Hoạch định sách lược giáo dục: Nên tham khảo, học hỏi từ bạn

21/10/2004 15:20 GMT+7

Tôi là một Việt kiều, luôn theo dõi tình hình phát triển mọi mặt của đất nước qua báo chí. Tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục mà thời gian gần đây công luận đã lên tiếng rất nhiều. Xin được nói về thực tế phát triển ngành giáo dục của nước bạn, từ đó rút ra một số ý kiến đóng góp như sau:

Ở Thụy Sĩ, nơi gia đình tôi sinh sống từ 25 năm nay, đa số học sinh đi học được định hướng chỉ học hết cấp 2. Một số nhỏ xuất sắc sẽ học hết cấp 3. Một số rất nhỏ mới vào đại học. Nhưng đừng vội cho rằng dân trí của Thụy Sĩ thấp. Ngược lại đây là một trong những quốc gia hàng đầu của thế giới về phát triển công nghiệp, thương mại, khoa học, nghệ thuật; người dân có một mức sống rất cao, cao hơn cả tại Hoa Kỳ. Trẻ em đi học cũng như là đi chơi. Ở cấp 1 học sinh không có bài làm tại nhà, vào trường chủ yếu là vui chơi, vẽ tranh, ca hát, chương trình học hầu như không có gì nếu so với Việt Nam. Con tôi đi học lớp 1 mà chỉ cần đếm được từ 1 đến 10. Mẹ cháu sốt ruột quá dạy cháu đếm tới 100. Nhưng vì việc này mà gia đình tôi bị một phen hú hồn vì nhà trường mời lên cảnh cáo vì dám dạy cháu trước chương trình của trường. Thế là còn may, trong lớp có cháu bé người Trung Quốc bị nhà trường cho nghỉ học 2 năm, họ cho rằng cháu không cần đến lớp nữa vì đã biết đếm từ 1 đến 1000, vì thế cháu nên về Trung Quốc học thêm về văn hóa Trung Hoa trong 2 năm sẽ có ích lợi cho cháu hơn. Ở trường họ dạy học sinh những điều hết sức thiết thực. Các em phải học các bài học về về lịch sự, cách xử thế, thí dụ các em được chia làm 2 nhóm, nhóm con gái đánh rơi khăn mù xoa xuống đất, nhóm con trai lượm lên mang trả lại, nhóm con gái phải nói lời cám ơn. Mỗi em đều phải chọn một nhạc cụ để học, có điều kiện thì mua piano, không thì mua một cái sáo cũng được, tất cả phải học đàng hoàng để biểu diễn cho cả trường nghe. Em nào cũng phải học trượt tuyết, học bơi (trong khi ở ta, dù sống trong vùng sông nước mà thỉnh thoảng báo chí vẫn đăng tin một số học sinh bị chết đuối). Một số ít em có tư duy sáng tạo nổi bật sẽ được học tiếp cấp 3. Đa số xong cấp 2 thì đi học nghề rồi đi làm.

Số vào đại học thực sự là tinh hoa của đất nước, nhưng mức lương của kỹ sư cũng chỉ hơn người công nhân bình thường đôi chút, mà kỹ sư lại phải đóng thuế nhiều hơn, mức chênh lệch giàu nghèo không quá lớn. Trình độ cảm thụ nghệ thuật của đại đa số dân chúng gần như nhau. Ở bên ta thì mọi học sinh đi học đều nhắm tới việc vào đại học, coi như đó là mục đích của việc học, không được vào đại học coi như việc học thất bại. Mà vào được đại học cũng đâu đã phải là thành phần ưu tú nhất, chỉ cần làm được toán, lý, hóa, sinh, Anh, văn là nghiễm nhiên trở thành bác sỹ, kĩ sư, thầy giáo. Ở nước ngoài người ta chú trọng vào thành tích hoạt động xã hội của các em khi xét tuyển đại học vì nó làm lộ ra tinh thần phục vụ cộng đồng của các em. Xã hội không chấp nhận các bác sĩ trở thành những cái máy chém, vô đạo đức...

Tôi cho rằng các nhà hoạch địch sách lược giáo dục của Việt Nam nên nghiên cứu và trực tiếp tham quan, tham khảo hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó chọn lọc, học tập kinh nghiệm của họ để áp dụng, chứ không chỉ loay hoay tìm tòi, thí điểm, cải cách lẩn quẩn mãi như thời gian vừa qua.

Nguyễn Việt
(Thụy Sĩ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.