Người Việt tài trí: Nghệ sĩ vĩ cầm Việt định danh trên thế giới

27/04/2014 03:00 GMT+7

Nhiều nghệ sĩ violin Việt đã định danh trong các dàn nhạc giao hưởng lớn của thế giới. Họ là niềm tự hào của khí nhạc Việt Nam.

Nhiều nghệ sĩ violin Việt đã định danh trong các dàn nhạc giao hưởng lớn của thế giới. Họ là niềm tự hào của khí nhạc Việt Nam.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Khôi Nguyên (trái) và Lê Hoài Nam ảnh: nhân vật cung cấp

Cách đây ba năm, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam đã thực hiện chuyến lưu diễn lịch sử tại Mỹ. Và gương mặt nghệ sĩ solo duy nhất được đặt trọn niềm tin khi đó là Lê Hoài Nam, thành viên của Dàn nhạc Hong Kong Sinfonietta, giảng viên tại Học viện Âm nhạc Hồng Kông. Lê Hoài Nam sinh ra trong gia đình nghệ thuật, là con trai của nghệ sĩ violin Lê Hữu Nguyên. Ông là người đã khai mở cho anh con đường đến với âm nhạc cổ điển cùng với cây đàn violin. Từ khi mới 7 tuổi, Lê Hoài Nam đã bắt đầu theo học violin chuyên nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 2000, cậu sinh viên vừa tròn 20 tuổi đã vượt qua rất nhiều gương mặt xuất sắc ở các quốc gia châu Á để trở thành 1 trong 100 thành viên của Dàn nhạc trẻ châu Á (Asian Youth Orchestra). Cũng trong năm đó, sự nghiệp âm nhạc của Lê Hoài Nam đã rẽ sang bước ngoặt mới khi anh giành được suất học bổng tại Học viện Biểu diễn nghệ thuật Hồng Kông (HKAPA). Kết thúc 6 năm học, sau một kỳ thi tuyển ngặt nghèo, anh bắt đầu làm việc với Dàn nhạc Hong Kong Sinfonietta. Anh cùng ba người bạn thành lập tứ tấu dây RTHK thu âm cho Đài phát thanh và truyền hình Hồng Kông. Đến năm 2008, nhận lời mời từ Ban giám hiệu Học viện HKAPA, Lê Hoài Nam tham gia giảng dạy chuyên ngành violin và hòa tấu. Công việc hiện tại của anh gồm trình diễn và giảng dạy.

 
Tài năng ở Việt Nam chúng ta rất nhiều, cái cần phải chăng là những người đi trước có kinh nghiệm và uy tín để làm cầu nối, dẫn đường các bạn trẻ tới một cánh cửa bước ra sân chơi rộng lớn hơn

Lê Hoài Nam

Thuộc thế hệ đi trước Lê Hoài Nam, hai nghệ sĩ cũng là hai anh em trai Nguyễn Hữu Khôi Nguyên và Nguyễn Hữu Khôi Nam hiện đang là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Pháp (Orchestre

National de France). Vào những năm 1990, khi Liên bang Nga đang tạm khép cánh cửa với sinh viên từ các nhạc viện của Việt Nam, Nguyễn Hữu Khôi Nguyên đã nuôi ý định sang Paris (Pháp) tiếp tục học tập, điều mà trước đó ít ai dám nghĩ đến bởi các “thủ tục” gây rất nhiều khó khăn. May mắn và cơ duyên đến với Khôi Nguyên khi nghệ sĩ obois người Pháp Maurice Bourgue tới Việt Nam lưu diễn. Chàng sinh viên Việt có vóc người nhỏ nhắn nhưng có tiếng đàn gây ám ảnh mạnh mẽ đã khiến người nghệ sĩ Pháp nổi tiếng nhanh chóng đề nghị được “bảo lãnh” cho anh tới Paris. Và Nguyễn Hữu Khôi Nguyên trở thành người Việt Nam đầu tiên theo học tại Nhạc viện Paris sau khi đất nước giải phóng. Nguyễn Hữu Khôi Nam (violin), Lê Hồ Hải (piano), Tăng Thành Nam (violin), Trọng Bảo (viola) là những sinh viên Việt Nam tiếp theo ghi danh tại ngôi trường này. Trong đó, phải nhắc đến Khôi Nam như một hiện tượng hy hữu. Bởi ngay từ khi còn là cậu sinh viên năm thứ hai, anh đã bất ngờ trúng tuyển vào Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Pháp. Đây là giấc mơ lớn khó chạm tới với ngay cả các sinh viên bản địa. Vài năm sau đó, Nguyễn Hữu Khôi Nguyên tốt nghiệp cao học và trở thành thành viên người Việt Nam thứ hai của dàn nhạc. Hiện nay, anh đang giữ vị trí solist thứ ba (một vị trí quan trọng được tuyển chọn giữa các thành viên trong dàn nhạc).

Một tài năng âm nhạc Việt Nam hiện cũng đang sống và làm việc tại châu Âu là Lê Ngọc Anh Kiệt. Vừa tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM, Lê Ngọc Anh Kiệt đã nhận được học bổng tại Nhạc viện Leningrad (Liên Xô). Hoàn thành chương trình học, anh sống và làm việc tại Đức, đất nước gia đình anh định cư. Sau lần trở lại Nga, theo học thầy giáo - nghệ sĩ Bùi Công Thành, đến năm 1995, Lê Ngọc Anh Kiệt bắt đầu chơi trong dàn nhạc danh tiếng thế giới Berliner Symphoniker (Đức).  Đến năm 2007, tài năng được khẳng định qua thời gian đã đưa Lê Ngọc Anh Kiệt trở thành nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên thuộc biên chế chính thức của Berliner Symphoniker, một trong những dàn nhạc xuất sắc của thế giới.

Đi để trở về

Đến từ đất nước có nền âm nhạc cổ điển chưa phát triển, những sinh viên người Việt như Nguyễn Hữu Khôi Nguyên không tránh khỏi cú sốc lớn khi nhận ra sự chênh lệch trình độ lớn với sinh viên nước ngoài. “Nếu không dành trọn thời gian cho học tập thì không thể tiến bộ” - anh nhớ lại những ngày đầu đặt chân tới Paris. Và cậu sinh viên người Việt hiểu mình phải nỗ lực hơn bạn bè nhiều lần: “Hơn thua nhau là ở sự tập luyện. Muốn đàn giỏi phải luyện tập đến nhịn ăn, nhịn uống, nhịn ngủ”. Những năm tháng miệt mài luyện tập đã giúp cậu sinh viên hoàn toàn tự tin khi đứng cùng đồng nghiệp quốc tế: “Người Việt có độ nhạy cảm về âm nhạc không thua bất cứ nghệ sĩ ở quốc gia nào”.

Hiện nay hầu hết các dàn nhạc giao hưởng trên thế giới đều có thành viên đến từ nhiều quốc gia, cho thấy điều hiển nhiên: âm nhạc không phân biệt quốc tịch. “Trong môi trường làm việc của tôi, các nhạc công đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Ví dụ nhóm tứ tấu dây RTHK của tôi có bốn thành viên. Mỗi khi biểu diễn tại nước ngoài, chúng tôi lại cầm trong tay bốn quyển hộ chiếu với bốn quốc tịch khác nhau. Một nửa số nghệ sĩ trong dàn nhạc của tôi là người nước ngoài, và dĩ nhiên cơ hội luôn chia đều cho mọi người. Để có được vị trí trong dàn nhạc phụ thuộc vào sức làm việc và sự cố gắng” - Lê Hoài Nam nói. Sống và làm việc ở một đất nước không phải quê hương, bất cứ ai cũng phải làm quen với môi trường mới từ văn hóa, lối sống, đến ngôn ngữ, nhưng với anh “có một thứ mà không bao giờ cảm thấy bỡ ngỡ xa lạ là chơi đàn”.

Đi du học và quyết định sống, làm việc tại nước ngoài, mỗi cá nhân có những lý do khác nhau, nhưng họ đều đã trở về theo cách của riêng mình. Lê Hoài Nam, Nguyễn Hữu Khôi Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam, hay Lê Ngọc Anh Kiệt đều đã về quê hương trình diễn hay giảng dạy. “Mỗi cá nhân đều có hoàn cảnh, tư duy, nhận thức riêng. Còn tôi không quá chú trọng việc phải ở đâu hoặc phải quay trở về đâu khi còn sức trẻ. Quan trọng hơn đó là những đóng góp và cống hiến cho xã hội” - Lê Hoài Nam nói.

Những nghệ sĩ đã trở thành những cây cầu nối giữa nhạc cổ điển trong nước và quốc tế. Lê Ngọc Anh Kiệt đã đưa âm nhạc truyền thống của Việt Nam vào nhạc giao hưởng, giới thiệu tới công chúng thế giới. Anh cùng ba nghệ sĩ tài năng của Đức đã thành lập tứ tấu Besa. Bốn nghệ sĩ đều say sưa với nhạc dân ca Việt Nam và rất hứng khởi được đưa vào trong các buổi trình diễn. Không chỉ vậy, trong suốt nhiều năm, Lê Ngọc Anh Kiệt không ngừng nỗ lực để đưa Dàn nhạc Berliner Symphoniker (Đức) tới Việt Nam trình diễn. Và cách đây hai năm, anh đã thuyết phục được nhạc trưởng Lior Shambadal, khán giả nước nhà đã có cơ hội hiếm hoi được thưởng thức âm nhạc đỉnh cao với tài năng của những nhạc công trong dàn nhạc danh tiếng nhất thế giới.

Trong những lần trở về, các nghệ sĩ đã tham gia giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM hay Hà Nội. “Tài năng ở Việt Nam chúng ta rất nhiều, cái cần phải chăng là những người đi trước có kinh nghiệm và uy tín để làm cầu nối, dẫn đường các bạn trẻ tới một cánh cửa bước ra sân chơi rộng lớn hơn” - Lê Hoài Nam nói. Những người nghệ sĩ xa xứ đang có ý thức nhìn về, quan sát thế hệ bước tiếp sau họ.

Ngọc An

>> Người Việt tài trí: Người thầy của các thầy
>> Người Việt tài trí: Người đứng riêng trong mỹ thuật Việt
>> Người Việt tài trí: Người không sợ thất bại
>> Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.