Những vở diễn để đời - Kỳ 8: Bài ca giữ nước

19/05/2014 03:20 GMT+7

Bộ ba chèo Bài ca giữ nước của NSND Tào Mạt đã cất lên bản hùng ca với bộn bề góc nhìn. Nhìn ra mặt trận và cả cái nhìn vào chính tâm can người ở nhà.

 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 7: Nỏ thần
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 6: Tâm sự Ngọc Hân

Hoàng hậu Thượng Dương trong Bài ca giữ nước - Ảnh: tư liệu
Hoàng hậu Thượng Dương trong Bài ca giữ nước - Ảnh: tư liệu


Khi nhân vật trung tâm Hề Hoạn đứng trên sân khấu của Ỷ Lan nhiếp chính, ông dường như là chính soạn giả Tào Mạt. Say lảo đảo đấy nhưng nhìn thấy, thấu hiểu mọi chuyện đang diễn ra trong cung cấm, với vận mệnh quốc gia. Nhân vật đầu tiên mà hề soi thấu chính là “chú khách” từ Trung Hoa sang buôn bán. Tiếng là buôn bán, nhưng sự thật là “Ngộ sang dò la tin tức. Giả làm khách buôn, ngộ lo việc nước vì cái Tống triều... Muốn cướp cái nước người thì phải vào tận tổ. Nội kích ngoại công. Thôn tính không xong thì ta quấy rối, làm cho mà suy yếu...”.

Bài ca giữ nước của Tào Mạt kể lại nhiều cuộc đời, trong đó Hề Hoạn là nhân vật xuyên suốt, đi qua nhiều biến cố. Cả ba vở Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính và Lý Nhân Tông học làm vua đã vắt qua một thời kỳ lịch sử đầy xáo động của thời Lý. Và khi xâu chuỗi cả ba vở chèo vào nhau thành một bộ, Tào Mạt đã làm được điều trước đó chèo chưa có. Đó là soạn được một pho chèo. Trước kia, chỉ có tuồng có pho còn chèo vẫn chỉ là từng tích vở. Bộ ba chèo cũng có sự đồ sộ của chi tiết, dày dặn của chèo được bẻ làn nắn điệu rất dân gian theo cách của Tào Mạt. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, tuy không còn cách ngẫu hứng ứng đáp của chèo cổ nữa, Bài ca giữ nước vẫn có các điệu chèo hay. Tránh được cái bẫy kịch nói pha chèo, nó là một chuẩn mực của chèo cải tiến.

Trên cái nền âm nhạc trác tuyệt đó của dân tộc, điều lớn hơn của Bài ca giữ nước là việc nhìn câu chuyện chống xâm lược. Góc nhìn này của Tào Mạt đặc biệt khác nếu so với cải lương. Những vở cải lương để đời như Nhụy Kiều tướng quân, Trần Quốc Toản ra quân... đều có cái nhìn về sự hy sinh hào sảng. Ở đó, nhân vật sáng rực lên với lòng trung, sống chết coi thường để đối mặt với tàn bạo. Họ không bị thử thách bởi sự giả trá, thâm hiểm. Họ càng không phải đối diện với “giặc ở sau lưng nhà vua” như kiểu hoàng hậu Thượng Dương - đã bị giặc mua chuộc, dụ dỗ mà mất đi tỉnh táo. Những mâu thuẫn của hoàng hậu thoạt tiên chỉ là ưu tư rất cá nhân, đã bị chúng thổi lên bừng bừng rồi dắt lối, ép buộc thành việc phản vua, phản quốc. Với Bài ca giữ nước, việc giữ nước đã là trên mọi mặt trận, chiến trường, không loại trừ đầu não của hậu phương.

Với cái nhìn sắc sảo ấy, Tào Mạt mới có những trích đoạn chèo mẫu mực như Ỷ Lan vi hành, hay Chôn hề. Đặc biệt với Chôn hề, sự gian nan của bài ca giữ nước, diệt Tống đã lên đến đỉnh cao. Ở đó, Hề Hoạn đã trả giá cho sự thẳng thắn của mình bằng cái chết. Ông cũng chọn cái chết để người nhà những kẻ được cử đi giết mình khỏi liên lụy. Nhưng lớn hơn, hề chết để được trọn vẹn sống với lẽ sống của mình - là nhân dân, là Tổ quốc.

Còn kẻ nhố nhăng thì lại nảy ra hề

Ở trích đoạn Chôn hề, người xem mới biết chuyện Hề Hoạn chính là người đã được thái úy Lý Thường Kiệt cử vượt sông để ngâm lên bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Nhưng bao năm dài sống không vợ con, không tiền bạc, ông không hề tiết lộ. Đáp lại câu sao không tâu lên nhà vua mà lĩnh thưởng, Hề Hoạn nói: “Quan thái úy có dạy rằng, nếu tâu lên dẫu có được thưởng công nhưng thần linh bớt thiêng, dân bớt tin mà giặc cũng bớt sợ thì có hại cho nước. Giặc Tống đâu chỉ định đánh ta có một lần”.

Tới ranh giới tận cùng cuộc sống, trong tay vẫn bầu rượu, Tào Mạt đã để Hề Hoạn nói nhặt nói khoan: “Quan có nịnh có trung. Hề có trung có ngụy. Thấy kẻ rong chơi ăn bám tham lam ta cười tủm cười ruồi. Thấy kẻ nịnh nọt gian ác ta cười khinh cười bỉ. Thấy kẻ nhố nhăng ta cười ầm cười ĩ. Thấy chuyện bất công ta cười đắng cười cay. Ta cười cho sáng lẽ dở hay, kẻ gian hoảng vía người ngay hả lòng...”.

Đối mặt với của cải, cái chết như thế, Hề Hoạn hiện rõ mình là một trung thần nghĩa sĩ của dân gian. Những lời hát trong nhân dân đã tụ cả lại trong từng lời ông nói. Về trung, về ngụy. Về giặc giã, về non sông.

Cũng với chính tinh thần nhân dân ấy, khi đã chọn cái chết vì lẽ sống, Tào Mạt cũng để Hề Hoạn tự vẽ lên cuộc đời sau cái chết của mình. Cuộc đời sau của Hề Hoạn vẫn không bao giờ nguôi nỗi lo đất nước, cũng chẳng bao giờ hết hy vọng tương lai. Hề Hoạn trối trăng những lời sau cùng: “Hề không đẻ được ra hề con, Nhưng đời nào cũng có hề. Ta là kẻ đi góp nhặt tiếng cười trong thiên hạ. Nếu còn kẻ nhố nhăng trong thiên hạ thì dân gian lại nảy ra hề”.

Xem Bài ca giữ nước, không chỉ có cảm giác hào hùng. Xem bộ ba chèo còn để giật mình.

Trinh Nguyễn

 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 5: Lam Sơn tụ nghĩa
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 4: 'Bão táp Nguyên Phong
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa
 >> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
 >> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.