Vẫn chờ bệnh sởi 'hạ nhiệt'

20/03/2014 16:11 GMT+7

(TNO) Sau hai tuần mở chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi, số lượng bệnh nhi nhập viện vì bệnh này hiện nay vẫn còn cao và các bác sĩ vẫn đang chờ bệnh “hạ nhiệt” nhờ hiệu lực của vắc-xin.

 
Nhiều trẻ vẫn nằm viện Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) điều trị bệnh sởi - Ảnh: Nguyên Mi

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết, hôm nay (20.3), bệnh viện vẫn có gần 60 bệnh nhi đang nằm viện điều trị bệnh sởi. Trong đó có hai trường hợp biến chứng nặng vào phổi, phế quản, phải thở máy.

Các bệnh nhi nằm viện chủ yếu dưới 3 tuổi và chưa tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết, khoa hiện có 24 trẻ đang điều trị bệnh sởi. Số bệnh nhi nằm viện có giảm nhẹ so với cuối tháng 2, tuy nhiên con số này vẫn còn cao.

Đặc biệt, số bệnh nhi tại TP.HCM có xu hướng giảm, trong khi có nhiều trường hợp bệnh nhi sởi ở các tỉnh được chuyển đến bệnh viện.

“Trẻ mắc bệnh sởi nhập viện đều được người nhà cho biết vẫn chưa tiêm vắc-xin ngừa sởi”, bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, các bác sĩ điều trị vẫn đang chờ bệnh sởi “hạ nhiệt” sau đợt tổng tiêm vét vắc-xin sởi.

Bác sĩ Việt cho biết: Thông thường sau khi tiêm ngừa sởi từ 15 ngày cơ thể sẽ có đề kháng. Sau mũi tiêm ngừa đầu tiên, không phải 100% trẻ đều miễn nhiễm với vi-rút sởi nhưng nếu có bị bệnh cũng sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

“Về nhân lực và vắc xin ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ. Không phải lo về tình trạng thiếu vắc xin”, bác sĩ Việt nhận định. Tuy nhiên, điều then chốt là phụ huynh có chịu cho con đi tiêm ngừa đầy đủ hay không. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phải được thông báo, tuyên truyền rộng rãi cho người dân được tiếp cận rõ thông tin, đưa con đi tiêm vắc-xin đầy đủ.

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM): Người bệnh sởi có thể lây lan cho xung quanh trong giai đoạn trước khi phát ban năm ngày và đến bốn ngày sau khi ban lặn.

Triệu chứng của bệnh sởi:

- Những triệu chứng đầu tiên bao gồm: sốt có thể đến 40oC, mệt mỏi, chán ăn.
- Sau đó, mắt đỏ và chảy nước mắt, có thể sợ ánh sáng; ho và hắt hơi, đau họng; ban đỏ xuất hiện ở mặt rồi lan ra toàn thân.

Phần lớn các triệu chứng sẽ giảm dần sau 2 - 3 ngày phát ban. Sau 3 - 4 ngày, ban chuyển màu nâu và lặn dần. Ho có thể kéo dài 1 - 2 tuần sau khi ban lặn.

Biến chứng của sởi:

- Nhiễm trùng hô hấp: viêm phế quản phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản.
- Viêm não.
- Viêm hoặc loét giác mạc.
- Sởi có thể gây những biến chứng lâu dài và có thể gây tử vong.

Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt: Các trường hợp nhẹ hơn chỉ cần theo dõi tại nhà, bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc vệ sinh hô hấp rồi bệnh sẽ tự khỏi. Chỉ khi nào trẻ có các dấu hiệu biến chứng như sốt cao không hạ, khó thở mới cần nhập viện.

Phụ huynh có thể điều trị bệnh sởi cho trẻ tại nhà bằng cách: cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước; có thể dùng acetaminophen để hạ sốt và giảm đau, uống vitamin A. Không được uống aspirin hoặc các thuốc có chứa aspirin trong bệnh sởi.

Nguyên Mi

>> TP.HCM tăng cường phòng chống bệnh sởi
>> Cứu sống bé trai bệnh sởi biến chứng nặng
>> Biến chứng đáng sợ của bệnh sởi
>> Bệnh sởi bùng phát cao nhất trong 3 năm qua
>> Tập trung cấp bách chống cúm gia cầm, tiêm bù vắc xin sởi
>> Dịch sởi bùng phát tại TP.HCM: Hậu quả của việc không tiêm vắc xin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.