Thêm nhiều góp ý cho dự thảo "Quy định dạy thêm học thêm"

24/10/2006 09:38 GMT+7

Sau khi đăng Ý kiến bạn đọc về dự thảo "Quy định dạy thêm học thêm", Thanh Niên Online nhận thêm rất nhiều thư bạn đọc với nội dung góp ý cho dự thảo này. Để khách quan, và cũng để giúp cơ quan chức năng có cái nhìn tổng thể về cách nhìn nhận, đánh giá của người dân về vấn đề này, chúng tôi xin đăng nguyên văn các ý kiến người đọc.

Phải triệt tận gốc kiểu học thêm "cam kết tự nguyện"
 
Theo tôi nên:

1. Nghiêm cấm việc giáo viên (GV) đưa học sinh (HS) thuộc lớp hoặc trường mình quản lý ra ngoài để dạy thêm (thu tiền) cũng tương tự như việc nghiêm cấm bác sĩ ở bệnh viện đưa bệnh nhân nội trú về phòng mạch riêng để khám bệnh và thu tiền, hoặc công chức mở dịch vụ tại nhà cho những việc lẽ ra họ phải làm tại công sở theo nhiệm vụ của họ. Có như vậy mới triệt tận gốc kiểu bắt HS học thêm dưới hình thức "cam kết tự nguyện".

2. Chỉ cho phép GV dạy thêm cho HS do mình quản lý trong 2 trường hợp: bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS kém; với các điều kiện:

a. Có tiêu chí điểm rõ ràng (ví dụ HS giỏi đạt điểm tham gia đội tuyển, HS kém có điểm trung bình dưới 5) và số luợng hạn chế (không quá 5% lớp).
b. Có quyết định của hiệu trưởng (có danh sách và lịch học kèm theo).
c. Địa điểm học tổ chức ngay tại trường, thời gian không quá 2 tháng/học kỳ.
d. Học phí trả cho thầy cô lấy từ quỹ khuyến học của trường và Hội phụ huynh, không thu trực tiếp từ HS.

3. Không cấm GV đương chức dạy thêm ở nhà cho HS ở các trường khác, cũng như không cấm GV nghỉ hưu, sinh viên mở lớp dạy thêm theo yêu cầu của HS và phụ huỵnh, không bắt buộc phải xin phép nếu số lượng HS dưới 5 HS (hoặc dưới 10 HS). Nếu tổ chức lớp có số HS vượt số lượng quy định, hoặc tổ chức nhiều lớp, thì phải được phép của Phòng GD-ĐT (trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm, an toàn, và tiêu chuẩn sư phạm của GV).

Quang Linh (Hà Nội)

Quan trọng là học môn nào, vào lúc nào
 
Mong Bộ Giáo dục - Đào tạo mà đứng đầu là ông Bộ trưởng cần xem xét vấn đề hết sức thận trọng, khách quan. Đừng giải quyết vấn đề theo cảm tính, theo dư luận một cách vội vàng để lại đi từ bất cập này sang bất cập khác.

Học thêm là nhu cầu có thực và chính đáng của nhiều thế hệ HS. Chính nhờ học thêm mà nhiều HS yếu đã theo kịp và vươn lên học khá, giỏi; nhiều HS vượt qua các kỳ thi tuyển rồi ra trường thành người hữu ích cho xã hội. Không biết ông Bộ trưởng ngày xưa đi học thế nào, chứ chúng tôi thời phổ thông đã học thêm ngoại ngữ từ lớp 6-7 hay học thêm toán, lý, hóa từ lớp 11-12 để chuẩn bị thi tú tài hay thi vào đại học là chuyện bình thường. Trong số chúng tôi ngày nay nhiều người thành đạt và đóng góp cho xã hội, cho đất nước từ nhiều ngành nghề khác nhau, ở trong và ngoài nước, có nhiều người có học vị, học hàm cao. Khi họp mặt sau hơn 30 năm ra trường trung học, chúng tôi vẫn có những kỷ niệm tốt đẹp về mái trường, về thầy cô, về bạn bè và cả những kỷ niệm về việc học thêm ngày ấy (đã phần nào giúp chúng tôi thành công sau này).

Kinh nghiệm ngày nay trong việc hướng dẫn việc học cho các con, tôi nhận thấy nhờ học thêm mà con tôi từ học khá nâng lên học giỏi ở trung học, vào đại học phát huy được năng lực học tập và nghiên cứu khoa học nhờ nền tảng vững chắc thời trung học. Việc cần quan tâm là cho cháu học thêm lúc nào, môn nào. Việc này hoàn toàn tùy thuộc nhu cầu của từng HS. Không cho học thêm là tước đi quyền học tập của các cháu. Còn không cho hay hạn chế quyền dạy thêm của thầy cô thì HS có nhu cầu học thêm với ai, đừng nói các cháu tự học thêm (vì học sinh trung học có thể tự học thêm nhưng kết quả không như sinh viên tự học thêm được). Nhiều thầy cô mở lớp dạy thêm, nhiều trung tâm dạy thêm đã giúp phần lớn HS nắm vững kiến thức hay củng cố kiến thức học ở trường một cách hữu ích.

Việc dạy thêm còn giúp thầy cô có thêm thu nhập chính đáng, lương thiện bù đắp hao phí lao động mà mức lương nhận được của ngành giáo dục còn hạn chế, đời sống thầy cô được nâng lên thì việc dạy học ở trường chắc chắn sẽ tốt hơn. Nói cho cùng, khi tiền lương thật sự đúng với khái niệm của nó là bù đắp hao phí lao động đã bỏ ra và góp phần tích lũy cho đời sống, thì sau giờ dạy chính thức ở trường, đa phần thầy cô đều muốn nghỉ ngơi cho khỏe.

Còn việc bắt buộc HS phải học thêm vì tư lợi của số ít giáo viên làm cho các cháu mỏi mệt và phụ huynh ta thán thì nên bỏ đi.

Do vậy, xin hết sức thận trọng trước khi ban hành văn bản pháp quy về việc này .

Võ Thành Sơn (TP.HCM)

Cần "nhận dạng" hình thức dạy thêm mang tính thương mại
 
Với tình hình nước ta hiện nay, việc dạy thêm, học thêm không phải hoàn toàn tiêu cực. Ở nhiều quốc gia, việc này vẫn tồn tại với không ít vai trò tích cực của nó. Một vấn đề cốt lõi trong quản lý dạy và học thêm là kiểm soát được việc dạy thêm mang tính thương mại. Nhưng thế nào là mang tính thương mại? Không khó để nhận dạng. Đó là việc tổ chức các hình thức dạy có số lớp nhiều hơn 1 lớp và số lượng người học thường nhiều hơn 40. Đặc biệt, có hiện tượng người tổ chức lớp học không trực tiếp đứng lớp để giảng dạy mà thuê mướn người dạy khác (dạy cùng). Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc quản lý cũng không nên cấm việc dạy và học thêm mà quan trọng là nhận biết được bản chất của các lớp này để có các biện pháp khuyến khích hay hạn chế. Cụ thể như nếu phát hiện việc dạy và học thêm mang tính thương mại thì nhà nước sẽ dùng các biện pháp đánh thuế "sòng phẳng". Đối với trường hợp buộc HS phải theo học thêm (mới "qua" được môn học hay được điểm cao ở môn học đó) thì chỉ cần có các quy định về việc đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập sao cho mang tính khách quan hơn (trắc nghiệm, bốc thăm ngân hàng câu hỏi môn học v.v...) là có thể ngăn chặn được.

Huy Phan (Cần Thơ) 

Chỉ nên bồi dưỡng và phụ đạo theo đúng nghĩa
 
Chuyện dạy thêm, học thêm xét về một khía cạnh nào đó là nhu cầu của xã hội. Nhưng trong những năm qua nó không còn mang ý nghĩa nguyên vẹn của nó mà bị biến tướng dưới nhiều hình thức, mà mục đích chủ yếu của người dạy là vì kinh tế. Hầu hết việc dạy thêm và học thêm là học trước chương trình. Nhiều thầy cô giáo không còn lương tâm đã trù dập những HS không học thêm bằng nhiều cách, dây thiệt thòi cho những cháu không đi học thêm, như cho HS học thêm biết trước chương trình kiểm tra, dạy sơ sài ở lớp khiến HS không đi học thêm không hiểu bài v.v... Tôi đã từng chứng kiến và tiếp xúc với một số em HS cấp 3, các em đều nói các em không có nhu cầu mà đi học là vì sợ thầy cô bộ môn và cha mẹ bắt học. Động cơ học tập không có làm sao có chất lượng, hơn nữa khi các em đã quá mệt mỏi suốt cả ngày học chính khóa, tan trường đáng lý được nghỉ ngơi, xem lại bài thì lại phải lao vào "lò luyện" khi tinh thần, thể chất, trí tuệ đều mệt mỏi.

Tôi thống nhất với dự thảo và một số ý kiến là: Tuyệt đối cấm dạy thêm, học thêm đối với HS tiểu học. Hạn chế học thêm dạy thêm ở cấp 2 và có những quy định cụ thể, có biện pháp khả thi để quản lý việc dạy thêm và học thêm. Chỉ nên dạy bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu kém theo đúng nghĩa của nó.

Nguyễn Thế Lực (Tây Ninh)

K.H (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.