Giảng viên Nhật Chiêu: “Con thuyền văn” trong giáo dục đang quá tải

12/09/2007 22:45 GMT+7

Hằng năm, cứ đến mùa thi, mùa tựu trường, những vấn đề về giáo dục lại được cả xã hội đem ra soi rọi: căn bệnh muôn thuở của giáo dục bao giờ mới được chữa khỏi? Liệu nó có thực sự nhẹ đi hay vẫn đang tiếp tục theo chiều hướng xấu? Từ sự kiên quyết của Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, các kỳ thi niên khóa này đã có được những kết quả gần thực chất nhất so với từ trước đến nay. Tuy đó là một kết quả khá phũ phàng nhưng mọi người lại dễ dàng chấp nhận, bởi nếu ngành giáo dục vẫn không chịu khai đúng bệnh thì khả năng khỏi bệnh là hầu như không thể.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của PV Thanh Niên với giảng viên Nhật Chiêu (ảnh), khoa Ngôn ngữ và Văn học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), về chuyện dạy và học văn trong nhà trường.

* Là một người thầy năm nào cũng chấm thi,  anh có thể nói gì về vô số bài làm không giống ai trong môn văn, một môn học góp phần quan trọng để  hình thành cái nhìn và nhân sinh quan của cả thế hệ trẻ?

- Dù không muốn, tôi vẫn phải nghĩ đến những sản phẩm kém chất lượng bày bán vô tội vạ vào những đợt hạ giá. Có điều, sản phẩm của chúng ta gồm những "nhãn hàng" rất cao cấp là  tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí giáo sư... cùng tích cực góp mặt trong những đợt hạ giá và hạ chất lượng kinh hoàng đó. Sau một buổi chấm thi, tôi tình cờ đi ngang một hè phố bày bán sơ mi hạ giá, nghe một khách hàng kêu ca với người bán: "Mấy cái áo này mục hết rồi, ai mặc nữa mà bán!". Thế mà, xã hội ta hiện nay vẫn đang phải chịu đựng nhiều tú tài, cử nhân, tiến sĩ... mà chất lượng chẳng hơn gì mấy cái áo đó.

* Anh có tin rằng, với những cố gắng chỉ đúng căn bệnh của nền giáo dục, việc dạy và học ở Việt Nam hy vọng đạt được những giá trị thực?

- Chỉ ra đúng căn bệnh mới chỉ là để biết thôi. Bởi nó cũng có thể chẳng khác gì những lời nói suông, như Hamlet đã nói giữa triều đình: "Lời suông, lời suông, lời suông!". Bệnh thì ai nấy đều biết rồi: dạy và học theo kiểu đối phó, chuộng thành tích, bán mua bằng “tại chức” (có chức vụ rồi thì kiếm cái bằng cho hợp lệ!). Đó là "tinh thần giáo dục" hiện nay của đại bộ phận thầy trò chúng ta. Nó chính là bệnh thắng lợi tinh thần, phải chăng?

* Học sinh - sinh viên chỉ là sản phẩm của cả một dây chuyền giáo dục từ tiểu - trung - đại học. Khi các em không được chuẩn bị đủ kiến thức, không được luyện phương pháp tư duy và không được chuẩn bị cả tâm hồn để thành một con người thực sự có vốn văn hóa nền vững chãi, ai sẽ là kẻ hứng chịu hậu quả?

- Ai sẽ hứng chịu? Giáo dục hỏng, xã hội phải hứng chịu, thế thôi. Tôi nhớ một chuyên gia giáo dục của UNESCO đã phát biểu về giáo dục Việt Nam: "Ước chi có đũa thần!". Giống như chuyện cổ tích vậy mà. Nhưng cũng từng có những cổ tích hóa thành hiện thực. Bài học thông thường của cổ tích là, phải biết chuyển hóa! Như Công chúa Tiên Dung đã chuyển hóa cuộc đời vô vị hư danh của mình thành cuộc sống chân thực giữa những con người chân lấm tay bùn, giữa thế giới rộng lớn, giữa tình yêu con người với thiên nhiên bình dị mà sâu thẳm. 

* Trong môn văn (là ngành học mà anh biết rõ nhất), anh có thể nói gì về những sai lầm trong phương pháp giảng dạy hiện nay, ở tất cả các bậc học?

- Văn trước hết là nghệ thuật, là cái đẹp. Sai lầm là ta luôn luôn bắt nó "chở" tất cả mọi thứ, bắt nó làm con thuyền tội nghiệp nhất trần ai. Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã nói rằng con thuyền này chở bao nhiêu "đạo" mà vẫn chẳng bao giờ "khẳm". Thực ra, thuyền nào chở quá tải mà có thể không khẳm? Con thuyền văn trong giáo dục của ta là một con thuyền quá tải. Nó chở tất cả mọi thứ, trừ cái cần nhất để hiện hữu: bản thân văn chương!

*  Từng có những cử nhân văn chương, cử nhân báo chí phạm những lỗi ngữ pháp, lỗi kiến thức sơ đẳng nhất khi sử dụng tiếng Việt. Liệu có thể làm gì để nâng cấp những sản phẩm không đạt chất lượng này?

- Chỉ có một cách: cho họ chuyển ngành, đi làm công việc khác thích hợp với mình. Văn chương, báo chí có gì để phải nhất thiết bám vào nó nếu nó không phù hợp với mình? Tôi từng nghe nhiều giảng viên văn học "tự hào" nói với mọi người rằng họ vốn giỏi cái khác, chứ chẳng ưa gì văn chương! Vậy sao không chịu từ bỏ nó? Vì nó nhàn, họ đáp! Bạn có thể đi hỏi nhiều người đang dạy môn văn, để nghe họ bộc lộ sự khinh miệt văn chương. 

* Anh có bao giờ xem kỹ các loại sách giáo khoa tiếng Việt ở tiểu và trung học, sách dạy văn chương tiếng Việt ở đại học (đều là loại độc quyền soạn thảo và độc quyền phát hành) đang được sử dụng?

- Thật tình tôi không đủ kiên nhẫn để xem kỹ các sách dạy văn chương tiếng Việt. Khi bạn uống một chén trà, bạn phải thấy hương trà, vị trà. Vậy mà tôi ít khi thấy được chất văn ở những bộ sách độc quyền ấy.

 * Vẫn có những học sinh- sinh viên thực sự xuất sắc trong một biển những đồng môn kém chất lượng của họ, theo anh là nhờ đâu?

- Bất kỳ một người thực sự xuất sắc nào cũng nhờ những cố gắng tự thân là chủ yếu. Đó là những tài năng. Ở đây, chỉ nên nói cái hướng chung mà nền giáo dục nhắm tới: đào tạo những con người có đủ năng lực và tâm hồn cho xã hội. Chỉ cần như thế, chỉ ước như thế. Còn những tài năng lớn thì bao giờ cũng tự lo được. Và họ không chỉ vượt đồng môn mà nhiều khi còn vượt cả thầy. Phúc cho xã hội nào mà trò thường vượt qua thầy, con thường hơn cha.  

* Tâm trạng hiện nay của anh, một người thầy đang giảng dạy văn học?

 - Với tất cả những gì bộc lộ ở trên, tôi vẫn không hề là người bi quan. Tôi luôn gần gũi với những người trẻ tuổi. Chính vì gần họ hơn là gần các quan chức trong ngành mà tôi biết rằng dưới đáy cái hộp giáo dục của chúng ta vẫn còn hy vọng, vẫn còn ánh sáng. Trong tia sáng hãy còn yếu ớt đó, tôi thấy có nhiều nụ cười rất trẻ, đáng tin cậy. Hy vọng rằng cái hy vọng của riêng tôi sẽ có được đường mà đi lên!                         

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.