Hiệu ứng domino

01/11/2011 00:05 GMT+7

Nợ xấu ngân hàng tăng, chủ đầu tư bất động sản giảm giá để ra hàng, vỡ nợ tín dụng đen ngày càng nhiều... Tất cả những điều này đang cảnh báo hiệu ứng domino trên thị trường tài chính.

Chủ động giảm giá bất động sản tới 30% nhưng trong bối cảnh khó khăn nguồn vốn hiện nay, chưa ai dám chắc sẽ bán được hàng. Đặt trường hợp nếu thị trường bất động sản vẫn "lạnh" sau "cú sốc" giảm giá này, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tất nhiên, đó sẽ là việc hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Chuyện thanh lọc các doanh nghiệp trên thị trường bất động sản, không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra. Thiết nghĩ, đây cũng là việc cần thiết bởi sau một thời gian phát triển nóng, thị trường sẽ tự sàng lọc để phát triển lành mạnh hơn. Nhưng điều đáng lo ngại là hiệu ứng dây chuyền đằng sau sự lâm nguy của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Với khoảng 80% vốn phụ thuộc vào ngân hàng, sự mất thanh khoản kéo dài của doanh nghiệp kinh doanh nhà đất đương nhiên sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng. Nợ xấu chắc chắn sẽ tăng mạnh. Trong bối cảnh huy động khó khăn, nợ đến hạn lại khó hoặc không đòi được, viễn cảnh đen tối của không ít ngân hàng là điều có thể dự báo. Đó là lý do vì sao, chỉ sau một thời gian rất ngắn thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động, tại nhiều ngân hàng đã bắt đầu bung ra các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng... để giữ chân và thu hút thêm khách hàng mới. Nhưng việc này cũng không đơn giản.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao những tổ chức tín dụng chính thống khó khăn trong việc huy động vốn thì một nguồn vốn lớn từ dân chúng lại chảy vào tín dụng đen bất chấp các rủi ro đã được cảnh báo. Câu trả lời là do mất lòng tin. Trong khi chỉ huy động người dân với lãi suất 14% thì các ngân hàng vẫn cho vay lẫn nhau với lãi suất 20%- 25%, thậm chí trên 30% trên thị trường liên ngân hàng. Huy động áp trần 14% nhưng lãi suất cho vay thả nổi, tạo cửa cho các tổ chức tín dụng thoải mái "bắt chẹt" doanh nghiệp với lãi suất cao; kinh tế khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn... Thật khó để biện hộ cho những con số cũng như các vấn đề nói trên. Đó cũng là lý do khiến nhiều người tìm đến tín dụng đen. Tạo cơ hội cho tín dụng đen thả sức tung hoành, tràn lan từ các thành phố lớn cho đến cả các vùng quê yên bình. Tín dụng đen đổ bể, dù không thừa nhận bị ảnh hưởng nhưng ai cũng biết, không thiếu những khách hàng kinh doanh khó khăn đã đảo nợ ngân hàng bằng việc vay nóng bên ngoài. Những khoản nợ đó, giờ trở thành nợ khó đòi, nợ xấu khi tín dụng đen vỡ.

Tham siêu lợi nhuận, hàng loạt doanh nghiệp "nhảy" vào kinh doanh bất động sản; tham lợi lớn, hầu hết các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phi sản xuất; tham lãi suất cao, nhiều người dân tìm đến tín dụng đen... Tất cả những điều này liên quan mật thiết với nhau nên khi một thị trường gặp khó khăn sẽ kéo theo các sự rủi ro của những thị trường còn lại.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.