Cho vay tiêu dùng bị “ế”

16/12/2008 23:15 GMT+7

Lãi suất cho vay đã giảm từ 21%/năm xuống còn 15%/năm, các ngân hàng cũng rộng cửa hơn với cho vay tiêu dùng nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn ì ạch. Khác với thời điểm cách đây vài tháng, nguồn vốn tại các ngân hàng hiện nay khá dồi dào.

Nhưng không giống như thời điểm cuối năm 2007, cuối năm nay, tình hình cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng khá hiu hắt. Bà Đặng Thị Lưu Vân, Giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) chi nhánh Hà Nội, nhận xét: So với cuối năm ngoái, cho vay tiêu dùng của SeaBank tại Hà Nội ít hơn hẳn. Nếu cuối năm ngoái người dân ào ào đi vay tiền để mua sắm thì năm nay không có nhiều người mặn mà với việc đi vay tiêu dùng. Bà Vân cũng cho biết, khách hàng đến hỏi vay để mua ô tô ít hơn năm ngoái rất nhiều.

Bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần nhà Hà Nội (Habubank), cũng cho hay Habubank nhiệt tình cho vay nhưng khách hàng có nhiệt tình vay hay không lại là chuyện khác. "Thời buổi khó khăn, nhiều khách hàng hạn chế tiêu dùng xa xỉ, tạm dừng các khoản chi tiêu lớn, lo phòng thân nên tín dụng tiêu dùng cũng khó phát triển mạnh", bà Mai đánh giá.

Nhận xét về sự khó khăn của cho vay tiêu dùng, ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong, nói: "Ngân hàng cũng muốn kích thích nhu cầu cho vay tiêu dùng nhưng sự đón nhận của khách hàng không mạnh mẽ lắm, dù đây là thời điểm cuối năm". Theo ông Khanh, vào thời điểm hiện tại, lãi suất không phải là vấn đề lớn mà chính là tâm lý của khách hàng đối với tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.

Trong số các ngân hàng có thế mạnh về cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, Ngân hàng Á Châu (ACB) là ngân hàng đứng hàng đầu. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, ACB cũng không lạc quan đối với thế mạnh vốn có của mình. Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết: số hồ sơ vay tiêu dùng của ACB cuối năm nay chỉ bằng khoảng 60 - 70% so với cùng kỳ năm trước. "Trong thời điểm hiện nay, nếu không phải là các nhu cầu thực sự cấp thiết thì phần lớn khách hàng không sử dụng đến vốn vay ngân hàng cho tiêu dùng. Khi vay, khách hàng cũng cân nhắc rất kỹ" - ông Tài nói.

Còn Ngân hàng ANZ thì nằm trong số rất ít các ngân hàng có vẻ vẫn khá lạc quan với triển vọng đẩy mạnh cho vay mua ô tô. Theo ông Lê Bá Ngọc, Trưởng phòng Tín dụng ô tô - Ngân hàng ANZ, tuy chưa bằng thời kỳ cao điểm nhưng thời gian gần đây, khách hàng tìm đến ngân hàng vay tiền để mua ô tô trả góp tăng đáng kể, bằng khoảng 75% thời kỳ cao điểm.

Mặc dù khẳng định lĩnh vực cho vay tiêu dùng của Techcombank vẫn tiến triển tốt, một lãnh đạo phụ trách mảng này của Techcombank cũng thừa nhận: mức tăng trưởng tín dụng tiêu dùng không thể mạnh như dự kiến. Vị này còn nêu thêm một lý do khác khiến tín dụng tiêu dùng gặp khó khăn: "Cho vay tín chấp là một hình thức giúp đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhưng hiện tại Techcombank đã ngừng việc cho vay tín chấp vì với mức lãi suất trần như hiện nay, cho vay tín chấp sẽ bị lỗ".

Theo giải thích của vị lãnh đạo này, cho vay tín chấp phải dự phòng rủi ro nhiều hơn cho vay thế chấp, do đó với mức lãi suất trần là 15%/năm như hiện nay sẽ không có ngân hàng nào nhiệt tình cho vay tín chấp. Thực tế, hầu như các ngân hàng đều đã ngừng cho vay tín chấp đối với tín dụng tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hoàng Ly - Xuân Toàn

>> "Chạy đua" cho vay tiêu dùng 
>> Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng 
>> Vay tiêu dùng: Xu hướng mới của giới trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.