Hàng khuyến mãi “đại náo” thị trường - Bài 2: Muôn mặt hàng dỏm

09/12/2008 14:44 GMT+7

Ngoài hình thức khuyến mãi “chính quy” của những doanh nghiệp làm ăn chân chính nhằm giải tỏa hàng tồn, thu hồi vốn, trên thị trường còn xuất hiện khá nhiều loại hàng khuyến mãi… “chất lượng, xuất xứ không biên giới”.

“Núp bóng” hàng thanh lý

Trong những ngày này, khi vừa chạng vạng tối, dạo quanh các tuyến đường lớn ở quận, huyện vùng ven hoặc cạnh những khu công nghiệp phía ngoại ô TPHCM, dễ dàng bắt gặp cảnh nhộn nhịp xả hàng bày bán công khai đủ loại hàng hóa.

Khoảng 8 giờ tối, dọc đoạn cuối đường số 10 Khu công nghiệp Sóng Thần và khúc ngã tư 550 thuộc huyện Dĩ An Bình, tỉnh Bình Dương, cứ cách vài chục mét lại xuất hiện một nhóm 3 - 5 người đang cặm cụi trải từng tấm bạt vừa đủ rộng xuống nền xi măng bên lề đường bày bán quần áo, giày dép.

Hòa vào tốp người đang chen chúc chọn mua hàng tại đường số 10, cách bùng binh Khu công nghiệp Sóng Thần chừng 300m, sau một hồi loay hoay chúng tôi cũng “chộp” được một cái áo thun màu trắng và chiếc quần kaki màu xám.

Dưới ánh đèn đường cao áp vừa đủ sáng, mình vải của hai món hàng hiện ra còn mới tinh. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ưng ý, cậu thanh niên bán hàng tên Thanh, phán: “Anh lấy cả bộ em tính giá 240.000 đồng. Hàng này của công ty may xuất khẩu gần đây vừa thanh lý, tụi em chỉ còn 2 bộ…”.

Thấy chúng tôi lưỡng lự, tay cậu vừa xổ tung bộ đồ, miệng vừa bồi thêm: “Bộ này hàng “độc”, made in Singapore hẳn hoi, anh mua chỗ khác không có đâu, mà nếu có giá cũng cao gấp 3 lần”. Bị thuyết phục, tôi móc bóp trả tiền, sau đó mang bộ quần áo và nổ máy xe chạy vù về nhà anh bạn gần đó…

Đang đứng ở sân và hình như biết trước sự việc của tôi vừa mua hàng, anh bạn chụp lấy gói quần áo xổ ra cười mỉa mai: “Nhà báo bị “thuốc” rồi! Cái áo này giá khoảng 20.000 đồng, quần 45.000 đồng, tổng cộng hết giá khoảng 70.000 đồng/bộ. Tuần trước thằng bạn anh cũng bị nhầm, tưởng mua được giá hời nên “quất” liền hai bộ nhưng mang về chưa mặc đã… bạc màu, rách!”.

Theo giải thích của anh bạn và nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp gần đó, hơn 1 tháng nay lợi dụng nhiều người bán hàng “xôn” - hàng tồn đọng cả năm của các cửa hàng bán quần áo - đưa ra bán xổ, giá rẻ, nhiều đối tượng hùa theo bày bán đủ loại quần áo, giày dép. Tuy nhiên, loại hàng này chủ yếu may gia công trên chất liệu rẻ tiền, kém chất lượng. Song, người tiêu dùng khi mua hàng nhìn buổi tối rất khó phân biệt.

Sau một tuần lang thang những điểm bán hàng theo kiểu “chạy chợ” như trên, ở nhiều tuyến đường như Quang Trung, Nguyễn Oanh (Gò Vấp), Cộng Hòa, Trường Chinh (Tân Bình), QL 1A (Bình Chánh), thậm chí cạnh trung tâm thành phố như Hai Bà Trưng (quận 1)… chúng tôi phát hiện khá nhiều sản phẩm giày dép, quần áo còn khá mới, nhưng quan sát kỹ đường may rất sơ sài.

Tuy nhiên, giới buôn bán thì luôn miệng quảng cáo là hàng nhập khẩu hoặc của các nhà máy sản xuất xuất khẩu trong nước thanh lý hàng tồn kho, gia công xuất khẩu thừa… nên người mua rất dễ “sập bẫy”. Theo các nhà kinh doanh hàng may mặc có uy tín, hiện rất phổ biến tình trạng làm giả bằng cách dán nhãn hiệu cao cấp, làm các vỏ hộp đựng sản phẩm, túi xách giấy thật bắt mắt cho các món hàng giá rẻ.

Sau đó, nâng giá sản phẩm lên gấp 2 – 3 lần, song vẫn rẻ hơn hàng chính hãng 40% - 60%. Vì vậy, người mua bị “hớ” nhưng trong lòng vẫn… vui vì nghĩ mua được giá hời. Chỉ khi sử dụng sản phẩm ít lâu sau, giày dép bị bong keo, bung quai hay áo quần “tự nhiên” rách thì mới té ngửa là mình mua nhầm!

Hàng viện trợ... biến thành hàng hiệu!

Theo một “trùm” kinh doanh hàng thời trang quần áo tên N.V.Q., ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM (đã giải nghệ), những chiêu bài “hô biến” như trên vẫn chưa đáng kể so với thực tế đang âm ỉ nhưng có phần diễn ra công khai hiện nay. Lượng hàng quần áo tuồn về thị trường Việt Nam bằng đường phi mậu dịch từ Campuchia, Thái Lan hàng ngày là rất lớn.

“Chỉ tại chợ Bà Chiểu mỗi đêm có hàng trăm kiện với hàng ngàn bộ quần áo được các đầu nậu gom của các con buôn chở bằng xe tải, xe máy đến giao từ Tây Ninh về, các tỉnh miền Tây lên. Hoạt động này vừa công khai vừa khép kín vì được “ngụy trang” với hàng có hóa đơn chứng từ nên rất khó phát hiện”, ông Q. tỏ ra rành rọt.

Thực tế, nguồn hàng đã qua sử dụng trên có nguồn gốc từ các nước phát triển viện trợ cho các nước kém phát triển. Do vậy, khi hàng này được buôn lậu về đến thị trường Việt Nam, giá cả rất “bèo”, số lượng cũng không hạn chế.

Sau đó, hàng lại được phân loại theo dạng “A, B, C” và mang đi “lên đời” bằng cách tẩy, hấp, giặt, ủi… Đến công đoạn cuối hàng được “xé” nhỏ, cung cấp loại tốt vào siêu thị - shop, kém một chút mới đưa bán ở cửa hàng nhỏ, lẻ hoặc chợ.

“Giá bán sỉ mỗi sản phẩm của loại hàng khi “xuất xưởng” chỉ 7.000 - 45.000 đồng/cái, nhưng khi bán lẻ có thể lên vài trăm ngàn đến cả triệu đồng nếu gặp phải “hai lúa” hay dân chơi sính mác ngoại”, ông Q. khẳng định chắc nịch.

Quả vậy, theo lời chỉ điểm của ông Q. trong những ngày đi thực tế ở chợ Bà Chiểu, đường Hồ Xuân Hương, Cao Thắng - Điện Biên Phủ (quận 3)… chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán loại hàng viện trợ khá công khai, còn giá thì thượng vàng hạ cám, tùy theo “chất lượng”.

Thực trạng này cũng diễn ra ở hầu hết lĩnh vực đồng hồ, mắt kính… đang bày bán tràn lan với chiêu bài giảm giá thê thảm, nhưng thực chất hàng dỏm chiếm… tương đương với số phần trăm thông báo giảm.

Điển hình, từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện hàng trăm cửa hàng, thu giữ hàng ngàn chiếc đồng hồ, mắt kính “hàng hiệu”, giá trên dưới 1 triệu đồng/cái. Nhưng khi mang đi định giá để xử lý mới tá hỏa mỗi sản phẩm giá chỉ 15.000 - 35.000 đồng!

Từ thực tế này cũng có thể lý giải được vì sao nhiều cửa hàng kinh doanh “đại hạ giá” sản phẩm, cảm giác như thâm vào vốn mà vẫn sống khỏe!

Theo ông Dương Công Khanh, Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, dịp cuối năm thường rơi vào thời điểm hàng lậu, hàng nhái đổ về nhiều, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các cửa hàng không thương hiệu là nơi hàng giả dễ tuồn vào nhất.

Do đó, người tiêu dùng nên mua ở những cửa hàng, siêu thị, trung tâm có uy tín. Khi mua hàng, người tiêu dùng cũng phải chú ý xem hàng khuyến mãi có phải là hàng lỗi không, đồng thời cần phải đi nhiều nơi để lấy làm cơ sở so sánh, không nên vội tin vào lời quảng cáo. 

Bài 1: Thực thực, hư hư

Theo LẠC PHONG - THỦY TIÊN / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.