"Chuyện lạ" trong cơn dịch cúm gia cầm

19/12/2005 00:25 GMT+7

Trong chuyến đi kiểm tra các vựa trứng gia cầm ngày 17/12 vừa qua do UBND TP.HCM tổ chức, một trong số rất ít cơ sở kinh doanh trứng được Chi cục Thú y đánh giá đạt tiêu chuẩn phòng chống dịch cúm là vựa trứng Ba Huân (Q.6). Mặc dù dịch cúm chưa chấm dứt nhưng "chuyện lạ" đang xảy ra tại vựa trứng lớn nhất TP.HCM: mỗi ngày vựa vẫn tiêu thụ được hơn 100.000 trứng!

Đối đầu với đại dịch cúm gia cầm

Dù thuộc hàng "đại gia" về trứng gia cầm nhưng cơ sở Ba Huân cũng không khỏi lao đao khi những "cơn bão" cúm gia cầm tràn vào Việt Nam. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ba Huân, vẫn chưa quên những giai đoạn khó khăn đó. Thâm niên trong nghề từ trước năm 1975 nhưng bà Huân vẫn không lường được hậu quả khi lần đầu tiên dịch cúm H5N1 xuất hiện ở Việt Nam năm 2003. Năm đó, cơ sở Ba Huân lỗ sơ sơ... gần 5 tỉ đồng vì sản phẩm vừa bán không được, vừa bị giật nợ. Tình hình các vựa trứng đều rất bi đát, có cơ sở phải phá sản vì không cầm cự nổi. Tất cả rồi cũng qua nhưng khi thị trường sản phẩm gia cầm có dấu hiệu phục hồi thì đầu năm 2005, dịch cúm H5N1 bùng phát trở lại. Rút kinh nghiệm lần trước, nhưng cơ sở Ba Huân cũng lỗ xấp xỉ 1 tỉ đồng. Năm nay, các biện pháp chống dịch của cả nước quá quyết liệt, hàng ngàn trứng dự trữ cho mùa trung thu 2005, bà Huân phải cho công nhân đem đi hủy vì không ai thèm mua. Bà Huân tâm sự: "Nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề vì cực quá, thế nhưng cả đời tôi gắn bó với nghề này, những đứa em tôi lớn khôn và thành đạt hôm nay cũng từ những ngày gắn bó với quả trứng gà, trứng vịt. Với lại mình nghỉ, hàng trăm hộ nông dân vẫn gắn bó với mình bấy lâu nay sẽ ra sao, thế là lại phải tiếp tục lao vào".

Với quyết tâm ngăn chặn dịch cúm H5N1 xảy ra, các cơ quan phòng chống dịch ở TP.HCM năm nay siết rất chặt nguồn cung cấp gia cầm. Đầu tiên là thịt gà, thịt vịt, sau đó đến trứng cũng không thoát khỏi bị kiểm soát ngặt nghèo. Chi cục Thú y TP.HCM thông báo trong vòng một tuần các cơ sở bán trứng phải trang bị đầy đủ các thiết bị để phòng chống dịch như máy khử trùng bằng ozon, phòng kín... hoặc phải đóng cửa! Bà Huân lập tức huy động nhân công, mua sắm máy móc và làm cả ngày đêm để hoàn thành hệ thống khử trùng theo đúng yêu cầu của thú y với số tiền gần 400 triệu đồng. Nhưng tất cả chưa dừng lại ở đó...

Từ vựa lên xí nghiệp

Qua hai mùa dịch, bà Huân nhận ra rằng với mô hình kinh doanh như hiện nay thì cho dù vựa trứng của bà có lớn đến đâu cũng khó mà cầm cự mãi được. Sau trận dịch năm 2003, bà đã có ý tưởng nâng quy mô vựa trứng của mình lên thành xí nghiệp với những máy móc hiện đại. Bà đang nhờ một người em là Việt kiều Mỹ hỏi mua giúp một dàn máy để biến ý tưởng trên thành hiện thực. Với dàn máy này, những quả trứng sẽ được làm vệ sinh, tiệt trùng, đóng gói sẵn sàng trước khi đến tay người tiêu dùng, tất cả hoàn toàn tự động. Được biết, một chiếc máy như vậy tại Mỹ có giá đến 2 triệu USD. Bà Huân nói: "Điều mà tôi mong muốn nhất hiện nay, đó là sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, có thể về mặt hành chính hoặc cho tôi vay ưu đãi. Với xí nghiệp này, tôi có thể giúp cho nông dân có đầu ra và cung cấp được nhiều sản phẩm hơn cho thị trường TP.HCM". Ông Đỗ Xuân Hạ, Phó giám đốc Sở Thương mại TP.HCM ủng hộ: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để những cơ sở có đủ điều kiện phòng chống dịch cúm như Ba Huân phát triển mạnh hơn nữa. Thành phố rất cần những cơ sở như thế này trong việc ngăn chặn cúm gia cầm mà không làm ảnh hưởng đến những hộ chăn nuôi".

Trước mùa dịch, vựa Ba Huân cung cấp gần 300.000 trứng/ngày. Hiện nay, con số đó tuy chỉ còn hơn 100.000 trứng/ngày, nhưng với sự quyết tâm của doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền thì cơ sở Ba Huân và những cơ sở đạt tiêu chuẩn khác vẫn đủ sức chống chọi trước cơn đại dịch.

Trung Bảo - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.