Chim cảnh trước "cơn bão" cúm gia cầm

03/11/2005 23:46 GMT+7

Cúm gia cầm (CGC) tại Việt Nam, được dự báo sẽ gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế và tính mạng người dân, vốn xuất phát từ sự truyền nhiễm vi-rút của loài chim di trú. Vì lẽ đó, chim cảnh (kiểng) trên địa bàn TP.HCM đang nằm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan phòng chống dịch. Nhưng còn thú vui chơi chim cảnh thì sao?


Cuối năm 2003, khi dịch CGC bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, biện pháp tình thế bấy giờ là tiêu diệt đàn gia cầm lẫn chim cảnh. Chị Hoàng Kim Yến, nhân viên một hãng hàng không tại TP.HCM, người có thâm niên trong nghề chơi chim, nhớ lại: "Tôi yêu thích chim từ thuở bé, đến nay đã gần 15 năm. Tôi không chọi chim, không kinh doanh, chủ yếu là nghiên cứu những loài chim quý. Khi dịch CGC bùng phát lần đầu tiên, gần 200 con chim của tôi bị giết sạch! Suốt 2 tháng sau đó, cứ nghĩ đến là tôi lại buồn đến bỏ cả cơm. Cả đàn đều là chim nhập khẩu, giá trị lên đến cả 30-40 triệu đồng. Tiếc tiền thì ít, tiếc công sức thì nhiều...". Sau cú sốc đó, chị Yến không dám tiếp tục theo đuổi đam mê của mình nữa, chỉ giữ vài con chim quý và chuyển sang các loại thủy sinh...

 

Mùa cúm năm nay, một trong những biện pháp tăng cường phòng chống CGC được nêu rõ trong chỉ thị của UBND TP.HCM ngày 26.10: "Đình chỉ các hoạt động tham quan chim cảnh tại các khu vui chơi giải trí và đình chỉ kinh doanh chim cảnh (kể cả các điểm kinh doanh chim phóng sinh) trên toàn địa bàn thành phố". Giới chơi chim bắt đầu rục rịch đối phó. "Chơi chim là thú vui tinh thần, một cách giảm stress hiệu quả, gắn bó bao nhiêu lâu, ai mà nỡ bỏ đi. Chính vì vậy, tốt nhất là đem cất con vật cưng của mình thật kỹ" - một nghệ nhân chơi chim ở Q.3 (TP.HCM) cho biết. Diễn đàn về chim, cá cảnh trên mạng Internet cũng lập tức thông tin cho hội viên một số biện pháp phòng chống cho đàn chim của mình: hạn chế tối đa nuôi chim thả ngoài trời bởi chúng có thể lây nhiễm cúm từ các loài chim di trú; tạm thời không mua bán chim, không liên hệ với các nơi buôn bán chim cảnh; hạn chế tối đa việc mua thức ăn cho chim như châu chấu, sâu qui, dế... từ bên ngoài.

 

Các khu vui chơi, giải trí ở TP.HCM cũng tích cực đưa đàn chim cảnh vào vòng bảo vệ. Từ hơn nửa tháng qua, Công viên văn hóa Đầm Sen đã đóng cửa vườn chim không cho du khách tham quan. Ông Đoàn Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch văn hóa Suối Tiên cũng cho biết, khu vườn chim của Suối Tiên đã được rào lại bằng kính mica. Tại Thảo cầm viên Sài Gòn (TCVSG), công việc bảo vệ đàn chim khó khăn hơn nhiều. Tại đây đang nuôi dưỡng trên 50 loài chim với gần 300 con, trong đó có những loài quý hiếm, nằm trong "sách đỏ". Ông Phan Việt Lâm, Phó giám đốc TCVSG cho biết: "Năm ngoái, TCVSG phải đóng cửa 1 tháng để đối phó với dịch CGC, năm nay, trước tình hình dịch cúm có xu thế lan rộng, TCVSG đã bắt đầu có những biện pháp bảo vệ đàn chim, thú cũng như an toàn cho khách tham quan như không cho thú ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm (thịt, trứng gà, vịt...), chuồng chim đều có thùng vôi bột để công nhân sát trùng chuồng trại hằng ngày...". Từ 1.11, TCVSG đã bắt đầu căng dây, rào chắn không cho khách vào sát khu vực các chuồng chim...

 

Điều lo ngại còn lại chính là từ các điểm kinh doanh chim cảnh ngoài thị trường. Dù nhu cầu mua bán chim đang giảm sút nhưng các điểm bán chim trên đường Lê Hồng Phong (Q.5), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.10) vẫn tiếp tục hoạt động. Bác sĩ Phan Xuân Thảo, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay, TP.HCM chỉ cấm kinh doanh và đưa ra ngoài trời trưng bày, triển lãm các loại chim cảnh, các hộ dân hay hộ kinh doanh có thể nuôi nhốt trong nhà, cách ly với môi trường bên ngoài hoặc di dời đến địa phương khác ngoài thành phố. Trong trường hợp dịch xảy ra mạnh hơn tương ứng với pha 4 của Tổ chức Y tế thế giới, thành phố sẽ tiêu hủy đồng loạt để đảm bảo sức khỏe con người".

 

Gà đá vào vòng bí mật

 

Anh Lê Đình Thân (huyện Tân Uyên, Bình Dương) cho biết: "Tôi chỉ nuôi 4 con gà đá, còn bạn bè trong khu vực thì nhiều hơn, có người đến chục con. Gà đá, gọi nôm na là gà nòi, bao giờ cũng đắt tiền, bình quân 2-4 triệu đồng/con. Bởi nuôi gà nòi rất cực, từ ăn uống đến chuồng trại ngủ nghỉ. Có những con gà thắng độ liên tiếp giá lên đến 6-7 triệu đồng... Trong bối cảnh H5N1 tràn lan, gà nòi cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù đã đưa gà đi tiêm chủng vắc-xin song những người nuôi gà đá vẫn phải bí mật cất giấu con gà của mình. Do giá trị con gà lớn (có khi gấp trăm lần gà thịt) nên chúng tôi bao giờ cũng phòng bệnh nghiêm ngặt cho gà. Chúng được uống kháng sinh còn đầy đủ hơn cả trẻ em. Gần đây chúng tôi không dám ôm gà ra khỏi địa phương vì sợ... công an bắt"(?).

 

Một tay chơi gà đá có hạng ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) thì kể: "Năm trước, tôi có con gà nòi "chiến" lắm, ra thi đấu thắng nhiều hơn bại. Nhiều người đòi mua cả chục triệu tui cũng không bán. Nhưng từ ngày có dịch cúm, tôi phải dằn lòng giao nộp cho cơ quan thú y. Tiếc lắm, nhưng phải chịu. Năm nay thì phải nuôi lén lút vì ghiền nhưng sắp tới chắc phải cất giấu kỹ để phòng dịch cho chúng".

H.S - Q.T

 

Quang Thuần - Mai Vọng - Cẩm Nhi

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.