Tự phòng vệ trước ứng dụng xấu

28/11/2011 09:09 GMT+7

(TNO) Hãng bảo mật McAfee đề ra năm nguyên tắc mà người dùng điện thoại thông minh nên tuân thủ để an toàn trước sự tấn công của các phần mềm nguy hại.

(TNO) Thực tế cho thấy, số lượng người dùng các thiết bị di động (TBDĐ) nói chung và điện thoại thông minh (smartphone) nói riêng đang tăng nhanh.

>> Android hấp dẫn tin tặc
>> Bảo vệ smartphone

Hãng bảo mật McAfee nhận định, ở thời điểm hiện tại, phần mềm nguy hại (malware) trên smartphone chưa thực sự là mối đe dọa lớn về bảo mật nhưng không gì đảm bảo tin tặc sẽ ngồi yên. Theo một bài viết trên Techworld, hãng McAfee đề xuất năm nguyên tắc cơ bản mà người dùng smartphone nên tuân thủ để có được sự an toàn trước phần mềm có dụng ý xấu.

1. Luôn cập nhật thông tin

Theo McAfee, mặc dù số lượng malware trên smartphone đã được "nhìn mặt đặt tên" còn ít (so với malware trên máy tính) nhưng bấy nhiêu cũng cho thấy sự tồn tại và mối nguy của chúng. Người dùng nên có ý thức về bảo mật dữ liệu cá nhân trên TBDĐ, đề cao cảnh giác đối với những phần mềm có nguồn gốc không rõ ràng và thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan đến bảo mật thông qua các tạp chí công nghệ, diễn đàn tin học.

2. “Soi” nguồn gốc ứng dụng trước khi cài đặt

Ngay khi ứng dụng mới với những lời quảng cáo “có cánh” xuất hiện trên cửa hàng trực tuyến (như App Store hay Android Market), phần đông người dùng có thói quen tải về và cài đặt càng sớm càng tốt mà không có bất kỳ nghi ngờ gì hay lo ngại về hậu quả nếu chẳng may đó là một ứng dụng có hành vi khai thác dữ liệu cá nhân.

Đừng chạy theo trào lưu. Thay vào đó, người dùng nên tham khảo phản hồi của cộng đồng về hiệu năng và cả những rủi ro khi cài đặt ứng dụng kể trên. Nếu có thời gian, hãy sử dụng một công cụ tìm kiếm như Google để xác định nguồn gốc của ứng dụng dự tính tải về.

3. Chọn nơi cung cấp uy tín

Vài nền tảng (hệ điều hành) di động cho phép người dùng cài đặt mọi ứng dụng tương thích được tự do tải về từ mạng internet, nhưng cũng có nền tảng chỉ chấp nhận ứng dụng đã được “bổn hãng” phê chuẩn hay giới hạn nguồn tải về. Theo McAfee, tốt hơn hết là người dùng chỉ nên cài đặt ứng dụng được chính thức bán hay chia sẻ miễn phí trên App Store (với thiết bị nền iOS), Android Market (với thiết bị chạy Android của Google) hay RIM BlackBerry App (dành cho người dùng BlackBerry). Chuyên gia tại McAfee cũng khuyến cáo, người dùng thiết bị của hãng nào thì nên chọn ứng dụng của hãng đó bởi sự tùy tiện đôi lúc sẽ phải trả giá.

Với thiết bị Android, người dùng có thể từ chối cài đặt những ứng dụng không xuất phát từ Android Market bằng cách bỏ tùy chọn Unknown sources trong trình đơn Android Applications Settings trên thiết bị.

4. Đọc kỹ những câu hỏi khi cài đặt

Khi cài ứng dụng mới lên smartphone, người dùng thường được yêu cầu xác nhận cho phép ứng dụng truy cập vài thông tin (tài nguyên) của TBDĐ. Hãy đọc thật kỹ những câu hỏi dạng này, nếu nghi ngờ, bạn có thể từ chối.

Tuy nhiên, vài ứng dụng không thể hoạt động nếu không tiếp cận được một số thông tin nhất định trên thiết bị, trong trường hợp này, người dùng phải tự quyết định.

5. Sử dụng tiện ích bảo mật di động

Tuy không thể vô hiệu hóa mọi hiểm họa nhưng các tiện ích bảo mật được thiết kế riêng cho smartphone sẽ là lớp giáp đầu tiên mà malware buộc lòng phải xuyên thủng nếu muốn tấn công người dùng di động. Hiện nay, các hãng bảo mật tên tuổi như McAfee, Kaspersky, Norton, Symantec hay AVG đều cung cấp giải pháp bảo mật và phát hiện malware cho TBDĐ, trong đó có smartphone.

Minh Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.