Bệnh “xoàng” mà chữa không dễ !

24/12/2008 10:58 GMT+7

Do những thay đổi của môi trường, thời tiết đã khiến người bị viêm mũi dị ứng ngày càng tăng. Chính tâm lý xem thường bệnh đã khiến việc điều trị căn bệnh này trở nên phức tạp

Chị Mai Anh, giám đốc một công ty TNHH ở Cầu Giấy (Hà Nội), thường xuyên phải giao dịch với đối tác nhưng khổ nỗi cứ mỗi khi “trái gió trở trời” chứng ngứa mũi, nghẹt mũi, ngứa mắt lại khiến chị khổ sở. Không ít lần chị đành bỏ dở công việc chỉ vì không kìm được những tràng hắt hơi kéo dài trước mặt khách hàng.

“Sụt sịt” quanh năm

Theo GS-TS Nguyễn Năng An, Chủ tịch hội Hen dị ứng miễn dịch lâm sàng VN, ở nước ta, khoảng 16% – 20% dân số mắc bệnh dị ứng đường hô hấp. Không khí ô nhiễm ở các đô thị đã khiến người mắc bệnh này ngày càng tăng. Thậm chí ngay cả khi sống hay làm việc trong các không gian cách ly với không khí ô nhiễm của đô thị, nhiều người vẫn bị viêm mũi dị ứng. Bởi lẽ ở các không gian kín này, việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ đã tạo điều kiện tốt cho các yếu tố gây bệnh phát triển. Ngoài ra, các tác nhân khác như lông súc vật, nấm mốc cũng là yếu tố gây bệnh.

Người bị viêm mũi dị ứng thường có triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi nước, ngứa đỏ mắt, ngứa vòm họng... quanh năm, nhất là khi thời tiết thay đổi. Bệnh tuy không gây chết người nhưng lại khiến người mắc khổ sở vì ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc, gây khó chịu, mệt mỏi thường xuyên. “Vì thế bệnh mà không ít người cho rằng bệnh “xoàng” có thể tự khỏi, tự điều trị này là một trong những nhóm bệnh nguy hiểm đối với con người” – GS An cảnh báo.

Giải mẫn cảm

 Người có cơ địa dị ứng dễ bị sốc phản vệ

PGS-TS Nguyễn Văn Lộc, Phòng khám hen phế quản, Bệnh viện Nhi Trung ương, khẳng định tất cả các thuốc chỉ có tác dụng ngăn chặn các triệu chứng chứ không điều trị được tận gốc bệnh. Bởi hầu hết các bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng không phải chỉ bị dị ứng với một dị nguyên, mà có thể dị ứng với nhiều dị nguyên khác nhau: khói, bụi, nấm mốc, phấn hoa... Hơn nữa, liệu pháp miễn dịch đòi hỏi phải chẩn đoán chính xác dị nguyên đặc hiệu. Với những người có cơ địa dị ứng rất dễ bị sốc phản vệ, do đó nếu kiểm tra test xét nghiệm không cẩn thận, không những không giải quyết được bệnh mà tiêm sai còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.

Gần đây, không ít người bị viêm mũi dị ứng đã tìm đến phương pháp tiêm thuốc dưới da để tiêu diệt căn bệnh khó chịu này. Theo GS An, tiêm thuốc dưới da thực ra là dùng miễn dịch liệu pháp (hay giảm mẫn cảm đặc hiệu) để thay đổi cách thức phản ứng về miễn dịch của người bệnh đối với chất gây dị ứng (giống như vắc-xin). Với phương pháp này, bác sĩ sẽ chích vào cơ thể bị dị ứng một loại kháng nguyên với liều cao để cơ thể tự đáp ứng để được miễn dịch. Đây là một phương pháp có hiệu quả từ 60%-80% đối với người bệnh.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này. Trước khi chỉ định điều trị, bác sĩ sẽ kiểm tra để biết bệnh nhân dị ứng loại nào, từ đó mới chỉ định loại kháng nguyên phù hợp. Phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu điều trị có hiệu quả đối với một số bệnh dị ứng như: hen phế quản, viêm mũi dị ứng mà dị nguyên gây bệnh có thể là phấn hoa, bụi nhà, lông súc vật...

Cũng theo TS Dinh, cách điều trị này cũng không đơn giản vì phải tiêm nhiều ngày, thời gian điều trị ít nhất từ 6 tháng tới 5 năm, thậm chí hàng chục năm để cơ thể duy trì kháng thể chống lại yếu tố gây dị ứng. Trong khi đó hiệu quả khỏi hẳn bệnh dị ứng không ổn định, không đồng đều cho tất cả mọi trường hợp nên việc sử dụng cũng chưa phổ cập rộng rãi. Hơn nữa, trong quá trình tiêm có thể xuất hiện các chống chỉ định phải ngừng điều trị. Do vậy, phương pháp này khó áp dụng rộng rãi, mất quá nhiều thời gian và tốn kém. “Thực tế, nhiều bệnh nhân tiêm thuốc được vài tháng thì mất kiên nhẫn, bỏ ngang, bệnh đã đỡ được 80% - 90% nhưng sau đó lại nhanh chóng tái phát”- TS Dinh cho biết.

Theo Lê Thanh (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.