Bài dự thi Viết về thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Hành trình không đơn độc

13/11/2005 23:23 GMT+7

Ngày 13.10.1999, tôi nhận được thiệp mời dự buổi liên hoan thân mật tiễn chị về hưu. Thiệp có ghi chú: Xin không nhận bất kỳ một quà tặng nào dù chỉ là một bông hoa, chỉ xin một nụ hôn đồng đội và một chữ ký vào "sổ vàng khuyết tật". Thực đơn buổi tiệc là gỏi cuốn và nước ngọt, chừng 20.000đ một suất. Vật chất nhẹ mà tình thì nặng... Và niềm vui lớn trào dâng cuối buổi liên hoan là "Sổ vàng khuyết tật" đã “nặng” đến 37.500.000đ và hai cây đàn organ được chủ nhân bữa tiệc - chị Lê Minh Ngọc, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - xúc động ký bàn giao cho tổ Giáo dục khuyết tật của Sở.

 

Ký ức tuổi thơ

 

Là con gái một của chị Hai Nghi và anh công nhân xưởng nhuộm Lê Lai - sau này giác ngộ cách mạng xung phong vào bộ đội ông Ba Tô Ký - trí nhớ non nớt của cô bé đã khắc sâu hình ảnh lần gặp mặt cuối cùng của hai mẹ con với người cha lúc cô mới tròn 3 tuổi. 12 tuổi có mặt trên chuyến tàu công khai cuối cùng rời Sài Gòn đi Hải Phòng, Ngọc được cho đi học nội trú ở Trường học sinh miền Nam. Hồi đó nhớ má quá, cô đã lên đài phát thanh "nhắn tin vào Nam" mà kết quả là...  má bị bắt!

 

Năm 1959, Ngọc học lớp 8 - cô đang cùng các bạn tập bài múa ô thì Bí thư Liên chi đoàn Trường học sinh miền Nam đến báo tin vui: Ngọc được về Hà Nội gặp Bác Hồ và đón Tổng thống Indonesia Xu-các-nô. Bác  ân cần hỏi:

- Trong ba cháu, cháu nào là miền Nam thì lên ngồi giữa hai Bác.

Cùng đi với Ngọc có hai thiếu niên ở Hòn Gai và Hải Phòng. Vậy là cô có cơ hội có một không hai để tha hồ ngắm Bác. Buổi tối lúc xem văn nghệ, lại cũng được ngồi cạnh Bác. Bác xoa đầu Ngọc hỏi:

- Cháu ở miền Nam ra có nhớ nhà không? Nhớ má không?

- Thưa Bác, cháu nhớ lắm ạ!

- Nhớ má, nhớ miền Nam phải gắng học cho giỏi!

Vâng lời Bác, Ngọc lại càng phấn đấu học tập thật giỏi và ngay năm đó được kết nạp vào Đoàn. Nhớ quê hương, nhớ má, nhớ ba, nhiều đêm Ngọc lại trằn trọc mơ tưởng về một hình ảnh người cha. Cô nghẹn ngào kể: "Lần gặp ba cuối cùng tôi chỉ mới 3 tuổi, chưa tường nét mặt ba nên ước muốn cháy bỏng lúc đó là có được một tấm hình, bèn gửi thư xin bác Tô Ký. Khi bác Ba hồi âm thì ngoài thư chỉ có tấm ảnh cắt từ họa báo hình một người Nga với dòng chú thích: "Ba con giống thằng cha này 50%!".

Học hết phổ thông, Lê Minh Ngọc tự quyết định thi vào khoa Văn Trường ĐH Sư phạm, gắn cuộc đời mình với thiên chức trồng người.

 

Từ mầm non, khuyết tật đến khuyến học, khuyến tài

 

Để lại chồng, anh cán bộ địa chất quê Sóc Trăng, gửi hai cô con gái ở Trường Chu Văn An - Hà Nội, tháng 2.1975, Lê Minh Ngọc được gọi đi B để rồi sau đó cùng đồng đội khẩn trương vào tiếp quản các cơ sở giáo dục của Sài Gòn. Rồi tiếp đó là gần một phần tư thế kỷ, chị đã say sưa lao vào hoạt động trồng người (lúc về nghỉ hưu, chị là Phó giám đốc phụ trách giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT TP.HCM).

 

Đến bây giờ chị vẫn xúc động nhắc lại những ngày ấy. Chị thường xuyên đến thăm các cháu khuyết tật Trường Nguyễn Đình Chiểu đến độ mỗi lần xuất hiện, chị chưa kịp lên tiếng, các cháu đã nhao nhao: "Cô Ngọc, Sở Giáo dục chứ ai!". Chị đã quyết tâm vận động xây cho được Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để các cháu khuyết tật có chỗ học mới thật khang trang. Đến lúc nghỉ hưu chị vẫn tiếp tục vận động cho trường khác: "Sở Ngoại vụ đang hướng dẫn tôi làm đề án xin Lãnh sự quán Nhật Bản từ chương trình tài trợ cho các dự án quy mô nhỏ (AGRP) giúp xây dựng trường nuôi dạy trẻ khuyết tật ở quận Thủ Đức".

 

Rồi Lê Minh Ngọc đặt chân vào ngôi nhà chung khuyến học khi vật chất hầu như chẳng có gì. Từ một quyết định là Phó chủ tịch hội kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục với 50 triệu đồng của UBND thành phố cấp làm vốn ban đầu, chị mang trọn cho huyện Cần Giờ để giải quyết chuyện học sinh bỏ học hàng loạt ở đây. Vậy là vẫn tay trắng. Tiền đâu để nuôi các hoạt động nóng của hội, để hỗ trợ phát triển giáo dục? Một ý tưởng lóe lên trong đầu: lấy học bổng nuôi khuyến học. Người cho đầu tiên là chị, gia đình chị và những người bạn. Năm học đầu tiên 1999-2000, 5 sinh viên được nhận học bổng là hai học sinh khiếm thị Trần Thị Minh Tuyết, Nguyễn Văn Long và ba bạn Nguyễn Văn Cải, Nguyễn Vương Quốc Thịnh, Nguyễn Thị Hiền. Từ việc chọn lựa thật chuẩn xác những người nhận, sự vận động mở rộng thường xuyên theo chiến thuật "vết dầu loang" từ cá nhân đến tập thể. Đến năm học 2003 - 2004, đã có 122 sinh viên được nhận học bổng từ 41 ân nhân và 12 đơn vị tài trợ. Cùng lúc đó là sự thành lập "Câu lạc bộ sinh viên nhận học bổng khuyến tài". Các em mặc đồng phục xanh có logo riêng, sinh hoạt du khảo truyền thống, diễn đàn lý tưởng, ước mơ của thanh niên bằng tiếng Anh, tổ chức sinh nhật cho nhau... Đến năm học 2004-2005, đã có 181 sinh viên nhận học bổng từ 110 ân nhân và 19 đơn vị, trong đó có cả học bổng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết. Cô sinh viên khiếm thị Trần Thị Minh Tuyết tốt nghiệp khoa Anh Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, đang là nhân viên văn phòng Công ty môi giới bảo hiểm Gcassa Vaye (Pháp), đã đặt viên gạch đầu xây dựng nên học bổng rước bạn đi sau. Nguyễn Vương Quốc Thịnh được đi du học tại Pháp đã lập ra học bổng đồng hành tặng 24 suất cho những sinh viên nghèo học giỏi ở ngoại thành TP.HCM. Nguyễn Văn Cải tốt nghiệp Đại học Sư phạm đã lập chi hội khuyến học của trường PTTH nơi mình đang giảng dạy. Cứ thế, học bổng khuyến học khuyến tài đang được nhân lên theo nhiều cách làm từ một mô hình của chị Lê Minh Ngọc. Câu lạc bộ sinh viên nhận học bổng khuyến tài nay đã có đến 300 hội viên nhận học bổng từ 142 ân nhân và 25 đơn vị. Trong số này, 52 sinh viên đã tốt nghiệp, 6 sinh viên được đi du học, 5 sinh viên đang học cao học và 6 sinh viên đã được kết nạp vào Đảng.

 

Khắc sâu trong tôi là một thiên phóng sự của Đài truyền hình TP.HCM ghi lại hình ảnh người cán bộ Hội thật vô tư, thật tâm huyết Lê Minh Ngọc. Chiếc túi đeo trên vai, chân bước đi thoăn thoắt, chị đến tất cả những nơi cũng vô tư và tâm huyết như chị để xin học bổng. Tôi tin chị không đơn độc!

 

Tháng 11/2005

 

Lê Khắc Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.