Rừng gỗ quý Macoiih sắp qua đời!

29/10/2006 10:05 GMT+7

Đầu tháng 10 đến nay, nhiệt độ cuộc săn tìm gỗ quý ngày càng cao tại khu vực xã Macoiih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Lâm tặc đã lợi dụng thời gian có bão Xangsane để hành sự và đến nay hàng trăm người khai thác, mua bán gỗ đến từ một số tỉnh Bắc Trung bộ vẫn chưa chịu rút quân...

Hiếm nhưng là gỗ gì?

Một hôm có tin nóng từ Ái Nghĩa: “Tại xã Đại Lãnh người dân trúng gỗ huỳnh đàn, giá 800 triệu đồng/khối. Công an, kiểm lâm đang vào cuộc”. Chúng tôi kiểm tra ngay thông tin này với ông Diệp Thanh Phong, Chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam. Ông xác nhận một nửa: “Do xã Cà Dăng của Đông Giang giáp ranh với xã Đại Lãnh của Đại Lộc nên có thể lâm tặc chuyển gỗ theo đường đó. Đội kiểm lâm cơ động đã phối hợp với đội liên ngành của huyện Đông Giang tiến hành tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Nhưng không phải gỗ huỳnh đàn (hay hoàng đàn) mà là trắc thối (còn có tên gỗ sưa, sưa trắng, trắc). Nó có giá trị rất cao. Đây là một loại gỗ quý hiếm, có mùi thơm, kỵ muỗi, kỵ gió độc và chỉ mọc trên núi đá vôi như ở A Sờ”. 

Tối cùng ngày, chúng tôi có mặt tại ngã ba thôn A Sờ, xã Macoiih, huyện Đông Giang. Đội kiểm tra liên ngành đang chặn bắt một xe ben bị nghi chở gỗ. Người đến xem khá đông. Họ xì xầm trên xe có hai súc gỗ huê. Cuối cùng, một người mập mạp, vận áo đen xuất hiện và chiếc xe được giải tỏa. Đến 3 giờ 30 sáng, một xe tải và nhiều xe máy từ phía làng tái định cư Pache - Palanh ì ạch chở gỗ ra đường Hồ Chí Minh mà không bị ngăn chặn. Từ trong làng A Sờ, chúng tôi nghe tiếng xe rì rầm rất rõ!


Gỗ giáng hương/huê mộc bị tịch thu

Theo ông Alăng Ban, chủ tịch UBND xã Macoiih, trước bão Xangsane vài hôm có nhóm thanh niên đi xe gắn máy biển số 75 mang mẫu gỗ vào thuê người Kinh đi tìm, tiền công cao vọi: 200.000đ/ngày. Họ nói gỗ huê, còn đồng bào C’tu gọi tên cây “toong”. Một số lái gỗ úp mở “huê là huỳnh đàn”. Nhóm này còn rất tự nhiên đến hạt kiểm lâm huyện hỏi thủ tục mua “gỗ rục, củi mục” khai thác từ lòng hồ thủy điện A Vương. Thành, một trong 3 thanh niên còn để lại số điện thoại cho hạt với ý định mời cán bộ kiểm lâm đi nhậu nhưng bất thành! Thế rồi, nạn khai thác gỗ diễn ra ì xèo. Đến sau bão Xangsane, hạt kiểm lâm mới té ngửa ra, gỗ rục, củi mục chính là gỗ quý!

Nhưng đó là gỗ gì? Để xác định, mới đây hạt kiểm lâm Đông Giang đã cử cán bộ pháp chế Lê Hoàng Sơn mang mẫu gỗ, tiêu bản lá bay ra Hà Nội. Sau khi giám định, Viện Khoa học Lâm nghiệp VN cho biết, không phải trắc thối cũng không phải huỳnh đàn mà là giáng hương, tên khoa học Pterocarpus macrocarpus Kurz. Nó đã được xếp hạng nguy cấp, quý hiếm tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/03/2006. Theo ông Đỗ Văn Bản, Trưởng phòng Tài nguyên thực vật rừng của Viện và là người trực tiếp giám định gỗ, tại một tài liệu cổ của Trung Quốc, từ tinh dầu giáng hương có thể trích xuất hoạt chất khống chế sự phát triển của tế bào ung thư. Còn thương nhân Trung Quốc mua về bên đó để làm gì thì ông không rõ! Tra cứu của chúng tôi cũng cho thấy, gỗ giáng hương đã được người Việt biết đến từ xưa trong một số bài thuốc, trong nghệ thuật chế tác tượng thờ, đặc biệt giáng hương còn được ví với mùi hương thanh tao của con gái dậy thì và dùng để đặt tên những người đẹp lừng danh như nàng Giáng Hương trong chuyện xưa Từ Thức... Mới mẻ hơn, tinh dầu giáng hương còn góp phần tái tạo làn da mới trong một bài thuốc thời hiện đại.

Điểm nóng Macoiih


Tác giả (phải) cạnh cây gỗ quý duy nhất trên đỉnh núi A Sờ
Tại bản giám định số 747/ KHLN-KH ngày 24/10 của Viện Khoa học Lâm nghiệp VN thấy ghi “giáng hương/huê mộc”. Có phải huê mộc là tên gọi khác của giáng hương? Nếu vậy, cách gọi gỗ huê của nhóm thanh niên đi xe biển số 75 đến Macoiih thuê người khai thác là không sai. Vì giá gỗ huê quá cao nên xã Macoiih nhanh chóng thành điểm nóng. Tính riêng ngọn A Sờ, đã có khoảng 15 cây bị triệt hạ. Chưa hết, hàng trăm người ngoại tỉnh còn hoạt động ở Cổng Trời, trên những ngọn núi đá cách làng tái định cư Pache - Palanh khoảng 1 km và ở tận Hang Dơi xã Macoiih. Để thu tiền tỷ, lâm tặc không từ thủ đoạn nào, nhất là khi bị kiểm lâm truy đuổi trên đường chở gỗ. Gần đây, 2 kiểm lâm viên Nguyễn Văn Đài và Lê Hoàng Hải của Hạt kiểm lâm huyện Nam Giang đã bị một nhóm thợ rừng đẩy gỗ xuống đường gây trọng thương. Ngoài ra, chúng còn mua chuộc, hăm dọa người dân trong vùng khi hành sự... phá rừng.

Mới đây, khoảng 7 giờ tối, chúng tôi nhận được cú điện thoại của một cộng tác viên gọi từ chân núi đá A Sờ: “Bọn hắn gồm 3 tên, mang theo cưa lốc và xăng. Có thể đêm nay cây gỗ huê sẽ không qua khỏi”. Đó là cây gỗ to nhất cheo leo trên đỉnh núi, chiều hôm trước chúng tôi đã chụp hình. Thắc thỏm, tôi điện cho một kiểm lâm viên. Anh đang đi tìm ông chủ tịch xã Alăng Ban. Lúc sau, lại có tin: “Kiểm lâm công an có tạt vào rồi đi, nói để đó bắt quả tang. Thấy kỳ kỳ, hai du kích C’tu cùng mấy anh em trong làng phải thức suốt đêm để giữ cây. Nhóm lâm tặc coi bộ chẳng ngán ai, cứ rọi pin tìm cây và nổ máy cưa lốc. Mãi đến khi có súng nổ chỉ thiên, chúng mới rút”.

Sáng hôm sau, từ Đà Nẵng chúng tôi phóng xe lên xã Macoiih, tìm đường lên núi. Đỉnh núi đá có cây gỗ quý gần như dựng đứng. So mực nước biển, núi cao khoảng 500m. Đường lên khá gian nan. Có đoạn tôi phải treo mình, đu lên. Đến đỉnh, trước mắt là hai dấu cưa lốc của lâm tặc còn tươi rói trên gốc và thân cây. Bột cưa vẫn còn vương vãi và gần đó là bó chân nhang được đốt trước khi chúng giết cây! Cây cao hơn 10m, chu vi gốc 3m, nếu khai thác gọn thu gần 3 mét khối. Một đội viên Làng Thanh niên A Sờ nói: “Dấu cưa sát gốc, trước bão Xangsane, bị tôi phát hiện nên chúng dừng lại nửa chừng. Dấu cưa phía trên, đã xuyên thấu phần thân cây thứ nhất là mới đêm qua. Nếu không có bộ đội huyện nổ súng cảnh cáo thì cây đã đổ rồi”. Anh Ngô Đình Đồng, phó BQL Làng Thanh niên A Sờ tiết lộ: “Lâm tặc dụ anh em cứ làm lơ sẽ có tiền. Ngược lại, tụi hắn gằn giọng, bọn bay báo công an cứ báo, cưa bọn tao cứ cưa!”. Ông Nguyễn Quang Cảng, Phó trưởng Ðồn Công an bảo vệ Công trình Nhà máy thủy điện A Vương, cho biết: Do địa hình núi đá phức tạp nên việc truy quét những người khai thác gỗ trái phép rất khó khăn. Đẩy đuổi hẻm núi này, họ chạy sang hẻm núi khác. Tuy nhiên, những ngày qua, kết hợp các lực lượng chức năng, đồn đã thu giữ gần 4 mét khối gỗ, các hạt kiểm lâm thuộc chi cục kiểm lâm tỉnh cũng thu giữ gần 10 mét khối.


Bộ sa lông giáng hương trên mạng rao bán 500 triệu đồng xuất đi Mỹ, Úc, Đan Mạch

Đâu là giải pháp?

Trên đỉnh núi A Sờ, ông chủ tịch xã Alăng Ban thẫn thờ ngồi xuống cạnh một gốc cây to bị cưa sát mặt. Lõi cây đỏ sậm hoặc pha hồng. Một bên gốc là dấu đất đào mới cứng. Rõ là lâm tặc quá biết gốc cây này khi mang về xuôi chế tác thành bàn sa lông giá bèo cũng vài trăm triệu! Ông Alăng Ban rầu rầu: “Mình quyết bảo vệ cây, còn họ thì quyết giết cây. Cây quý mà chỉ có xã và thôn thôi thì không giữ nỗi đâu”. Một du kích người C’tu bức xúc, đám lâm tặc đi xe gắn máy biển số 73, 74 và 75 từ ngoài Huế, Quảng Trị, Quảng Bình kéo vô đông như kiến. Lợi dụng mưa bão, họ đã triệt hạ từ cây già tới cây non. Hôm đầu, UBND xã Macoiih và BQL Rừng phòng hộ thủy điện A Vương tịch thu được 18 khúc, mỗi khúc dài chừng 2 mét. Mấy hôm sau kiểm lâm tịch thu ở Hang Dơi thêm 1,1 mét khối. Nhưng những người khai thác gỗ vẫn lỳ. Ban ngày họ tản ra quanh quẩn đâu đó, cứ tối là leo lên núi đá hoành hành như chỗ không người.

Xót của xót cây, hôm sau chúng tôi tìm đến cơ quan liên ngành để phản ánh tình hình nguy cấp. Thật tiếc, tất cả đều vắng ngắt. Ra thị trấn P’rao cũng không gặp được ai, chúng tôi đành quay về, điện báo cho những người có trách nhiệm. Theo người làng A Sờ, chắc chắn đã có nhiều xe gỗ quý bị tuồn ra khỏi huyện Đông Giang. Số gỗ tịch thu được chỉ là phần rất nhỏ. Bà con tiếc hùi hụi vì lâu nay lấy gỗ quý làm chuồng bò, làm củi mà không biết! Giờ biết rồi thì cây gỗ trên núi chẳng còn bao nhiêu. Vợ của Alăng Yên, Alăng Lâm, Alăng Zut buồn hơn do những khúc “gỗ mục có mùi thơm” mang về nhà lâu nay, giờ mất sạch. Do 3 anh công an tịch thu gỗ không lập biên bản giấy tờ, nên chẳng biết số gỗ ấy nay đã về đâu?

Rạng sáng 27/10, rà soát các nguồn tin tại chỗ, chúng tôi được biết: khuya nào cũng có vài xe con ra vào làng A Pache - Palanh, ngang qua làng A Sờ. Đáng lưu ý, những xe này liên tục thay đổi biển số. Hiện đội quân khai thác gỗ đã rời A Sờ, chuyển sang hoạt động mạnh ở Cổng Trời, làng Ông Mang, giáp giới xã Cà Dăng (...). Hôm trước, trạm Tà Lơ bên cầu sông Bung tịch thu khoảng 50 kg gỗ, lõi đỏ sẫm, cháy thơm như trầm. Hôm kia, một chủ gỗ người Quảng Bình và một lái xe người Đà Nẵng bị công an huyện Đông Giang tạm giữ cùng hai súc gỗ huê. Riêng cây bị cưa trên núi đá A Sờ đã được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Chung quanh đó còn có nhiều cây con tốt khỏe mọc trên sườn núi. “Nếu bây giờ không giữ thì sau này lớp trẻ Macoiih đâu biết cây toong, cây huê là giống cây chi?”, ông Alăng Ban nói.

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.