Ai đứng ra xếp hạng các trường đại học?

21/11/2008 22:32 GMT+7

Cuộc hội thảo quốc tế về xếp hạng các trường đại học (ĐH) vừa được tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Đã xác định ra một mô hình

Ngay sau khi mục tiêu này được đưa ra, các đại biểu quốc tế đã có cuộc tranh luận khá sôi nổi. GS-TS Simon Marginson - Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học, ĐH Melbourne (Úc) - đã có một bài phân tích khá sâu sắc xung quanh mục tiêu này của Việt Nam. Ông đánh giá: căn cứ vào tình trạng giáo dục ĐH hiện tại và mức độ kinh tế thì mục tiêu lọt vào top 200 trường hàng đầu là cao. Thậm chí, trong những hoàn cảnh rất thuận lợi thì cũng chỉ có thể đạt được sau năm 2020.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006 - 2020, thì giáo dục ĐH Việt Nam sẽ phải “phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2015 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có 1 trường ĐH được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới”.

GS-TS Simon Marginson nói: “Để đạt được mục tiêu ấy, chắc chắn phải đầu tư lâu bền vào một trường ĐH hoặc một số trường ĐH theo mức châu u và có lẽ phải mất ít nhất 20 - 30 năm". Lý giải về nhận định này, TS Simon Marginson cho rằng, đa số các trường trong top 100 và nhiều trường xếp thứ tự từ 101 - 200 đều có ít nhất một người đoạt giải Nobel. Thực tế, không có người đoạt giải thưởng Nobel về khoa học hay kinh tế trong các ĐH thuộc các nước đang phát triển và Việt Nam không là ngoại lệ... “Có lẽ các trường ĐH của Việt Nam phải đưa ra mức lương gần với mức lương của các nước trên thế giới và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, cả về nhân sự và thiết bị, cạnh tranh được trên phạm vi quốc tế” - TS Simon Marginson khẳng định.

PGS-TS Nguyễn Phương Nga - Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, trung tâm đã xác định ra một mô hình khả thi để xếp hạng các trường ĐH Việt Nam. Mô hình này được đúc rút từ những ưu điểm của một số mô hình xếp hạng trên thế giới nhưng mang bản sắc của Việt Nam. Bà Nga nói: “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ công bố các bảng xếp hạng vào đầu năm 2009”.

Để chuẩn bị cho việc xếp hạng, 3 năm gần đây, hơn 300 trường ĐH-CĐ đang triển khai tự đánh giá, trong đó 20 ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đang chờ công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Khối giáo dục ĐH phấn đấu, tháng 5.2009, 90% trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá... Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đang triển khai khảo sát thực trạng các ĐH với 23 chỉ số nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng ĐH, làm căn cứ để xếp hạng các trường. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Thanh cho biết, trên thực tế, dữ liệu các trường cung cấp nhiều khi chưa có độ tin cậy cao. Đây là thách thức cho việc thu thập dữ liệu khi tiến hành xếp hạng.

Ai thu thập thông tin?

Đề cập đến mục tiêu Việt Nam sẽ có trường trong top 200 của thế giới vào năm 2020, ông Bành Tiến Long - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: "Việc chuyên gia phỏng đoán là một chuyện, còn quan trọng là quyết tâm của chúng ta. Chẳng hạn, trường ĐH Việt Đức hiện có đến 80% giảng viên từ Đức sang giảng dạy. Chúng ta phải đầu tư, dù khó khăn vẫn làm, nhưng không thể không làm được".

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất đó là ai sẽ công bố các kết quả xếp hạng? Ông Phạm Xuân Thanh băn khoăn: “Nhà nước có thể khuyến khích, hỗ trợ, nhưng Nhà nước có nên đứng ra công bố xếp hạng hay không? Hay để các trường ĐH, các đơn vị nghiên cứu hay các tạp chí đứng ra công bố?”.

Một số đại biểu cho rằng có thể để các trường ĐH tự công bố. GS-TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nói: "Đây là vấn đề liên quan đến văn hóa kiểm soát và văn hóa tự giác. Mọi người thường cho rằng, phải có sự có mặt của Nhà nước thì mới đáng tin, nhưng Bộ GD-ĐT không thể đứng ra xếp hạng được vì như thế sẽ không khách quan, không phải là khuynh hướng tiên tiến. Có thể ban đầu có trường đưa ra số liệu không chính xác, nhưng bịa mãi được sao? Các trường phải coi đây là một trong những giải pháp để phấn đấu vươn lên, không nên sợ bị xếp hạng thấp".

Trước tranh luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam, ông Alex Ushrer, Phó giám đốc Viện Chính sách giáo dục, Canada cho rằng: thế giới ngày càng có nhiều kiểu xếp hạng và nhiều tổ chức đứng ra xếp hạng. Vấn đề quan trọng không phải là ai công bố mà là ai thu thập thông tin. Việc thu thập và công bố thông tin phải làm ở ngoài Chính phủ, vì nếu Chính phủ tham gia sẽ gây căng thẳng và dẫn đến không khách quan. Ông đề xuất: “Có thể để việc này cho giới truyền thông, nhưng không biết ở Việt Nam, giới truyền thông có đủ mạnh để làm không?”.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.