dick Egin - công ty EMC; Jim Goodnight và John Sall - SAS Institute. Những năm 80 có John Warnock và Charles Geschke - Adobe Systems; vợ chồng Sandy Lerner và Len Bosack - Cisco.

Còn từ những năm 1990 đã có thêm David Filo và Jerry Yang với Yahoo! và Sergey Brin và Larry Page, Google. Đầu thế kỷ 21 thì có Niklas Zennstrom và Janus Friis với Skype mới đây đã có thêm vốn bơm vào từ eBay. Cộng lại giá trị của những công ty lập nên bởi hai bộ não vừa nêu trên, người ta có con số lên đến gần 1 ngàn tỷ USD.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.