Có thể áp trần lãi suất cho vay

18/12/2011 00:45 GMT+7

Hàng loạt chính sách mới đã được công bố trong hội nghị toàn ngành ngân hàng (NH) diễn ra ngày 17.12.

Hàng loạt chính sách mới đã được công bố trong hội nghị toàn ngành ngân hàng (NH) diễn ra ngày 17.12.

 
Trong năm tới, ngân hàng nào hoạt động tốt sẽ được mức “room” tín dụng cao - ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vẫn còn hiện tượng lách trần

Nhìn lại hoạt động toàn hệ thống trong 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nhận định: Điểm sáng nhất của năm 2011 là nếu giai đoạn 2001 - 2010, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân 33,5%/năm mới đảm bảo GDP ở mức 7-7,5%/năm thì năm 2011, tăng trưởng tín dụng ước khoảng 12,5% nhưng GDP đã đạt được 6%.

Tỷ lệ tăng tín dụng/GDP từ mức 6/1 nay đã giảm về khoảng 2/1 cho thấy tín dụng đã đi trúng đích cả về chất và lượng.

Điểm tối nhất của toàn hệ thống chính là những vi phạm về trần LS 14%/năm, gây ra rối loạn trên thị trường tiền tệ, đẩy LS cho vay tăng cao, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Báo cáo về công tác thanh tra của Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cũng chỉ ra vào tháng 8, hầu hết các tổ chức vi phạm và chỉ khi NHNN siết lại kỷ cương, xử lý một số NH vi phạm thì tình hình mới đi vào ổn định.

Chủ tịch HĐQT của NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết vào thời điểm tháng 8, các NH lách trần nên BIDV có thời điểm bị rút mất hơn 17.000 tỉ đồng, thêm vào đó “cò” huy động vốn lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện trong hệ thống đã “ăn tiền” của cả khách hàng và NH. Chủ tịch HĐQT NH TMCP Công thương (Vietinbank) Phạm Huy Hùng cũng góp ý thêm với thanh tra NHNN, phải tăng cường thanh tra thường xuyên trần LS 14%, khi hiện nay nhiều tổ chức tín dụng đã đẩy LS huy động lên tới 16-16,5%/năm bằng những hình thức tinh vi. 

Theo ông Hà, thời gian qua có tình trạng các NH cho NH khác vay với LS quá cao (có thời điểm lên tới 48-50%), trên thị trường vốn dân cư, các tổ chức kinh tế, lãi cho vay chia 3 nhóm từ 17-19%, từ 19-21% và trên 22%/năm. Ông Hà kiến nghị đặt trần LS cho vay để hạn chế tình trạng trên. Chia sẻ quan điểm này, ông Hùng đề xuất trong trung hạn nên bỏ trần huy động để chuyển sang trần cho vay, như vậy không còn chuyện lách trần, chi cho khoản này, khoản kia gây nhiễu loạn hệ thống.

Mỗi NH sẽ có một “room” tín dụng

Việc áp trần lãi vay nhiều khả năng sẽ sớm trở thành hiện thực khi không chỉ các NH thương mại mà NHNN cũng đã tính tới. Trong báo cáo về định hướng hoạt động 2012, cơ quan này khẳng định có thể áp trần LS huy động và kể cả cho vay nếu thị trường vẫn còn biến động. Bên cạnh LS, trong năm tới, lần đầu chính sách tín dụng của NHNN sẽ không còn cào bằng “room” tín dụng cho tất cả các NH mà sẽ cấp chỉ tiêu cho từng NH một. NH nào hoạt động tốt được mức cao, NH yếu kém nhận mức thấp.

Theo đó, với định mức tăng trưởng tín dụng 15-17%, các tổ chức tín dụng được xếp thành 4 nhóm: A (hoạt động lành mạnh), B (trung bình), C (dưới trung bình) và D (yếu kém). Mặc dù NHNN chưa công bố tiêu chí cụ thể để phân nhóm, nhưng chắc chắn năm nay sẽ không ít tổ chức tín dụng rơi vào nhóm bị hạn chế. Đến thời điển hiện tại, ngoài các tổ chức tín dụng nhà nước đáp ứng được tỷ lệ khả năng chi trả, còn 5/37 tổ chức khác có vi phạm, hiện 14/37 tổ chức đang khó khăn về thanh khoản. 

Thủ tướng đề nghị giảm lãi suất

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu NHNN phải nhanh chóng giảm LS, vì lạm phát 5 tháng đầu tăng thấp bình quân đều dưới 1%. “Tôi đề nghị ngành NH tập trung giảm LS cho vay. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa LS về mức hợp lý với lạm phát bằng cơ chế từ thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính”, Thủ tướng chỉ đạo.

Về hoạt động tái cơ cấu NH, Thủ tướng yêu cầu các NH thương mại quốc doanh cũng phải cơ cấu lại để làm nòng cốt cho hệ thống. Tới đây, Thủ tướng giao cho NHNN làm chủ sở hữu 5 NH quốc doanh, trực tiếp đề ra chiến lược phát triển các NH này. Đối với các NH thương mại cổ phần, Thủ tướng đề nghị mỗi NH phải tự mình tái cơ cấu mạnh hơn, hiệu quả hơn. Nhà nước sẽ tạo hành lang pháp lý để NH hoạt động lành mạnh, nhưng các NH không thể để tồn tại tình trạng lấy tiền toàn xã hội để đầu tư bất động sản, chứng khoán, đến khi thị trường trầm lắng không thu hồi được nợ, không có tiền trả cho người dân như thời gian qua.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.