Quá sức chịu đựng của học trò

01/11/2007 00:11 GMT+7

Thầy trò trường Tiểu học Hồng Quang, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đang dạy và học trong môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Ngôi trường tiểu học này nằm trên đoạn đường Hoàng Văn Thái chạy thẳng vào bãi rác Khánh Sơn - nơi tập trung rác thải của cả TP Đà Nẵng. Cũng như người dân sống trong khu vực này,  những học sinh nhỏ tuổi của trường đang học tập trong môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Mùi hôi thối lúc nào cũng thường trực tấn công vào các lớp học, bất kể giờ giấc, bất kể mùa nắng, mưa. Thầy cô, học trò phải tập... ít thở, hay phải vừa học vừa bịt mũi. Thầy giáo Mai Quân - Chủ nhiệm lớp 5/3 của trường Tiểu học Hồng Quang (người đã có 10 năm dạy ở ngôi trường này) nói với người viết: "May cho cô đến vào mùa mưa còn đỡ, chứ mùa nắng, nói thiệt gặp hôm nào rác chưa kịp phân hủy, thầy trò dạy học ở tầng hai cứ im thin thít, ai cũng lo gục đầu xuống bàn bịt mũi vì mùi hôi thối quá sức chịu đựng!".

Đã vậy, cách ngôi trường vài trăm mét, có một trại giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động ngày đêm. Vừa sống bên cạnh "núi rác", vừa thêm mùi tanh từ trại giết mổ, thầy trò trường Tiểu học Hồng Quang thêm khổ sở. Đó là chưa kể đến việc ruồi, muỗi lúc nào cũng tấn công học trò.  Những học sinh ở ngôi trường này đều rất nhỏ bé, ốm yếu so với các bạn cùng độ tuổi. Đa phần học lực của các em đều yếu.

Ngay trước ngôi trường này là con đường mà người ta gọi là "nắng bụi, mưa bùn". Mỗi ngày, những đoàn xe rùng rùng kéo qua trước ngôi trường này. Hết xe ben chở đá (cách trường không xa là mỏ đá - PV), lại đến xe chở rác, rồi cả xe chở xăng dầu, xe đám ma (con đường Nguyễn Văn Thái cũng dẫn đến nghĩa trang thành phố - PV) cày nát con đường, nên hết ổ gà rồi ổ voi xuất hiện. Chỉ cần một cơn mưa dù nhỏ rơi xuống, là những lớp bùn đất nhầy nhụa, nhão nhoẹt bám đầy giày dép học sinh đi vào lớp học. Còn những ngày nắng, đoàn xe chạy qua trường không chỉ gây ồn ào khiến học sinh mất tập trung, mà còn tung ra những lớp bụi mù mịt. Học sinh các lớp vừa mới làm vệ sinh xong là lập tức bụi bặm, bùn đất lại bay vào lớp, bám đầy mặt bàn.

Cô giáo Trương Thị Thanh Thủy - Hiệu phó của trường trăn trở: "Nhìn các em chịu hoàn cảnh thiệt thòi thấy thương lắm. Những người làm thầy cô như chúng tôi đều cảm thấy không thể chấp nhận được việc môi trường ô nhiễm như vậy, nhưng biết làm sao! Người dân địa phương cũng cảm thấy bức xúc nhưng phản ánh xong, đâu lại hoàn đấy thôi! Chúng tôi chỉ cố gắng truyền tải những kiến thức học tập, còn vấn đề này, chỉ mong các cấp chính quyền quan tâm!".

D.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.