Giáo viên đóng vai trò quyết định trong việc giảm tải

23/11/2005 22:31 GMT+7

Trong 2 ngày 22-23/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Đặng Huỳnh Mai đã đột xuất đi kiểm tra một số trường tiểu học của Hà Nội nhằm tìm hiểu những vướng mắc của giáo viên trong quá trình thực hiện chủ trương giảm tải chương trình tiểu học của Bộ Giáo dục - Đào tạo, sau khi báo chí phản ánh tình trạng giáo viên tiểu học vẫn đang loay hoay với bài toán giảm tải.

Hai trường tiểu học được Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai đến kiểm tra là Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) và Trường tiểu học Thành Công B (quận Đống Đa). Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai trực tiếp dự một tiết học môn Tiếng Việt lớp 4 và môn Toán lớp 2. Trong buổi họp rút kinh nghiệm với ban giám hiệu và giáo viên hai trường, khi được hỏi nhận xét về chương trình sách giáo khoa (SGK) mới, các cô giáo cho biết: chương trình SGK mới phù hợp với học sinh, tạo được sự hào hứng, sôi nổi của học sinh. Theo cô Nguyễn Thị Hoài Hương - giáo viên môn Tiếng Việt Trường Phan Đình Giót: "Chương trình SGK mới rất hay, học sinh dễ tiếp thu, không bị thụ động trong quá trình tiếp thu bài học".

Trao đổi với Thanh Niên cuối buổi kiểm tra ngày 22/11, Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai nói: "Hơn 20 năm nay giáo viên vẫn coi SGK là pháp lệnh, quá máy móc, rập khuôn theo SGK. Đã đến lúc phải gỡ bỏ tâm lý này. Sách giáo khoa viết nhiều nhưng giáo viên phải tự tin, mạnh dạn, thiết kế bài giảng phù hợp với trình độ của học sinh. Cụ thể, giáo viên phải

Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai: "Giảm tải không phải là vấn đề gì lớn lao hay phức tạp, mà giáo viên phải nắm được trình độ của học sinh để tìm ra phương pháp dạy hợp lý, chứ không cần phải máy móc làm theo SGK để áp đặt học sinh" .

nắm được tinh thần bài giảng để tìm ra phương pháp dạy hấp dẫn học sinh". Bà Mai dẫn chứng: "Tôi nhớ khi còn nhỏ đi học, hôm đó học bài nói về ý chí của con người, bạn tôi đứng lên giữa lớp kể: sáng nay đi học con bị con gà đá té ngã xuống kênh (vì đi cầu khỉ), nhưng con vẫn đến lớp ạ. Cô khen: thế là con là người có ý chí đấy. Câu chuyện nhỏ như vậy nhưng chúng tôi nhớ mãi bài học đó". Bà nhận xét: "Qua buổi kiểm tra ngày hôm nay tôi nhận thấy giáo viên vẫn có tâm trạng rất "sợ" nếu bớt bài sẽ bị đoàn kiểm tra dự giờ phê bình. Không thể đổi mới giáo dục nếu giáo viên vẫn quen với nếp nghĩ này. Sắp tới, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn để giáo viên hiểu rõ hơn phương pháp giảng dạy. Họ phải hiểu rằng, họ chính là người đóng vai trò quyết định cho bài toán giảm tải".

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng  khẳng định:  Giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy học. Cũng là một chương trình đó, một bài giảng đó, nếu giáo viên có phương pháp, biết cách giải quyết các tình huống sẽ làm cho tiết học sôi động, hấp dẫn, thay cho những giờ học nặng nề, khô khan. Cũng theo ông Tiến, trong cuộc họp mới đây với phòng giáo dục các quận, huyện để tìm ra các giải pháp giảm tải cho học sinh tiểu học,  Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo thống nhất không giao bài tập ở nhà cho học sinh tiểu  học; tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Cụ thể, giáo viên phải đưa ra phương pháp phù hợp trong từng tiết học, từng môn học, với cái đích là bài giảng phải nhẹ nhàng nhưng vẫn có kết quả; trao quyền chủ động trong hoạt động học tập của học sinh; tăng cường số học sinh được học 2 buổi/ngày. Ông Tiến tiết lộ: "Tôi đang có ý tưởng dành 1 tiết học ngoại khóa đối với học sinh học 2 buổi/ngày để học sinh học tập trong thư viện nhằm tăng cường kiến thức cho các em. Đây là một phương pháp hướng dẫn các em tự học, tự tìm hiểu và khám phá thế giới tri thức thông qua những chủ đề cụ thể. Dự kiến từ học kỳ 2 của năm học này  sẽ chọn mỗi quận một trường thực hiện thí điểm ý tưởng này".

Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai cho biết, trong tuần tới sẽ họp với Viện Chiến lược giáo dục và các tác giả sách để nghe Viện Chiến lược đề xuất giải pháp giảm tải chương trình tiểu học.

Thu Hồng

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM: "Giảm tải" tùy điều kiện từng trường, từng lớp

Mục đích của chương trình giảm tải ở bậc tiểu học - khuyến khích sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng như xây dựng phương pháp học tập chủ động sáng tạo cho học sinh - là rất cần thiết. Tuy nhiên theo tôi, chương trình giảm tải khi áp dụng phải tùy vào điều kiện từng trường, từng lớp, từng đối tượng học sinh, không thể thực hiện một cách máy móc. Trước hết, giáo viên nắm chắc mục tiêu, yêu cầu bài dạy đảm bảo kiến thức trọng tâm cho từng cấp lớp, từ đó mới hướng đến giảm tải. Thực tế cho thấy theo phân bố chương trình thì có nhiều môn học giáo viên chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức lý thuyết mà không có tiết để sửa bài cũng như ôn tập cho các em. E rằng như thế chúng tôi sẽ không yên tâm về kiến thức toàn diện vừa lý thuyết vừa thực hành của các em. Vì vậy, trường chưa thể thực hiện đồng loạt việc khoán chương trình cho giáo viên mà chỉ có thể thực hiện dần từng bước. Trước hết, chúng tôi khuyến khích giáo viên nếu thấy khả năng tiếp thu lớp nào khá thì chủ động phân bổ tiết học giảm tải cho hợp lý.

Cô Lê Thị Ngọc Linh, phụ huynh học sinh Q.Phú Nhuận: Vừa mừng, vừa lo

Tôi có nghe thấy chương trình giảm tải cho học sinh bậc tiểu học, tôi rất mừng vì không còn lo lắng khi con em mình buổi tối phải tối mắt tối mũi làm bài, học bài. Ngày trước cháu đi học về, tôi phải khuyến khích cháu tranh thủ từng giờ từng phút để học bài tránh việc thức khuya quá. Nhưng giờ đây, cháu đang học năm cuối bậc tiểu học mà lại thảnh thơi hơn nên cũng thấy lo. Lo rằng không biết như thế cháu có đảm bảo các kiến thức tiếp tục theo học lớp trên không? Nhất là việc có thời gian rảnh rỗi nhiều sợ các cháu chểnh mảng việc học. Nếu tình hình này kéo dài, chắc tôi sẽ tìm lớp học thêm cho cháu.

B.Thanh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.