“Nậu” cá ở Đà Nẵng

29/10/2007 12:41 GMT+7

(TNO) 23 giờ, đèn đuốc đã sáng choang ở cảng cá Thuận Phước (Đà Nẵng). Một ngày mới của cảng cá bắt đầu từ đây khi người mua, kẻ bán từ khắp nơi đổ về. Chừng 2 giờ sáng, lượng người tập trung về cảng ước đến 4.000. Từ xa, tiếng máy nổ của những chiếc tàu cá cập cảng mỗi lúc rõ dần. Một nậu cá lẩm bẩm: “Tiếng máy nổ đằm thế chắc hôm nay cá khẳm lắm. Tranh thủ ra tàu mua cá thôi !”.

Nậu nào tàu nấy

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Khai thác Cảng cá Thuận Phước cho biết: “Mỗi ngày có khoảng 35-40 chiếc tàu cá cập cảng, thời gian cao điểm từ 1-4 giờ. Đặc thù của ngành hải sản là cần tươi nên đó là thời điểm thích hợp nhất. Tùy theo tàu lớn nhỏ và mùa vụ, mỗi tàu đánh bắt từ 2-15 tấn nhưng khoảng 40 nậu cá phân phối rất nhanh và khoảng 4-5 giờ, mọi hoạt động mua bán gần như đã hoàn tất. Nậu là nghề rất vất vả, gần như họ trực suốt ở cảng cá cả ngày lẫn đêm, ăn vật ngủ vạ tại chỗ”.

Trước đây, nậu mua cá của tàu theo dạng “đứt đuôi” - như cách nói của dân trong nghề là mua “quá hầm”, “lời ăn, lỗ đập” - và bán cho bạn hàng theo đơn vị chục. Sau năm 2000, nậu cá ra tận ngoài tàu cho giá, cân ký và đem vào bờ phân phối cho bạn hàng. Trong giới nậu vẫn đề ra những tiêu chuẩn của nghề. Một người được gọi là nậu khi mỗi con trăng phải tiêu thụ hàng của khoảng 50 chiếc tàu. Nậu cá buôn theo từng tốp từ 3-7 người, thường cùng trong một gia đình và mỗi nậu chuyên một mặt hàng như mực nang là Tuyết pê-đê; cá ngừ: Bớp; cá giũa: Tiến Thịnh (Long nheo); cá đù: Thanh; cá mú, cá hồng: Thiên; mực dù: Lắc... Chẳng có một quy định cụ thể nhưng tự bao giờ, tại cảng cá đã hình thành một luật bất thành văn: “tàu nào, nậu nấy”. Có nậu chuyên lưới cản, nậu chuyên mành chụp, có nậu sở trường những cá lớn như cá nhám, cờ, nạng... Nếu bạn hàng cần mua đột xuất một vài tấn hàng mà không phải mặt hàng mình chuyên, các nậu sẽ thương thảo và bao giờ những vụ mua bán kiểu này đều thành vì dân nậu quá hiểu “luật” nghề.

Buôn bán trong chữ tình


Cá mua trên tàu đã được các nậu phân ra từng rổ để bán cho bạn hàng

Theo nghề từ khi mới 12 tuổi, bà Trần thị Nam (sinh năm 1955, ngụ ở An Hải Tây) cho biết: “Nậu cá và tàu dựa vào nhau để sống. Nếu đã là bạn hàng, tàu nào chúng tôi cũng phải ứng tiền cho mượn, với số tiền từ 10-70 triệu đồng/tàu. Những chuyến biển về, tàu đó lại bán hàng cho chúng tôi, giá cả cũng rất sòng phẳng. Nếu giá cân cho bạn hàng 10 đồng, giá thu mua cho tàu sẽ là 9 hoặc 9,5 đồng. Đó là những thỏa thuận mà giữa tàu và nậu đã cam kết rõ ràng khi đầu tư vốn”. Do tính tình nhân hậu, sòng phẳng nên đội tàu của Bình Định gồm 80 chiếc đều là bạn hàng “ruột” của bà Nam. Nổi danh ở cảng cá là Tuyết pê-đê khi "ôm" gần 100 chiếc tàu bạn hàng và 150 chiếc khác, số tiền đầu tư của Tuyết vào đội tàu lên đến 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra, hầu hết những nậu tại đây cũng đều cân lại hàng cho Tuyết. Tuyết Pê-đê chuyên cung cấp mực nang, cá đù, tín, đổng... cho tất cả những đơn vị xuất khẩu hàng hải sản của Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tên tuổi Tuyết vang xa đến độ bạn hàng từ Nhật, Đài Loan, Hồng Kông... cũng trực tiếp đến mua bán với người đàn bà trực tính không hề giấu “thân phận” của mình. Tuyết khẳng định: “Tôi đã đi đến tất cả những cảng cá của Việt Nam, nậu ở các nơi không giống như nậu của Đà Nẵng. Họ đúng là một người chủ khi tất cả mọi công việc đều thuê người làm, không chịu cực khổ, vất vả và đặc biệt, trong buôn bán họ không đặt nặng chữ tình như nậu ở Đà Nẵng”.

Trong cơn bão Chanchu, Xangsane những nậu cá của Đà Nẵng mất cả mấy trăm triệu đồng với những tàu bị chìm, hư hại; khi đến thăm họ không hề nhắc gia chủ số tiền nợ mà còn động viên chủ tàu vượt qua khó khăn để bám biển kiếm sống. Bà Nam nhớ lại: “Sau cơn bão Chanchu, đang cân hàng thì nghe thông tin đã đưa được xác ngư dân vào bờ, chúng tôi vội bỏ tất cả chạy đến để biết ai đã bỏ mạng. Tất cả họ đều là anh em, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc, ăn uống với nhau mỗi khi tàu về. Lúc ấy, không thể bỏ việc nhưng không khí ở chợ buồn não, tang tóc lắm!”. Miền Trung là cái rốn bão nên không biết bao nhiêu lần những người buôn bán ở cảng cá cứ âm thầm quyên góp tiền đi thăm viếng, đưa tang bạn bè.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: “Năm 2003, số vụ xô xát, đánh nhau gây thương tích, mất trộm tại cảng cá là 136, nhưng đầu năm đến nay chỉ có 10 vụ. Môi trường buôn bán đã được cải thiện rất rõ, trong đó có ý thức rất cao của các nậu. Đặc biệt, nậu ở đây buôn bán đàng hoàng, không có nhiều tình trạng o ép giá nên chủ tàu ở các nơi chạy về rất đông, sức mua bán ngày càng nhộn nhịp, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của Đà Nẵng”.

Luân Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.