Tình nguyện dạy chữ trên dãy Trường Sơn

18/11/2008 22:09 GMT+7

Tình nguyện dạy chữ cho đồng bào Rục, Sách... ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đã mấy chục năm, cấp trên cho về nhưng anh vẫn ở lại. Anh là Đinh Thanh Hướng, hiện đang dạy lớp 2 tại bản Ón.

Gian nan thuở ban đầu

Chúng tôi gặp anh ở bản Ón một chiều mưa, hơi lạnh tỏa ra từ núi đá xung quanh càng khiến cho khung cảnh núi rừng thêm buồn tê tái. Trong các phòng học, 21 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 của bản vẫn đang cùng thầy miệt mài đánh vần đọc chữ. Lớp của anh Hướng chỉ có 6 học sinh - trong đó có 5 em là dân tộc Rục. Đứng xem hết giờ học, tôi thật khâm phục nỗ lực của các em. Ở bàn thứ 2, bé Yến say sưa tập đọc như các bạn trong lớp. Gặp chữ khó, em dừng lại đánh vần một lần rồi đọc lại toàn bộ cho suôn đoạn.

Anh Hướng tâm sự: “Tôi tình nguyện lên đây, chỗ nào bà con cần mình cũng đi hết”. Ấn tượng ban đầu của tôi là giọng nói của anh đã “lai” giọng đồng bào dân tộc bản địa rất nhiều... Tháng 9.1985, anh lên Thượng Hóa. “Lúc đó làm gì có nhà cửa, đường sá như bây giờ. Chỗ này như một lòng chảo tách biệt với bên ngoài. Đi vào chỉ có cách leo vách núi và lội bùn ngập ngang gối. Mùa mưa thì thường xuyên bị cô lập vì nước nguồn đổ về dâng đầy các con suối. Khi tôi vào đây đã có 4 anh vào trước rồi. Cả khu định cư này của người Rục, Sách chỉ có một điểm trường chứ bây giờ đã có 3 điểm ở 3 bản. Chuyện vận động bà con cho con em đi học không phải ngày một ngày hai, hôm nay đi mai lại nghỉ. Lúc ấy chúng tôi phải cùng mấy đồng chí bộ đội biên phòng đến từng nhà, đi vào tận rẫy, tận hang bà con ở mà thuyết phục”.

Mấy năm đầu vào dạy, anh phải đi bộ từ nhà đến bản. Một cái xe đạp cũ anh cũng không có. Mà quãng đường đâu có gần, từ xã Yên Hóa quê nhà anh đến bản là 60 cây số. Thế nên nhiều lúc nhớ vợ con hay hết lương thực anh cũng đành chịu. Đi bộ ròng rã một ngày mới tới nơi, nhỡ có trục trặc gì lại không có ai dạy học trò. Anh luôn nghĩ vậy.

Mỗi lần lĩnh 40 đồng tiền lương, anh để ở nhà cho vợ con một ít, một ít lận lưng mua lương thực mang theo cùng với khoản 13 kg gạo/tháng. Ngoài giờ lên lớp, anh phải cuốc đất trồng rau, sắn, kiếm thêm cái ăn. Tằn tiện thì cũng có cơm có cháo qua bữa. Nhưng khi nào gạo cũng hết trước hạn, bởi bà con không có gạo ăn, thế là anh mang chia hết. Đến lúc anh và những giáo viên khác hết cái ăn thì bà con cho sắn, ngô, cho măng rừng. Cuộc sống nương tựa vào nhau cứ thế năm này sang năm khác. Anh nhớ có trận lụt kéo dài đến 10 ngày, mọi người ai cũng hết đồ ăn đành chia nhau vào rừng tìm rau, măng, bẫy thú mới cầm cự qua được.

Mong ước giản dị

Giờ đây bộ mặt bản làng đã khác nhiều do được sự đầu tư của Nhà nước, xe ô tô chạy vào tận bản. Nhưng khó khăn thì vẫn còn nhiều. Những người dạy cùng anh Hướng lần lượt đi chỗ khác. Mấy lần lãnh đạo ngành giáo dục huyện Minh Hóa đánh tiếng cho anh về xã gần nhưng anh xin thôi. Vợ anh ở nhà chăm 2 sào ruộng cũng muốn anh về. Anh thì một mực: “Mình còn sức lại quen môi trường nên ở lại đến khi nào hết sức thì thôi chứ.

Muốn dạy được chữ cho con em đồng bào thì mình phải biết tiếng họ, giờ ai lên cũng phải học tiếng khó khăn vất vả lắm, mình lại có thuận lợi nói được”. Đó là chưa kể những trận sốt rét liệt giường, giờ anh cũng quen luôn. Còn theo đồng nghiệp Đinh Tiến Phong, anh không về là do: “Anh về bà con buồn mà chúng tôi cũng buồn, bà con đã quen việc được anh chở đi trạm xá mỗi lúc đau ốm rồi”.

Anh tiễn chúng tôi về xuôi với mong muốn: “Học trò ngày xưa của tôi trong bản giờ có người đứng vào hàng ngũ chính quy của lực lượng biên phòng như anh Lĩnh, hay anh Tiến y sĩ... Ngày càng có nhiều con em đồng bào biết chữ để biết cách làm ăn, phát triển bản làng là mình hạnh phúc”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.