Các bạn trẻ bây giờ ít khó khăn hơn để hòa nhập

01/01/2010 04:21 GMT+7

(TNO) Phương Hiền là người kín đáo và ít nói. Sớm sang Mỹ học tập rồi ở lại làm việc ngay tại thủ đô của cường quốc này, Phương Hiền đã tạo dựng cho mình một nền tảng vững chắc với cả sự nghiệp và gia đình. Trong ngày cuối cùng của năm 2009, gia đình lại vừa dọn đến căn nhà mới mua nhưng Phương Hiền vẫn dành cho Thanh Niên Online một cuộc trò chuyện dài, chân thành và cởi mở.

Có một người bố làm kinh doanh giỏi có phải là lý do chị chọn ngành kinh doanh để học ở Mỹ hay không? Tại sao lại là nước Mỹ?

- Tôi có may mắn lớn lên trong một gia đình kết hợp được hài hòa cả hai truyền thống kinh doanh và học hành. Đối với tôi thì bố tôi, ông Nguyễn Quốc Hiệp (nguyên Tổng giám đốc Công ty Constrexim - LTTH)) là ví dụ rõ ràng nhất cho sự kết hợp hài hòa mà tôi vừa nhắc tới. Trước khi trở thành một người kinh doanh thành công thì bố tôi là một thanh niên Hà Nội xung phong trở thành một thầy giáo trường làng ở Hưng Yên, và tiếp sau đó là một phóng viên chiến trường. Gốc gác học hành chắc đã giúp cho ông tiếp cận công việc kinh doanh một cách nhân văn và đạo đức hơn. Ông là người có ảnh hưởng rất lớn tới mọi quyết định và lựa chọn của tôi. Ngay từ lúc tôi còn bé, ông luôn ở cạnh bên chỉ bảo và hướng dẫn tôi nên về sau này mọi người nhận xét là tính cách và suy nghĩ của tôi có nhiều điểm giống ông. Trước mọi quyết định quan trọng tôi đều hỏi ý kiến ông nhưng điều này không có nghĩa là ông quyết định mọi việc trong cuộc đời cho tôi.

Những nhận thức của một người Việt trẻ sớm “ra với thế giới” như Phương Hiền đã thay đổi như thế nào khi chị đến Mỹ?

- Thời tôi qua học ở Mỹ 11 năm trước đây thì thách thức lớn nhất không phải việc học hành mà là liên lạc với gia đình. Thời đó những cách thức giao tiếp qua mạng Internet còn chưa phát triển, cước điện thoại quốc tế cao, và thư từ gửi qua bưu điện thường mất 2-3 tuần để đi từ Việt Nam tới Mỹ và ngược lại. Nhớ nhà và luôn thèm đồ ăn Việt Nam là hai cảm giác mạnh mẽ nhất của thời gian đó mà giờ nghĩ lại tôi vẫn còn cảm nhận được.

Nguyễn Thị Phương Hiền là học sinh chuyên Anh Hà Nội - Amsterdam (1995-1998), sinh viên University of Arizona (1998 -2002), American University - MBA tài chính (2003-2005) . Đã làm việc ở văn phòng Baker & McKenzie (Công ty Luật lớn nhất thế giới) ở Washington DC phân ngành mới của lĩnh vực Thuế là Transfer Pricing (Giá chuyển giao) 2005-2007, từ 2007 đến nay, Phương Hiền là Quản lý cho Ernst & Young ở McLean, Virginia bên ngoài Washington DC.

Tôi hình dung rằng các bạn trẻ bây giờ qua Mỹ học không phải chịu những thách thức đó. Thông tin, truyền thông, viễn thông, thương mại quốc tế phát triển giúp cho Việt Nam và Mỹ trở nên gần và giống nhau hơn. Các bạn chắc sẽ có ít khó khăn hơn trong việc thích nghi, hòa nhập, và lựa chọn ngành học.

Môi trường học nơi này cho tôi những năng lực suy luận và ra quyết định độc lập, ý thức xã hội và tinh thần công dân thế giới ví dụ như tinh thần làm việc thiện hay bảo vệ môi trường sống, đồng thời thúc đẩy tôi phải phân định rạch ròi trắng đen trong các vấn đề đạo đức ở môi trường trường học. Trong cách tiếp cận học hành và kiến thức tôi đề cao tính hiệu quả và khả năng áp dụng ngay, là đặc trưng cho lối học bám sát thực tế.

Tuy vậy, một thiệt thòi của việc đi du học từ sớm khi chưa thực sự trưởng thành hoàn toàn về trí tuệ là tôi không thực sự giỏi trình bày các vấn đề trừu tượng bằng tiếng Việt. Tôi đôi khi nhầm lẫn các khái niệm ví dụ như “phát minh” với “thuyết minh”, và hay trộn lẫn các thành ngữ tục ngữ Việt Nam.

Hình như chị không khó khăn để học từ Đại học đến MBA và còn được điểm MBA tối đa, chị đã có những “cách” học như thế nào để thích nghi với một môi trường giáo dục như nước Mỹ?

- Sau khi tốt nghiệp đại học tôi đi làm một thời gian ngắn rồi tiếp tục học cao học về quản trị kinh doanh MBA tại đại học American University ở Washington DC. Tôi đã cố gắng hết sức để kết thúc chương trình 2 năm trong 1 năm rưỡi với điểm tổng kết toàn khóa học hoàn hảo là 4.0 trong thang điểm Mỹ. Trường học Mỹ khuyến khích người ta hiểu vấn đề chứ không đặt nặng việc học thuộc lòng, và giáo sư cho điểm cũng tương đối rộng rãi hơn so với giáo viên ở Việt Nam nên việc học của tôi không đến nỗi quá vất vả và thành quả cũng không đến nỗi quá to tát như mọi người có thể hình dung, ví như khi đặt trong môi trường học ở Việt Nam. Tôi ghi chú tóm tắt, hình dung và suy nghĩ liên tục một cách có hệ thống về các kiến thức được học. Khi suy nghĩ đủ lâu thì các kiến thức hình như đều liên quan tới nhau nên càng học nhiều thì việc nắm bắt kiến thức lại càng trở nên dễ dàng. Hình như tôi cũng cố học nhanh để tránh phải tốt nghiệp cùng lúc với quá nhiều người khác cùng cạnh tranh xin việc.

Chị đang “làm thuê” dù là làm thuê cho một công ty lớn, nhưng chị có muốn trở thành một người chủ, cho dù có thể bắt đầu vất vả khó khăn hơn?

- Tôi may mắn được nhận vào làm ngay sau khi tốt nghiệp cho công ty luật hàng đầu thế giới Baker & McKenzie tại Washington trong một lĩnh vực tương đối mới trong ngành Thuế là Giá chuyển giao (Transfer Pricing). Sau hai năm làm việc và học nghề ở đó tôi đã chuyển qua làm việc cho công ty Ernst & Young và năm qua mới được thăng lên ngạch Quản lý (Manager).

Tôi nghĩ sẽ không sai nếu tôi nhận định là bất cứ những ai đã từng đi làm thuê (dùng từ của chị) cũng đều có ước mơ một ngày được trở thành người chủ. Đối với một người tuổi đời và kinh nghiệm đều còn trẻ như tôi thì khoảng thời gian đi làm thuê này là rất cần thiết vì nó giúp tôi học hỏi được nhiều từ chính những người “chủ” của mình, không những chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn cả về phương thức quản lý và lãnh đạo, những kỹ năng cần thiết của một người quản lý kinh doanh.

Chị giữ mối dây “liên kết” của mình với quê hương bằng cách nào? Nỗi nhớ Việt Nam hiện diện trong chị thường xuyên nhất là những hình ảnh gì?

- Tôi xin phép trả lời câu hỏi này của chị bằng lời hát quen thuộc “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…” Thực vậy Hà Nội và rộng hơn là Việt Nam vẫn sẽ luôn là quê hương yêu dấu, cũng như dù tôi có ở đâu làm gì thì cũng sẽ vẫn nói tiếng Việt, ăn cơm với nước mắm, dù có Tây hóa Mỹ hóa đến đâu cũng vẫn mang những nét Việt Nam tốt và xấu không thể thay đổi được. Như motif người Mỹ hay đùa thì người ta có thể mang tôi ra khỏi Việt Nam chứ khó có thể mang Việt Nam ra khỏi tôi. Gia đình tôi ăn cơm Việt Nam hằng ngày và dùng đồ Việt Nam bất kỳ lúc nào có thể. Tôi trò chuyện với gia đình ở Việt Nam gần như hằng ngày, cập nhật tin tức thời sự nóng hổi ở Việt Nam qua các kênh truyền thông. Giờ thực phẩm Việt Nam ở Mỹ còn nhiều, rẻ, và chất lượng tốt không kém ở Việt Nam thì tôi không còn nhớ đồ ăn ở Việt Nam nhiều như trước. Có chăng là nhớ ăn một món ăn trong một khung cảnh nhất định, đặc biệt da diết là các khung cảnh đoàn tụ gia đình, họ hàng như trong các thời khắc thiêng liêng của bữa cơm tất niên hay bữa giỗ.

Thời gian trong năm chúng tôi nhớ Việt Nam nhiều nhất là thời gian Giáng sinh và Năm mới của Mỹ, là thời gian cả xã hội Mỹ đặt trọng tâm vào những niềm vui gia đình. Buổi sáng ngày 25.12.2009 ở Washington đường phố vắng tanh và có mưa bụi làm tôi nhớ nhiều tới cảnh sắc sáng mùng Một Tết ở Hà Nội những năm xưa cũ.

Một ngày của chị diễn ra như thế nào? Và ngày nào sẽ khác?

- Tôi thường dậy lúc 6 giờ 30 sáng, chuẩn bị đồ ăn sáng và ăn trưa cho con trai 2 tuổi của chúng tôi. Tôi lái xe đi làm và có mặt ở công ty lúc 8 giờ sáng để bắt đầu một ngày làm việc thực sự và năng suất. Tôi thường ăn trưa tại bàn làm việc, cũng là lúc tôi đọc tin Việt Nam. Tôi rời công ty lúc 5 giờ chiều và giải quyết các công việc riêng tư trên điện thoại. Khi về tới nhà tôi không trả lời điện thoại nữa.

Đối với tôi những ngày trong tuần đều giống nhau và chỉ có ngày cuối tuần là khác vì đây là lúc tôi có thể toàn tâm toàn ý với gia đình. Cuối tuần nào vợ chồng tôi cũng đưa con trai ra ngoài chơi và đi gặp hay ăn uống với bạn bè. Làm việc bận rộn làm tôi thực sự quý những thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi cuối tuần.

Một người phụ nữ hiện đại như chị nhưng vẫn có ràng buộc gia đình là chồng, là con sẽ quản lý thời gian khó khăn không? Điều gì là quan trọng nhất, ưu tiên nhất cho mỗi ngày của chị?

- Cuộc sống của người làm công ăn lương ở Mỹ có những đòi hỏi cao về thời gian, công sức, và nỗ lực nên nếu không quản lý thời gian được tốt thì chắc chắn tôi sẽ bị căng thẳng với những điều không cần thiết. Khi ở công ty tôi tập trung hết tâm lực vào công việc nhưng khi đã về nhà thì gia đình với tôi là trên hết. Tôi cố gắng làm cho mỗi phút đều trở nên hữu ích để có thể giành nhiều thời gian nhất với chồng con. Ví dụ việc ăn mặc trang phục của phụ nữ thường làm mất nhiều thời gian buổi sáng nên khoảng vài phút trước khi ngủ tôi thường hoạch định trước xem sẽ ăn mặc như thế nào vào buổi sáng và vì thế tôi chỉ mất 5 phút cho việc trang phục mỗi ngày trước lúc đi làm.

Giờ đã là một phụ nữ có gia đình và con cái thì tôi đặt gia đình mình lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Tôi đi làm và cố gắng xây dựng sự nghiệp cũng một phần vì tôi muốn con tôi sẽ có một cuộc sống hiện tại và tương lai ổn định. Chồng tôi cũng là người Hà Nội hiện đang làm việc cho Ngân hàng Thế giới ở Washington DC. Đàn ông Việt Nam ở Mỹ cũng học được thói quen của đàn ông thế giới là chăm sóc gia đình và làm việc nhà nên chồng tôi cũng đỡ đần cho tôi nhiều phần việc nhà và cuộc sống. Sự phân công lao động này chúng tôi cố gắng cải thiện mỗi ngày tùy thuộc vào các định hướng và nhu cầu công việc và nghề nghiệp của mỗi bên vợ chồng.

Chị có đặt lịch cho tương lai của mình không? Những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời của chị là gì? Nó có bao nhiêu phần trăm là sự tình cờ?

- Như đã nói lúc trước tôi luôn cố gắng suy nghĩ và sắp xếp mọi công việc từ trước để có thể tối ưu hóa việc sử dụng quỹ thời gian hữu hạn của mình. Những sắp xếp này không chỉ bao gồm những sắp xếp ngắn hạn như mặc quần áo nào đi làm mà còn các kế hoạch trung và dài hạn. Tôi mong tới một lúc có thể giảm bớt công việc của bản thân để có nhiều thời gian chăm sóc và lo lắng cho con cái. Điều này muốn thành hiện thực tất nhiên còn phụ thuộc vào khả năng thăng tiến trong công việc của chồng tôi. Những dấu mốc lớn trong thời gian tôi ở Mỹ có thể kể tới việc tôi là công dân Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp từ trường University of Arizona hay việc tôi được thăng chức lên ngạch Quản lý vào đúng ngày sinh nhật 2 tuổi của con trai tôi. Tôi không nghĩ những gì tôi đã đạt được là do tình cờ. Có yếu tố may mắn và cơ hội nhưng chính yếu vẫn là những nỗ lực không mệt mỏi của cá nhân.

Những điều chị nghĩ là cần thiết để các bạn trẻ người Việt có thể tự tin ra thế giới?

- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất các bạn cần có từ sớm là khả năng ngoại ngữ. Bên cạnh đó nếu được cũng nên có những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp hiệu quả với người khác. Ra thế giới là cơ hội để mỗi người tự nhìn bản thân và nhìn mảnh đất quê hương trong những ánh sáng mới và lạ. Tình yêu quê hương đất nước sẽ không chỉ đơn giản là tình yêu vô điều kiện, tự nhiên như khi mà “nơi ta ở là nơi đất ở”. Đi ra nước ngoài cho phép mỗi chúng ta khẳng định lại tình yêu quê hương với một sự thông hiểu sâu sắc hơn.

Lê Thị Thái Hòa (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.