Anh có thích nước Mỹ không ?

14/03/2014 10:05 GMT+7

(TNTS) Nhân dịp vẫn còn đang cơn hưng phấn hậu Oscar quần là áo lượt và tiệc tùng long trọng, mạn phép mượn lời tên sách của Tân Di Ổ để đặt cho đời câu hỏi vu vơ: Anh có thích nước Mỹ không?

(TNTS) Nhân dịp vẫn còn đang cơn hưng phấn hậu Oscar quần là áo lượt và tiệc tùng long trọng, mạn phép mượn lời tên sách của Tân Di Ổ để đặt cho đời câu hỏi vu vơ: Anh có thích nước Mỹ không?

 Anh có thích nước Mỹ không ? 1

Người ta thường được thấy nước Mỹ lộng lẫy với những tòa nhà chọc trời vươn mình kiêu hãnh mà quên đi một phần hay ho khác, dĩ nhiên nó chỉ nên gọi là hay ho trên màn ảnh, đó là nước Mỹ của hoang mang, chán chường. Có thể thấy rõ điều này qua Oscar vừa rồi, có rất nhiều những The Wolf Of Wall Street, American Hustle... miêu tả một nước Mỹ ồn ào, sôi nổi, trụy lạc, song lại rất ít Nebraska phác họa chân dung một nước Mỹ u buồn đầy rẫy những gã đàn ông ì ạch, thất bại, vô công rỗi nghề. Việc mặc định nước Mỹ cũng tương tự việc trong suốt thời gian dài người ta say sưa mặc định những chàng cao bồi miền viễn tây xứ sở cờ hoa vậy, hễ cao bồi là phải gắn liền các cuộc xung đột, đấu súng, tinh thần nghĩa hiệp, phóng khoáng...

Thực tế, điện ảnh đã dành hẳn một phần đất gọi là phim viễn tây để phô trương tất cả đặc điểm ấy. Một ngày của năm 1969, đạo diễn John Schlesinger đã đập vỡ mọi nguyên tắc và hình ảnh của cao bồi viễn tây, cũng như sự hào hoa và tự do của nước Mỹ. Midnight Cowboy ra đời, ngoài việc giữ lại những góc máy toàn rộng như hầu hết các phim viễn tây để lột tả sự mênh mông của khung cảnh cùng cái tên phim khơi gợi thì mọi thứ trong phim đã vượt ra khuôn khổ một tác phẩm viễn tây. Bên cạnh đó, chuyện một tác phẩm bị dán nhãn X đoạt đến 3 giải Oscar đã khiến Midnight Cowboy trở thành hiện tượng, và cho tới bây giờ, Midnight Cowboy vẫn được xếp là một bước ngoặt đáng nhớ của lịch sử điện ảnh thế giới.

 Anh có thích nước Mỹ không ? 2

Midnight Cowboy quá trần trụi đã nện thẳng vào hộp sọ của người xem thứ cảm xúc chát chúa và mệt mỏi, cộng hưởng những phân đoạn tưởng chừng lê thê, mặc dù phim không một tiếng súng. Ở phần đầu phim, ngay sau bản nhạc rộn ràng kết thúc, Joe Buck, chàng cao bồi rởm đem đến cho người xem niềm tin về một miền đông hứa hẹn. Chàng cao bồi của chúng ta không chăn bò, không bắn súng, không bí ẩn, không gì hết, Joe Buck đơn giản làm công việc rửa chén tại một nhà hàng miền tây. Ngoại hình và giọng nói quê sệt, Joe Buck càng chứng tỏ mình hồn nhiên hơn khi anh hứng khởi chia sẻ kế hoạch tương lai của mình với gã bạn làm chung chỗ rằng, hắn sẽ đi New York kiếm tiền bằng nghề đĩ đực. Thế là, hắn nhảy lên chuyến tàu mang tên giấc mơ Mỹ, và giống như bao giấc mơ Mỹ khác, giấc mơ của hắn vốn mang nhiều dự cảm đau thương. Joe Buck mũ phớt, áo bò, quần loe trông tựa con vẹt đỏm dáng đương háo hức tinh thần mồi chài các quý bà thành thị. Rõ là một cú tát vào hình tượng cao bồi. Joe Buck nghĩ, dáng vẻ cao bồi lực lưỡng sẽ giúp hắn kiếm tiền dễ dàng hơn.

 

Midnight Cowboy được đạo diễn John Schlesinger làm năm 1969 dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của James Leo Herlihy. Phim có sự tham gia của hai ngôi sao điện ảnh là Jon Voight và Dustin Hoffman. Midnight Cowboy giành được 3 giải Oscar, bao gồm: Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.

Và rồi, giống một gã nhà giàu lạnh lùng tàn nhẫn, New York nhanh chóng đá hắn từ khách sạn xuống lề đường giữa mùa đông giá buốt, sau khi bị một cô gái điếm chơi xỏ, một tên lưu manh lừa tiền và cơ số bài học vỡ lòng ở mảnh đất phồn thịnh này. Chàng cao bồi nhà quê ngây ngô phút chốc đứng bên lề xã hội, không nơi chốn, không việc làm, phải vào rạp chiếu bóng bán dâm cho một tay đồng tính không xu dính túi.

Song như thế vẫn chưa được gọi là tột cùng của sự khốn nạn. Nếu Joe Buck là chàng nhà quê lên tỉnh thì Ratso, tên lưu manh lừa đảo cuối cùng trở thành bạn đồng hành bất đắc dĩ của Joe Buck lại mang số phận có phần nghiệt ngã hơn. Ở một phân cảnh, đoạn Ratso dắt Joe ra chợ khu người Ý nhập cư để chôm chỉa thực phẩm, một mảng cuộc đời của những con người vô gia cư trên đất Mỹ được điểm qua. Đừng quá ám ảnh những phim mafia hoành tráng của Martin Scorsese, hoàn cảnh người Ý nhập cư của Midnight Cowboy chật vật và lay lắt lắm, đơn cử là anh bạn Ratso thọt chân. Trong khi New York nhộn nhịp với sàn chứng khoán sôi động, hai kẻ vô danh giữa miền đông nước Mỹ không kiếm nổi bữa ăn qua ngày. Mùa đông phủ dày thành phố, phủ lên họ sự tuyệt vọng. Ánh mắt ê chề của Joe, ánh mắt đầu hàng của Ratso, hai số phận lẻ loi gặp nhau nơi xó xỉnh cuộc đời không thể làm nên kỳ tích. Nửa sau phim gần như bị bao trùm bởi màu đen của bóng đêm, và mùa đông thì vẫn cứ dai dẳng.

Nhiều người cho rằng, Midnight Cowboy có lối kể chuyện khá dài dòng khiến khán giả ít nhiều có cảm giác bứt rứt. Đứng nhìn ở góc độ khác, kiên nhẫn và bình tĩnh hơn, đạo diễn John Schlesinger đã thực sự đưa được người xem vào cái vòng số phận vừa lẩn quẩn vừa sống động của những mảnh đời trong câu chuyện, ví dụ đoạn Ratso làm đồ ăn, chia đồ ăn, ăn đồ ăn... tại căn chung cư bị bỏ hoang trông vừa dơ bẩn vừa hôi hám. Tất cả chi tiết đó hỗ trợ nhau tạo nên trải nghiệm chân thật cho người xem. Cũng như hai gã bần hàn ấy, hẳn người xem đã ao ước thoát ra những dồn nén kinh khủng kia, để khi chuyến xe đò chạy tới vùng Florida tươi mát, người xem cảm giác được từng tia nắng hong khô cơ thể ẩm mốc của Ratso và cứu rỗi linh hồn thương tổn của Joe. Một cuộc tháo chạy khỏi New York trong đêm, khoảnh khắc mà Ratso lấy hết sức tàn gục lên vai Joe mơ tưởng về miền nắng ấm, nơi duy nhất Ratso dám ngẩng đầu bằng cái tên Rizzo khai sinh của mình.

Này thì New York hào hoa. Này thì nước Mỹ tự do. Người ta vốn đâu thể hào hoa hay tự do khi còn bị chính miếng cơm manh áo cầm tù, phải không?

Ngân Vi

>> Thật như cái chết
>> Dân mạng chia buồn cùng Leonardo Dicaprio hậu Oscar
>> 12 years a slave' làm nên lịch sử Oscar
>> Ngắm sao Hollywood rạng rỡ trên thảm đỏ Oscar 2014
>> Những bộ phim gây tranh cãi trong lịch sử Oscar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.