Phải quy định rõ ràng, minh bạch việc trưng mua, trưng dụng tài sản

13/11/2007 14:29 GMT+7

Sáng 13/11, thảo luận tại hội trường về Dự án Luật trưng mua trưng dụng tài sản, các đại biểu quốc hội (QH) đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên còn băn khoăn về một số vấn đề, đặc biệt là về điều kiện thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản; hình thức của quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản và giá trưng mua tài sản.

Về điều kiện để thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản, đa số ý kiến cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật cần được cân nhắc kỹ vì theo quy định của Hiến pháp, việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ đặt ra trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh (QP-AN) và vì lợi ích quốc gia. Các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, thảm họa, truy bắt tội phạm... thì trong hệ thống pháp luật hiện hành cũng đã có quy định.

Đại biểu Nguyễn Phú Đông (Bắc Ninh) cho rằng, không nên mở quá rộng điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản. Vì nếu cứ tùy tiện, máy móc áp dụng việc trưng mua, trưng dụng tài sản thì khả năng và nguồn lực tài chính của đất nước khó có thể đáp ứng được, nhất là trong thực tế ở nước ta tình hình thiên tai, dịch bệnh, bão lũ… xảy ra thường xuyên. Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết, nhưng nên nghiên cứu xây dựng theo hướng phục vụ riêng lĩnh vực QP-AN để tránh trùng lắp vì nhiều nội dung trong dự thảo đã được điều chỉnh ở các luật khác. Việc mở rộng điều kiện để trưng mua, trưng dụng tài sản cần phải được cân nhắc thận trọng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có tài sản bị trưng mua, trưng dụng. Mặc dù việc trưng dụng, trưng mua có được bồi thường, trả giá nhưng ít nhiều vẫn động chạm đến quyền lợi và cuộc sống của người dân. Nếu quy định rõ ràng, minh bạch, người dân sẽ sẵn sàng góp sức, nếu không, dù có dùng luật cũng không thuyết phục được lòng người. Luật phải quy định cụ thể chặt chẽ mức độ cần thiết như thế nào thì sẽ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản?

Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) cho rằng, quy định về điều kiện để trưng dụng tài sản như Điều 26 là vừa thừa vừa thiếu, dễ hiểu sai, cần xác định trường hợp ưu tiên hàng đầu phải là: “Khi đất nước có chiến tranh”, tiếp đó là trường hợp khẩn cấp về quốc phòng. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Tây) đề nghị làm rõ khái niệm “trường hợp cần thiết" để tránh dẫn tới lạm dụng, không có lợi cho quốc kế dân sinh. Quy định “người có thẩm quyền khác” cũng phải có dẫn chiếu cụ thể để thuận lợi trong triển khai tổ chức, thực hiện.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần quy định rõ "những trường hợp thật cần thiết vì lý do QP-AN và vì lợi ích quốc gia” là những trường hợp nào? Đại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) cũng đề xuất xác định rõ thế nào là “thật cần thiết” và tránh việc luật này lại là luật tổng hợp của nhiều luật khác. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cũng đồng tình, nếu dự thảo Luật chưa làm rõ được khi nào thì quyết định trưng mua, khi nào thì quyết định trưng dụng mà chỉ quy định một cách chung chung thì rất khó và phức tạp khi tổ chức thực hiện. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng quy định "trường hợp khẩn cấp" trong Điều 26 là chưa thỏa đáng, nên quy định là “tình thế cấp thiết” thì phù hợp hơn. Đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) khẳng định: Nếu quy trình thực hiện không rõ sẽ dễ gây ra tiêu cực.

Nhìn chung các ý kiến nhất trí rằng, để đáp ứng được yêu cầu về tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh và vì lợi ích quốc gia, việc ra quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản bằng lời nói là cần thiết nhưng phải được quy định chặt chẽ hơn. Các ý kiến đề nghị nên khoanh lại đối tượng được áp dụng việc trưng dụng bằng lời nói; quy định cụ thể hơn những trường hợp, tình huống, điều kiện áp dụng nhằm bảo đảm tính nghiêm minh, chặt chẽ đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị trưng dụng. Có như vậy, mới hạn chế tối đa việc áp dụng hình thức trưng dụng bằng lời nói, tránh lạm dụng hoặc lợi dụng, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có tài sản bị trưng dụng.

Theo đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long), quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói là vấn đề mới ở nước ta, sẽ thiếu khả thi nếu không đảm bảo được lòng tin của nhân dân, kiểm soát được tình trạng giả mạo, giả danh, lợi dụng sơ hở để trục lợi. Giải quyết những vấn đề "hậu quyết định bằng lời nói" cũng sẽ là vấn đề khó khăn, phát sinh bức xúc nếu không được quy định chặt chẽ. Đại biểu Nguyễn Phú Đông (Bắc Ninh) đề nghị, việc ra quyết định trưng mua trưng dụng tài sản bằng lời nói nhất thiết phải có văn bản xác nhận, thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người ra quyết định đó. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cũng đồng tình, nếu ra quyết định bằng lời nói mà không có văn bản xác nhận thì sẽ kéo theo nhiều rắc rối sau đó. Đại biểu đặt giả định: Tình huống chiến tranh, nếu người ra quyết định trưng dụng tài sản hy sinh ngay sau đó, ai sẽ xác nhận, làm chứng cho người có tài sản được trưng dụng?

Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho rằng, nội dung của văn bản xác nhận quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói phải có đủ các yếu tố như: thời gian, ngày tháng, chức danh, đơn vị công tác, loại tài sản… đồng thời phải giao ngay văn bản này cho người có tài sản được trưng dụng. Bên cạnh đó, để chặt chẽ hơn, sau đó, người ra quyết định bằng lời nói phải báo cáo ngay bằng văn bản hoặc hình thức khác cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Hầu hết các ý kiến đều tán thành quy định giá trưng mua tài sản như trong dự thảo là xác định theo nguyên tắc giá thị trường để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có tài sản trưng mua và phù hợp với Điều 23 Hiến pháp năm 1992. Theo các đại biểu, mặc dù quan hệ mua bán trong trường hợp này là áp đặt, nhưng không có nghĩa là đương nhiên áp đặt về giá, mà phải đảm bảo quyền lợi kinh tế của người có tài sản bị trưng mua và phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận, trừ trường hợp không thỏa thuận được mới phải áp dụng biện pháp áp đặt của cơ quan nhà nước. Quy định như trong dự thảo có tính “mở”, vừa đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có tài sản trưng mua, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc định giá nếu thực hiện được cơ chế thỏa thuận. Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho rằng, giá trưng mua tài sản nên quy đổi theo vàng hoặc tài sản nào tương đương; trường hợp không thống nhất được giá, phải quy định rõ thành phần của hội đồng định giá.

Tuy nhiên, các đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên), Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội)... cho rằng, không nên quy định cơ chế thỏa thuận giữa người có tài sản trưng mua và người ra quyết định trưng mua vì quyết định trưng mua là quyết định hành chính, theo đó, giá trưng mua do người quyết định trưng mua áp đặt, phải xác định là để phục vụ cho lợi ích quốc gia. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, cần xác định rằng Luật này quy định 2 quan hệ dân sự trong "tình trạng bất thường", phải đề cao trách nhiệm của công dân, không nên có những quy định cứng nhắc như bắt buộc phải có xác nhận trong việc ra quyết định trưng dụng bằng lời nói hay đặt vấn đề giá thị trường, thỏa thuận mua bán. Theo đại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La), trong các trường hợp khẩn cấp, thông thường giá cả bao giờ cũng cao hơn; do đó cần tính đến cả yếu tố truyền thống dân tộc, động viên, khuyến khích tinh thần vì lợi ích quốc gia, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái trong cộng đồng, xã hội. Luật cũng cần đặt vấn đề khen thưởng, ghi công những người có đóng góp cho đất nước.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.