Người dân thờ ơ với dịch cúm gia cầm

28/10/2005 09:55 GMT+7

Tại chợ đầu mối, việc kiểm dịch gia cầm chỉ làm qua loa, khu giết mổ cực kỳ mất vệ sinh. Còn ở quán ăn, thực khách vẫn nườm nượp sử dụng thịt gia cầm, thậm chí vô tư ăn tiết canh, bất chấp mối hiểm nguy bị nhiễm virus H5N1. Đó là tình trạng chung của hầu hết chợ, quán ăn ở Hà Nội.

Kiểm dịch gọi là có

Long Biên là chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, mỗi ngày ở đây tiêu thụ 5.000-7.000 gia cầm, thủy cầm đến từ khắp các tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... Lượng gia cầm lớn, xuất xứ đa dạng, nhưng sáng 27/10 chỉ có 2 nhân viên thú y làm nhiệm vụ kiểm dịch. Một người án ngữ ở lối vào khu buôn bán gia cầm, một ngồi ở cổng khu giết mổ mới được dựng lên vào năm ngoái. Ngoài ra, có thêm một cán bộ quản lý chợ.

Mỗi lần có xe chở gia cầm vào chợ, nhân viên thú y chẳng buồn hỏi xuất xứ ở đâu, số lượng chính xác bao nhiêu, mà chỉ làm duy nhất một động tác là phun thuốc tiệt trùng. Thế là gia cầm nghiễm nhiên trở thành được kiểm dịch và thẳng tiến vào chợ. Sau những hồi ngã giá giữa người mua kẻ bán, gia cầm được đưa vào khu giết mổ, cách ly với khu buôn bán. Mặc dù trưng biển là Khu giết mổ gia cầm đã được kiểm dịch an toàn, song thực ra nó chẳng an toàn chút nào.

Trên diện tích chừng 2.000 m2, hàng trăm người đồng phục áo xanh, khẩu trang cùng ngồi xổm để giết mổ gia cầm. Nhiều chị chẳng cần mang găng tay, để luôn gà, vịt xuống đất để vặt lông, móc ruột. Nước sạch được đưa vào bằng mạng lưới ống chằng chịt, nhưng nước bẩn lại chẳng có hệ thống xử lý. Hàng chục gà, vịt, cùng được rửa chung một chậu nước vẩn đục. Rửa xong, nước đổ lênh láng, phân, lông, lòng mề thừa bốc mùi tanh tưởi, lũ lượt chảy tràn mặt đất.

Qua được khu giết mổ ấy, gia cầm sẽ được một nhân viên thú y đóng dấu kiểm dịch. Cô nhân viên này lật qua lật lại xem gà, vịt, có thâm tím, có dấu hiệu bất thường nào không, nếu không thì cộp một dấu kiểm dịch màu tím vào lườn gia cầm. Giá cho một lần kiểm dịch khoảng 15-20 con là 2.000 đồng. Với cách làm như vậy, một ngày hàng nghìn gia cầm nghiễm nhiên trở thành an toàn và được đưa đi tiêu thụ ở khắp các nhà hàng, quán ăn.

Trong chợ Long Biên còn một khu giết mổ không tên, nằm đối diện với khu giết mổ an toàn. Lối vào khu này rất thoải mái, người bán hoàn toàn có thể né nhân viên kiểm dịch. Tại những quầy bán nhỏ, hàng chục lồng gà, vịt, ngan, chim sống kêu quang quang đặt ngay chậu nước đang rửa gia cầm đã qua chế biến. Ngay sát đó là dòng nước bẩn mang theo phân, lông, và lòng mề thừa. Sản phẩm từ những lò mổ kiểu này chẳng cần dấu kiểm dịch.

Một người bán vịt cỏ từ Kim Động, Hưng Yên, đon đả chào khách: "Mua đi em, yên tâm vịt của anh đã tiêm phòng rồi, tới 2 mũi cơ". Khi chúng tôi hỏi 2 mũi được tiêm cách bao nhiêu ngày, anh hồn nhiên trả lời 1 tháng 25 ngày, tiêm mũi đầu từ tháng 8. Thực tế, trong tháng 8, Hưng Yên chưa triển khai tiêm phòng vaccine cho gia cầm, mà cả nước chỉ có 2 tỉnh tiêm thí điểm là Nam Định và Tiền Giang.

Thực khách vô tư ăn tiết canh

Tại quán bún miến ngan 197 Đê La Thành sáng 27/10 có khoảng 20 khách thì đa phần đều gọi món thịt ngan luộc hoặc miến ngan. Một số người ăn sáng bằng tiết canh. Anh Tuấn, thực khách ruột của quán, thổ lộ: "Một tuần tôi ăn đến 3-4 lần ở đây vì rất khoái món này. Công nhận cái trận cúm gia cầm năm trước cũng sợ thật. Nhưng chết nó có số rồi, bao giờ dịch về Hà Nội hẵng hay".

Không chỉ anh Tuấn mà rất nhiều người tỏ ra thờ ơ với đại dịch cúm. Khi được hỏi, họ cứ nghĩ dịch bệnh vẫn còn ở một nơi nào đó và không còn nghiêm trọng như lần trước. "Nếu nghiêm trọng thì báo chí đã đưa tin ầm ầm như năm ngoái ấy. Còn bây giờ mình đã có thuốc phòng chống và dạo này có thấy ai chết nữa đâu", một khách hàng tại quán ngan gà vịt ở ngã tư Cầu Giấy - đường Bưởi, hồn nhiên nói.

Chính thái độ như vậy của thực khách với cúm gia cầm nên các quán hàng vẫn tiêu thụ đều đều. "Tối đến 20 bàn nhà em đều kín khách. Tiết canh và thịt luộc là đắt hàng nhất, mỗi tối phải bán khoảng 50 con ngan. Còn tiết canh thì vô tư, khách yêu cầu lúc nào, bao nhiêu là bọn em phục vụ hết", anh nhân viên phục vụ nhà hàng ngan vịt Tuyết Thu ở 32 Voi Phục tự hào khoe. Khi biết tiết canh có thể không được bán nữa, chị chủ hàng tỏ ra khá tự tin cho rằng không thể cấm được món ăn này vì nhu cầu khách rất cao và khó có thể kiểm soát được.

Không chỉ hàng ngan, vịt, vào những ngày cuối tuần, các quán bán thịt chim vẫn nườm nượp người vào ra. Dân nhậu tỏ ra rất khoái thưởng thức món ăn từ chim trời. Nhiều nhà hàng còn phục vụ rượu tiết chim hoặc tiết canh chim và coi đó là hàng độc để câu khách. Những lồng chim được dựng xung quanh sân hoặc ngay trước cửa nhà hàng như một kiểu tiếp thị. Thức ăn thừa, phân chim bốc lên rất khó chịu. Lông chim còn bay lở lửng khắp nơi.

Theo quan sát thì khách tìm đến với các quán gia cầm chủ yếu là nam giới, dân nhậu và lao động phổ thông. Những người này phần vì thiếu thông tin, phần lại chủ quan và quan điểm sống chết có số nên vẫn tìm đến món ăn khoái khẩu của mình. Tuy thế, một bộ phận công chức văn phòng đã bắt đầu cảnh giác. Chị Hương, nhân viên một công ty máy tính đóng tại phố Chùa Láng, cho biết: "Nghĩ đến món gà nướng cũng thèm nhưng mấy hôm nay đọc trên báo chí ngày nào cũng thấy cảnh báo về cúm gia cầm lại sợ. Tốt nhất là nên nhịn miệng. Cẩn thận cho mình vẫn hơn".

Thú y gần như bó tay

Công tác kiểm dịch gia cầm tại chợ thì qua loa, người tiêu dùng chỉ còn trông cậy vào kiểm dịch tại nơi xuất xứ và các chốt được đặt ở cửa ngõ ra vào Hà Nội. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều cơ quan thú y, việc kiểm dịch tại nơi xuất xứ, tức là các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... thì càng không thể trông chờ. Vì một tỉnh chỉ 200 cán bộ, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, gia cầm nằm rải rác khắp tỉnh, thì lực lượng thú y kiểm soát không nổi.

Quả bóng kiểm dịch được đẩy về Hà Nội, nơi mỗi ngày tiêu thụ tới 30-40 tấn gia cầm. Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội, cho biết, từ tháng 2 đến nay, 20 chốt kiểm dịch chặn tại các cửa ngõ và mấy chục chốt đóng tại các chợ lớn đã không còn hoạt động. "Hà Nội cũng muốn duy trì các chốt vì 70% gia cầm tiêu thụ mỗi ngày được nhập từ các tỉnh. Nhưng muốn làm được điều đó cần sự phối hợp của công an, quản lý thị trường, chứ một mình thú y làm sao chặn được xe chở gia cầm đang lưu thông để đòi kiểm dịch", ông Giang phân trần. Chính vì thế, Hà Nội hiện chỉ còn 2 chốt kiểm dịch cố định đặt tại Dốc Lã và Ngọc Hồi.

Về tình trạng giết mổ gia cầm mất vệ sinh ở chợ đầu mối Long Biên, ông Giang thừa nhận, khu giết mổ đó chỉ là tạm bợ, không đạt các yêu cầu vệ sinh thú y. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND thành phố đề án xây dựng 2 lò mổ tập trung quy mô lớn và quy định về chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển gia cầm vào nội thành. Nhưng tất cả chưa được phê duyệt.

Như vậy, trong lúc chờ có lò mổ tập trung đảm bảo vệ sinh, chờ có quy chế và chờ cho sự phối hợp của các ban ngành trong công tác kiểm dịch, người tiêu dùng chỉ còn cách tự bảo vệ mình.

Theo Như Trang - Trịnh Vũ
(Vnexpress)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.