Sửng sốt chuyện trùng tu

13/11/2010 00:31 GMT+7

Mục đích của bất cứ cuộc trùng tu nào cũng nhằm để khôi phục nguyên trạng di tích sau khi bị thời gian tàn phá hay con người xâm hại. Ngay trong việc khôi phục nguyên trạng này không phải không có những quan điểm khác nhau của các nhà trùng tu hay khảo cổ.

Nhưng khi đã chấp nhận quan điểm khôi phục nguyên trạng, thì không thể có chuyện “đem đền bà kia lắp vào chùa ông nọ” kiểu đưa mẫu cổng chùa Láng lắp vào cổng đền Voi Phục như quận Ba Đình đã làm.

Với kinh phí 18 tỉ đồng cho việc trùng tu này, mà kết quả trùng tu lại như vậy thì đúng là… phí kinh! Sự lãng phí không chỉ ở tiền bạc, công sức, mà với lối làm việc cẩu thả, tắc trách như vậy đã và sẽ dẫn tới sự lãng phí chính các di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng. Xem loạt bài điều tra trên Báo Thanh Niên về những “chuyện lạ” trong trùng tu di tích ở Hà Nội, thật khiến cho những người yêu mến, kính trọng lịch sử cha ông không khỏi giật mình. Với cái đà “trùng tu” theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” ở đền Voi Phục và “thông quan” vô trách nhiệm giữa di tích đình Nam Hương và di tích khu tượng thờ Vua Lê Thái Tổ, thì biết đâu tới một lúc nào đó, người ta sẽ giật mình khi không còn biết đâu là đền đâu là chùa đâu là đình nữa.

Với những thế hệ trẻ ít có điều kiện và thời gian tiếp cận các di tích như hiện nay, chuyện họ sẽ nhầm lẫn lung tung khi tới thăm các di tích là hoàn toàn có thể xảy ra. Và trong chuyện đó, chưa chắc thế hệ trẻ đã có lỗi, vì những “nhà trùng tu” đã “cào bằng” và “làm mới” theo kiểu rập khuôn tất cả các di tích, để sự khác biệt ngày càng khó thấy, còn sự “nhang nhác” giống nhau ngày càng hiện rõ.

Ai cũng biết, mỗi một ngôi đền cổ ở Việt Nam đều ẩn chứa trong nó không chỉ lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật mà còn là dấu ấn của những thời đại khác nhau, của những triều đại khác nhau trong lịch sử. Đó là cả một pho sách mở lớn cho các thế hệ sau có thể tìm đến chiêm nghiệm, tìm hiểu, học hỏi và tự răn mình. Những con chó đá, ngựa đá hay rồng đá trong các ngôi đền ngôi chùa Việt vẫn có những khác biệt với những pho tượng cùng loại ở các ngôi chùa khác trên thế giới.

Trùng tu không chỉ là “làm mới lại” một cách vô cảm, mà phải là sự chiu chắt, ngẫm ngợi, học hỏi trên từng chi tiết có thể đã bị tàn phai hay bị thương tích của lịch sử.

Đừng “bắn” vào quá khứ bằng sự vụ lợi vô cảm và thiếu hiểu biết, vì sẽ đến lúc, nói như một nhà thơ, tương lai sẽ “bắn” vào bạn bằng sự khắc nghiệt gấp nhiều lần!

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.