Vĩnh biệt họa sĩ Dương Đình Sang

18/10/2005 22:00 GMT+7

Sau một cơn đau tim đột ngột, vào 2h sáng ngày 18/10/2005 (nhằm ngày 16/9 Ất Dậu), họa sĩ Dương Đình Sang đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng của mình - số 30/8 đường Lê Thánh Tôn, TP Huế, từ giã gia đình, người thân và bè bạn ở tuổi 55.


Sinh năm 1950 trong một gia đình vốn có truyền thống mỹ thuật, Dương Đình Sang bước vào con đường hội họa từ rất sớm. Lần đầu tiên công chúng Huế biết đến tranh của anh từ một cuộc triển lãm dành cho họa sĩ trẻ Huế năm 1971 tại Hội Việt - Mỹ, tiếp sau đó, cũng tại địa chỉ này anh lại có thêm một cuộc triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường năm 1974. Những năm sau đó, bên cạnh công tác giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Trường Đại học Nghệ thuật Huế), Dương Đình Sang dành phần lớn thời gian vào hoạt động nghệ thuật và sáng tác.

Là hội viên Hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, hội viên Hội Mỹ thuật VN, sau năm 1975, anh đã có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Huế, tham gia nhiều cuộc triển lãm chung với các tác giả tên tuổi trong nước và quốc tế như: tham gia hai triển lãm toàn quốc (1976 và 1980); triển lãm chung với Hoàng Đăng Nhuận, Bửu Chỉ tại Nhà văn hóa Huế (1982); triển lãm cá nhân tại Gallery Đồng Khởi, TP.HCM; triển lãm tại Gallery Notices Singapore (1992) tại Paris, Pháp (1993). Riêng năm 1994, ngoài cuộc triển lãm chung với họa sĩ Thyge Thomasen tại Hội nhà báo TP.HCM, Dương Đình Sang đã có một cuộc hội ngộ lớn cùng 26 tác giả Huế thành danh mà phần lớn đều xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế tại Hành lang Bích Câu (Cung văn hóa lao động TP.HCM). Từ 1994 - 1998, anh đã có những bước đi dài đến với công chúng thế giới: triển lãm tại London (Anh),  triển lãm chung với họa sĩ Thyge Thomasen tại Hồng Kông, triển lãm tại Motmatre Gallery, Virgina - Hoa Kỳ... Tranh của anh đã có mặt trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước.
Tại cuộc triển lãm ở Virgina (Hoa Kỳ) họa sĩ Đinh Cường đã nhận xét: "Tranh Sang vẫn bàng bạc một màu sương khói Huế. Là thế giới của mộng tưởng, nhiều ẩn dụ. Là sự liên kết giữa khoảng không (espase) và ngồn ngộn chất liệu (matière) mà dưới lớp sơn óng ánh kia là những ký hiệu tượng hình, những totem mà Sang gửi gắm. Tôi nhận ra ở đó cả phận người, hạnh phúc có và đớn đau có, cộng thêm một ít không khí của miếu đền, của tiếng vọng từ vách đá của điệu ru hời. Đi vào thế giới hội họa của Sang là đi vào không gian thuần khiết và mãnh liệt, thơ mộng và chân thật".

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.