“Việt kiều” Pomonti

12/12/2010 10:23 GMT+7

Nhà báo Pháp kỳ cựu Jean Claude Pomonti đã trở nên quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam, từ những phóng sự hơn 30 năm trước về chiến tranh đến các cuốn sách viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.

Cuối tháng 11 vừa qua, nhà báo Jean Claude Pomonti đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa Pháp để ra mắt cuốn sách Hà Nội của ông và nhiếp ảnh gia Nicholas Cornet.
 
Hơn 3 năm nay, tôi không gặp lại ông kể từ buổi  ra mắt cuốn sách Một người Việt Nam trầm lặng viết về nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn, cũng tại Trung tâm Văn hóa Pháp này. Trông Pomonti gầy hơn nhưng ông vẫn ung dung, bình thản và ít lời.
 
Thành phố hấp dẫn
 
Hà Nội là cuốn sách thứ hai Jean Claude Pomonti viết về Việt Nam, mảnh đất mà có lần nhà báo kỳ cựu này đùa là đã chọn ông và ông cũng đã chọn nó để gửi gắm lòng mình.
 
Cuốn sách thể hiện ấn tượng của người đã có mấy chục năm biết về Hà Nội, đã len lỏi vào từng ngóc ngách để tìm ra vẻ đẹp tiềm ẩn, thăng trầm của thủ đô 1.000 năm tuổi.
 
Tôi thắc mắc vì sao Pomonti lại đồng ý viết lời bình cho cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Cornet, ông cười ý nhị: “Đơn giản lắm, chỉ vì cuốn sách quá hay nên tôi không thể chối từ”.
 
Dường như cảm thấy lý do ấy chưa thuyết phục, ông lại giải thích: “Đối với tôi, Hà Nội là một trong những TP hấp dẫn nhất trên thế giới. Các khu phố cũ trong trung tâm Hà Nội rất đẹp. Nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt nhất để nói về TP này”. 

Theo Pomonti, phải dành thật nhiều thời gian, phải bách bộ đến từng ngõ hẻm, phải thăm viếng các chùa chiền, phải biết cách phát hiện được những vẻ thâm trầm tiềm ẩn, những thứ đã làm nên dáng mỹ miều của Hà Nội muôn thuở... thì mới thấu hiểu được điều hấp dẫn của thủ đô Việt Nam.
 
Có lẽ vì vậy mà trong Hà Nội, ông viết cả về cơn lạnh thấu xương hay đợt mưa phùn dai dẳng của TP, khi người đi đường phải trùm những chiếc mũ len trông chẳng mấy đẹp mắt.
 
Pomonti cho rằng Hà Nội không phải là cuốn sách để quảng bá cho du lịch hay lịch sử thủ đô Việt Nam mà là sự kết hợp hài hòa giữa ảnh và lời bình, phản ánh tinh thần của người Hà Nội.
 
Trong đó, tác giả như cố phân giải thế nào là người Hà Nội “gốc” và người Hà Nội mới. Với cái nhìn sắc sảo của một nhà báo có vài chục năm hành nghề và hàng chục lần đến với thủ đô Việt Nam, Pomonti nhận xét: “Giờ thì ở Hà Nội ít có người từ 3 thế hệ trở lên. Có nhiều người Hà Nội đến từ các tỉnh lân cận, hoặc thậm chí là miền trong.
 
Những người này đều muốn giữ gìn gốc gác của mình. Có thể gọi họ là người sống ở Hà Nội chứ không phải là người Hà Nội. Điều này có thể cho thấy Hà Nội là TP có nhiều biến chuyển lịch sử, đặc biệt từ giữa thế kỷ XX”.


Bìa cuốn sách Hà Nội Một người Việt Nam trầm lặng

 
“Định mệnh” với người bạn tâm giao
 
Có mặt ở Việt Nam từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước với tư cách là phóng viên tờ Le Monde của Pháp, Jean Claude Pomonti từng được giải thưởng báo chí Albert - Londres năm 1973 về những phóng sự phản ánh cuộc chiến tranh ở VN. Những bài viết với cách phân tích sắc sảo của Pomonti  về chính quyền Sài Gòn đã khiến ông lao đao, bị trục xuất khỏi miền Nam 2 lần.
 
Pomonti cho biết trong thời gian làm việc và sinh sống tại miền Nam, có lẽ ấn tượng lớn nhất của ông là cuộc gặp gỡ “định mệnh” với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.
 
Pomonti xem nhà tình báo của Việt Nam như một người bạn tâm giao, một đồng nghiệp chí tình, thậm chí là một người thầy. Ông nhận xét: “Trong quá trình tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn, đặc biệt là trong 15 năm cuối đời của ông, tôi thấy ông là một người cực kỳ thông minh, trung thực và có khả năng phi thường. Ông ấy phân chia các lĩnh vực cuộc sống một cách rạch ròi. Phạm Xuân Ẩn làm tình báo mà không ai biết và ngoài đời ông ấy cũng sống rất khác”. 
 
Ông Pomonti nhớ lại thời gian hai người gặp nhau: “Trước năm 1975, ông Ẩn làm việc cho văn phòng tạp chí Time của Mỹ. Văn phòng đặt ở hai phòng nằm kế nhau tại tầng một khách sạn Continental ở Sài Gòn.
 
Tôi cũng làm việc ở tầng ba khách sạn này. Ở đó, ai cũng biết đến ông Ẩn như là một người nhã nhặn, chín chắn và trầm lặng. Ông ấy thường tán gẫu với đồng nghiệp ở quán cà phê kem Givral nằm bên kia đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi”. 
 
Tôi là Việt kiều vì được cấp visa của Việt Nam 5 năm liền.

(Nhà báo Jean Claude Pomonti)

Nhắc đến cá tính của ông Phạm Xuân Ẩn, ông Pomonti tỏ ra rất khâm phục: “Là người rành tiếng Pháp và tiếng Anh, ông Ẩn rất sẵn lòng giải thích hay khuyên bảo bất kỳ điều gì chúng tôi thắc mắc, băn khoăn. 
 
Những phân tích của ông về chính sách của Mỹ hoặc về khả năng của chế độ Sài Gòn rất rõ ràng, súc tích”. Khi gặp ông Ẩn, Jean Claude Pomonti chỉ là một phóng viên mới vào nghề, còn nhiều bỡ ngỡ.
 
Ông đã được nhà tình báo của Việt Nam giải thích tình hình thời sự lúc đó bằng những lời bình luận sắc sảo, nhạy bén. “Tôi không hề hay biết bạn mình chính là một nhà tình báo không lộ diện” – Pomonti xúc động.
 
Pomonti nhớ từng cử chỉ hằng ngày của ông Ẩn: “Ông đứng dậy lấy từ trong tủ hai cái tách để sẵn phin cà phê, theo thói quen của người Việt Nam từ thời Pháp thuộc.
 
Cung cách mộc mạc của ông không khỏa lấp một điều mà tôi vẫn tin chắc: Trước mặt tôi là một nhân vật phi thường... Ở ngõ vào và trên cửa sổ nhà ông Ẩn đều có treo lồng chim.
 
Tiếng chiêm chiếp của chúng, mà ông Ẩn bắt chước rất tài khi còn đủ hơi, phủ bớt phần nào tiếng ồn từ đường phố. Có thể là tiếng chiêm chiếp của chim tạo nên một sự bình lặng, một màn ảnh”. Theo ông Pomonti, khác với nhiều người Việt Nam khác, ông Ẩn không mang trong người một hồn thơ lãng mạn. “Vậy mà người điệp viên này đã dám thách thức cả nước Mỹ” – ông Pomonti thán phục...
 
Từ năm 1991, nhà báo Jean Claude Pomonti sinh sống ở Bangkok – Thái Lan. Tại đây, ông sáng lập tờ Tiêu điểm châu Á và đã có những bài viết đặc sắc, cô đọng phân tích về diễn biến phát triển tại các nước Đông Nam Á. Ông đã nghỉ hưu 4 năm nay và vẫn đi đi về về Việt Nam như thể nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.

Từ Phạm Xuân Ẩn đến Hà Nội

Hà Nội dày hơn 100 trang, chia làm 4 phần. Trong đó, một phần là sự lồng ghép giữa hiện thực và huyền thoại của thủ đô Việt Nam với nhiều hình ảnh rùa, voi... nói lên những miền ký ức sâu thẳm của người Hà Nội và tâm linh của họ.
 
Cuốn sách cũng nêu lên những thách thức mà Hà Nội phải đối mặt khi mở mang để trở thành một đô thị lớn. “Hà Nội ngày nay hoàn toàn khác biệt với Hà Nội qua các trang văn cũ (của Thạch Lam, Vũ Bằng - PV).
 
Trừ vài nơi ở trung tâm, di tích thành cổ hay khu phố còn giữ được sắc thái riêng của Hà Nội, còn thì Hà Nội ngày nay là một TP mênh mông. Từ năm 2008, diện tích của Hà Nội đã tăng gấp 3 lần.
 
Hà Nội hiện là một TP với 2 sắc diện: Vùng canh tân đang được xây cất và vùng thành cổ còn giữ những nét của Hà Nội xưa kia” - nhà báo Jean Claude Pomonti viết trong Hà Nội.
 
Trước đó, đầu năm 2006, Pomonti có dịp quay lại Việt Nam. Ông đã dành hẳn một tháng để nghe rồi ghi chép những điều nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn kể về cuộc đời mình.
 
Nửa năm sau, Pomonti cho ra đời Một người Việt Nam trầm lặng nói về cuộc đời của nhà tình báo Việt Nam tài ba. Pomonti cho biết khi cuốn sách ra đời, ông đang ở Bangkok và đã gọi điện cho ông Ẩn.
 
Ông Ẩn chỉ nói: “Cuốn sách của anh được đấy”. Đối với Jean Claude Pomonti, đó là lời khen tặng mà ông quý nhất bởi theo ông, Phạm Xuân Ẩn là nhân vật tuyệt vời, rất đặc biệt và là một điệp viên hoàn hảo.
 
“Cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt tại Pháp. Báo chí Pháp cho biết cuốn sách đã giúp họ phát hiện một nhà tình báo tuyệt vời không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới” - ông Pomonti nói.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.