Doanh nghiệp FDI kém mặn mà với địa ốc

17/11/2005 09:55 GMT+7

Nếu như cuối năm ngoái hàng loạt dự án bất động sản có yếu tố nước ngoài được cấp phép thì sang năm nay lĩnh vực này dường như rất im ắng. Một suất 100% vốn nước ngoài cho các nhà đầu tư châu u để ngỏ đã lâu song chưa có ý tưởng nào được đưa ra.

Theo thỏa thuận về tiếp cận thị trường ký với EU ngày 3/12/2004, VN cam kết mở cửa cho một dự án bất động sản 100% vốn nước ngoài từ châu u với nhiều điều kiện ưu đãi. Đây là một nhượng bộ hết sức khó khăn (trước đây, hai dự án 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng đô thị mới là Phú Mỹ Hưng và Ciputra được cấp phép trong điều kiện thị trường chưa phát triển). Theo Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cho biết thì Bộ sẵn sàng xem xét một cách thiện chí, song đến thời điểm này vẫn chưa có đề nghị nào.

Tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản có vẻ kém mặn mà hơn trước trong khi nguồn vốn cho lĩnh vực này ngày càng có nhu cầu lớn là lý do khiến lãnh đạo TP.HCM phải sang tận Singapore và Malaysia xúc tiến đầu tư trong tháng 11 này. Tại đây, khu đô thị mới Thủ Thiêm được "chào hàng" với một loạt ưu đãi về thuế gồm các mức 10%, 15%, 20% và 28% tùy từng dự án thành phần (mức bình thường là 28%), thời gian miễn giảm từ 2 đến 7 năm. Kinh doanh phát triển hạ tầng kỹ thuật hay doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào VN sẽ hưởng thuế 10% trong 15 năm đầu tiên, miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong 7 năm tiếp theo kể từ khi có lợi nhuận chịu thuế.

Hà Nội cũng mới tổ chức một hội nghị kêu gọi đầu tư ngay tại thủ đô với một loạt dự án khát vốn như khách sạn quốc tế 5 sao, khu nhà ở cao cấp Tây Hồ Tây, khu đô thị Nam Vân Trì, khu đô thị bãi Tầm Xá...

Trong khi các địa phương có nhu cầu lớn như vậy và đang chật vật xoay vốn, dự luật Kinh doanh bất động sản lại có xu hướng co hẹp các hình thức đầu tư. Người nước ngoài hoặc Việt kiều không được thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng để chuyển nhượng, cho thuê; không được phép mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê lại. 

Góp ý cho dự luật này, ông Trần Thanh Khiêm, Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội cho rằng, thị trường bất động sản ở nước ta chưa phát triển mạnh, cần tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia lành mạnh, cạnh tranh và công bằng.

Chủ tịch Liên đoàn lao động Cần Thơ Trần Hồng Việt nhận xét, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng giá cả cao bất hợp lý, do vậy cần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh để cho các nhà đầu tư có thực lực về tài chính, có kinh nghiệm nhảy vào đầu tư. Cần tạo điều kiện cho cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài kinh doanh bất động sản, làm cho thị trường tăng tính cạnh tranh, kéo giá đất trở về giá trị thực.

Trước ý kiến của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân giải thích chủ trương của cơ quan quản lý là hạn chế về sở hữu bất động sản ở Việt Nam, còn kinh doanh thúc đẩy việc đưa bất động sản từ chủ thể này sang chủ thể kia thì không hạn chế. Riêng đầu tư về bất động sản để bán lại, cho thuê nhằm mục đích sở hữu (có thể mua rồi chưa chắc bán lại) thì khó kiểm soát được, vì thế không khuyến khích.

Phong Lan
(Vnexpress)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.